Lãi suất cuối năm: Vẫn khó giảm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mới đây, không ít ngân hàng thương mại công bố biểu lãi suất huy động mới với mức tăng khá mạnh tại các kỳ hạn ngắn. Bên cạnh đó, thanh khoản ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào dù đang vào cao điểm về nguồn vốn, thanh toán. Điều này đặt ra câu hỏi liệu có “sóng” về lãi suất trong tháng còn lại của năm 2017?
Lãi suất cuối năm: Vẫn khó giảm
Lãi suất từ nay đến đầu năm 2018 khó có thể giảm theo yêu cầu và kỳ vọng. Ảnh: ST.

Thị trường ổn định

 

Theo thông lệ hàng năm, quý IV luôn là quý mà thanh khoản của hệ thống thường có sự biến động mạnh do nhu cầu tín dụng, nhu cầu thanh toán tăng cao, song các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoản Bảo Việt (BVSC) cho rằng, lãi suất huy động sẽ không chịu sức ép tăng quá lớn, nếu có tăng sẽ chỉ diễn ra đơn lẻ tại một số ngân hàng đang có mức lãi suất quá thấp ở các kỳ hạn ngắn, giúp thị trường tiền tệ diễn biến ổn định trong thời gian còn lại củ‌ּa qu‌ּý IV.

 Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô 11 tháng năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, lãi suất huy động trên thị trường tăng nhẹ so với tháng trước khi một số ngân hàng thương mại lớn có tỷ trọng tiền gửi lớn điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn. Tiêu biểu, theo biểu lãi suất mới của BIDV, các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng sẽ được hưởng lãi suất 4,8%/năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ. Khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng được nâng từ 4,8% lên 5,2%/năm – tương đương với kỳ hạn 6 tháng… Tại VietinBank, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 9 tháng đã tăng từ mức 5,5- 5,7% lên 5,8%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 13 tháng tăng từ 6,5% lên 6,8%/năm. Tại ngân hàng Sacombank, lãi suất huy động kỳ hạn 2 tháng và 6 tháng tăng thêm 0,2%, lên tương ứng 5,3%/năm và 6,2%/năm; lãi suất kỳ hạn 9 tháng tăng 0,4% lên 6,4%/năm; kỳ hạn 12 tháng cũng tăng nhẹ 0,1%, lên 6,9%/năm… Vì thế, tính đến tháng 11, tính chung, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,85%, 6 tháng ở mức 5,72%, 12 tháng ở mức 6,8%, 12-36 tháng ở mức 7,07% (tăng từ 0,04-0,15 điểm %).

Mặc dù lãi suất huy động có tăng nhẹ ở một số ngân hàng thương mại, nhưng lãi suất cho vay khá ổn định so với tháng trước. Hiện tại, lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên ở mức 6,5%, cá biệt có ngân hàng thương mại ở mức 6%, với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất phổ biển ở mức 9,3-11% kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Vì thế, tín dụng 11 tháng năm 2017 tăng 15,3% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2016 tăng 15,6% so với đầu năm).

Nhờ những sự ổn định trên, theo báo cáo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung ổn định. Thanh khoản hệ thống được hỗ trợ lớn từ việc Ngân hành Nhà nước (NHNN) mua được lượng lớn ngoại tệ và cung ứng tiền ròng khoảng gần 124 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống đạt khoảng 86,9%, tăng nhẹ so với mức 85,6% cuối năm 2016.

"Cửa hẹp" cho lãi suất

Tín hiệu thị trường đưa ra rất tích cực, giúp người dân và cộng đồng DN kỳ vọng về đợt giảm lãi suất, đặc biệt là giảm lãi suất cho vay dịp cuối năm theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhưng các chuyên gia đều cho rằng, các chỉ số đều trong tầm kiểm soát nên thị trường khó có thể giảm lãi suất, chỉ có thể duy trì trạng thái ổn định từ nay đến đầu năm 2018.

Về vấn đề này, theo chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, có 4 nguyên nhân để hệ thống ngân hàng khó giảm lãi suất.

Thứ nhất là lạm phát năm nay kiểm soát tốt nhưng nếu không cẩn thận thì sang năm có thể tăng nhanh trong bối cảnh lượng cung tiền ra khá lớn đồng thời với việc Chính phủ đồng ý tăng giá cả một số loại hàng hóa cơ bản, trong đó có giá điện. Theo nghiên cứu của TS. Lực thì giá cả hàng hóa thế giới trong năm 2017 tương đối ổn định, nhưng năm 2018 có thể tăng do nhu cầu và sự phục hồi tốt của kinh tế thế giới.

Thứ hai là vấn đề nợ xấu. Mặc dù Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng giúp nợ xấu xử lý được nhanh hơn, nhưng đây vẫn là một quá trình không phải trong ngày một ngày hai; nợ xấu nếu chưa được xử lý nhanh hơn hiệu quả hơn thì sẽ khó giảm lãi suất.

Thứ ba là chênh lệch đầu ra đầu vào của Việt Nam ở mức tương đối thấp so với khu vực, chỉ 2,2-2,4%, trong khi mức này tại Trung Quốc khoảng 3%, Philippines, Indonesia khoảng 2,8-3%...; như vậy nghĩa là Việt Nam có cùng mức rủi ro nhưng chênh lệch lại thấp hơn.

Thứ tư là do nhu cầu nguồn vốn, đặc biệt là nhu cầu tăng trưởng tín dụng ở mức 18-20% theo yêu cầu Chính phủ đặt ra. Ngoài ra, các ngân hàng phải đáp ứng các yêu cầu về pháp lý, như Thông tư 06 của NHNN về yêu cầu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cũng khiến các nhà băng phải tăng cường huy động vốn cuối năm. Điều này khiến lãi suất đầu vào không thể giảm, kéo theo lãi suất đầu ra cũng không thể giảm.

Rõ ràng, “cửa” để giảm lãi suất đối với các DN vẫn khá hẹp nên cần thêm những điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi hơn, bên cạnh đó là việc điều hành chính sách tiền tệ hợp lý từ cơ quan quản lý. Nhưng điều đáng ghi nhận là việc điều hành hiện nay đã giúp thị trường tránh được những “cơn sóng dữ”, đi vào ổn định nên việc cần thiết hơn cả là giảm thủ tục, kéo gần khoảng cách giữa ngân hàng – DN để lãi suất ở mức nào cũng có thể phát huy hiệu quả cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật