Áp lực cán đích dự toán thu ngân sách 2017

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Để đạt dự toán NSNN được Quốc hội giao, ngành Tài chính còn phải thu 162 nghìn tỷ đồng, trong đó có tới 100 nghìn tỷ đồng là ngân sách Trung ương. Đây là một áp lực lớn. Tuy nhiên, toàn Ngành nói chung, đặc biệt là hai hệ thống Thuế, Hải quan nói riêng đều đã có những “tính toán” riêng để cán đích nhiệm vụ thu năm nay.
Áp lực cán đích dự toán thu ngân sách 2017
Phần lớn số thu ngân sách Trung ương còn lại đang “nằm trong tay“ ngành Thuế do một số địa phương điều tiết lớn chưa hoàn thành dự toán. Ảnh: Thuỳ Linh.

Áp lực lớn

 

Tính đến ngày 22/11/2017, cơ quan Thuế các cấp đã thanh, kiểm tra trên 83,7 nghìn DN, xử lý tăng thu ngân sách trên 16,1 nghìn tỷ đồng, trong đó đã thu vào ngân sách 11,5 nghìn tỷ đồng; giảm khấu trừ thuế 1,5 nghìn tỷ đồng; giảm lỗ 30,2 nghìn tỷ đồng. Tăng cường các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ đọng thuế, trong 10 tháng, các cơ quan Thuế đã thu gần 39,9 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế năm 2016 chuyển sang.

Tính đến 15/11/2017, ngành Hải quan đã thực hiện gần 7,7 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan, xử lý tăng thu ngân sách 2 nghìn tỷ đồng, thực thu vào NSNN 1,7 nghìn tỷ đồng; xử lý và thu hồi 590 tỷ đồng nợ thuế phát sinh từ ngày 31/12/2016 trở về trước. Đồng thời, ngành Hải quan tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đã bắt giữ 12,5 nghìn vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách 291 tỷ đồng.

 Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, 11 tháng qua, tổng thu cân đối NSNN đạt 1.077,3 nghìn tỷ đồng, bằng 88,9% dự toán, bằng 86,9% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2016. Đáng chú ý, thu nội địa đạt 859,2 nghìn tỷ đồng, bằng 86,8% dự toán. Trong số này, thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của DNNN ước đạt 63 nghìn tỷ đồng, bằng 105% dự toán; thu tiền bán bớt cổ phần sở hữu nhà nước tại DN mới đạt 13 nghìn tỷ đồng; các khoản thu nội địa còn lại ước đạt 661,6 nghìn tỷ đồng, bằng 84,5% dự toán.

Đóng góp vào số thu ngân sách, thu từ dầu thô 11 tháng thu đạt 42,4 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán 10,7%. Thu từ hoạt động XNK 262,4 nghìn tỷ đồng, bằng 92,1% dự toán. Theo phân tích của Bộ Tài chính, số thu ngân sách có xu hướng tăng trong những tháng gần đây chủ yếu nhờ hoạt động XNK tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tổng giá trị kim ngạch XNK tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó giá trị kim ngạch NK các mặt hàng có đóng góp số thu lớn cho NSNN như xăng dầu; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; điện thoại các loại và linh kiện… đều tăng mạnh.

Bộ Tài chính nhận định, để đạt được mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội, nhiệm vụ còn phải thu rất lớn, khoảng 162 nghìn tỷ đồng, tăng gần 64 nghìn tỷ đồng/tháng so với mức thu bình quân của 11 tháng qua. Không những thế, con số còn lại này chủ yếu thuộc ngân sách Trung ương. Nếu tính toán trừ đi khoản thu dự kiến từ cổ phần hóa, số thu còn lại của ngành Hải quan thì phần lớn “gánh nặng” đang nằm trên vai ngành Thuế, đặc biệt là từ các địa phương lớn có số thu điều tiết về ngân sách Trung ương.

Nhìn sâu hơn có thể thấy, tiến độ thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá so dự toán và cùng kỳ năm trước. Ước tính có 49/63 địa phương thu đạt trên 89% dự toán (trong đó có 36 địa phương đạt trên 95%) và 59/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016, có 4 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ. Những địa phương có số thu thấp chủ yếu do nguyên nhân khách quan. Ví dụ, Quảng Ngãi do không còn áp dụng cơ chế thu điều tiết đối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Vĩnh Phúc giảm thu từ hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô; Thái Bình giảm thu thuế bảo vệ môi trường từ mặt hàng xăng, dầu; Thanh Hóa giảm thu từ thuế nhà thầu của Tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Song, khi tham gia ý kiến tại cuộc họp giao ban công tác 11 tháng của Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, mới có 4 địa phương “nhỏ” có điều tiết về ngân sách Trung ương đã hoàn thành. Trong khi đó, nhiều địa phương lớn như Hà Nội, Vĩnh Phúc,...đang “ngấp nghé” tiến độ. Xét đến cùng, ngành Thuế còn phải thu hơn 96 nghìn tỷ đồng nữa mới đạt ngân sách Trung ương.

Đôn đốc nợ thuế, rà soát kết luận thanh kiểm tra

Nêu ra giải pháp, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan này đã mời các tỉnh, thành phố có điều tiết lớn về ngồi lại cùng với các vụ, cục thuộc Tổng cục để rà soát từng khoản thu, quán triệt quyết tâm phấn đấu hoàn thành dự toán, nhất là ở khối địa phương như Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng tiến hành rà soát từng khoản nợ thuế của từng đơn vị phụ trách để quyết liệt thu; đôn đốc thanh tra, kiểm tra và thực hiện “rốt ráo” các kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, của thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, trong đó có phần thu nộp về ngân sách Trung ương. Đặc biệt, Tổng cục Thuế đang tập trung vào các đơn vị có rủi ro trên cơ sở dữ liệu về thuế TNDN để tổ chức kiểm tra ngay và thu nộp NSNN kịp thời.

Tương tự, về phía Hải quan, để thu đạt mục tiêu phấn đấu là 295.000 tỷ đồng, bên cạnh việc tích cực tạo thuận lợi cho DN trong quá trình thông quan hàng hóa, cơ quan Hải quan sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, kiểm tra sau thông quan; thu hồi nợ và xử lý nợ thuế.

Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành 3 danh mục rủi ro về trị giá, với 70 nhóm hàng và trên 7.500 mức giá; 2 danh mục rủi ro về phân loại và áp dụng mức thuế đối với hơn 500 mặt hàng, cảnh báo dấu hiệu nghi vấn về mã số khai báo, mức thuế, nhằm chống thất thu ngân sách.

tại buổi họp báo chuyên đề về thu ngân sách diễn ra mới đây, ông Lê Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Thuế XNK cho biết, Tổng cục Hải quan đã và đang tổ chức các đoàn công tác tới các cục hải quan địa phương như TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn,... để hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý nợ thuế Đây là những địa phương có số thu lớn, nợ thuế cao, nợ mới phát sinh tăng, loại hình phức tạp, nhiều mặt hàng nhạ‌y cả‌m để quát triệt, yêu cầu các địa phương tích cực thực hiện các biện pháp để chống thất thu thuế.

Trong tuần này, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan sẽ tổ chức các đoàn công tác để làm việc với các địa phương có điều tiết lớn về ngân sách Trung ương. Qua đó, động viên, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, thúc đẩy các địa phương hoàn thành dự toán thu được giao.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã nhìn thấy và tập trung vào các giải pháp để đảm bảo cân đối ngân sách Trung ương. Ngoài việc thực hiện các giải pháp tăng thu NSNN, các địa phương nhận trợ cấp từ ngân sách cơ bản phải tự đảm bảo. Nếu địa phương hụt thu thì phải sử dụng nguồn tại chỗ để xử lý, kể cả dự phòng, trường hợp còn lại có thể Trung ương bù, nhưng gần như Trung ương cơ bản không bù.

Chúng tôi tập trung vào các địa phương có điều tiết về Trung ương, đặt trọng điểm đẩy tăng thu ở các địa bàn này. Trong tính toán năm nay cố gắng đảm bảo tổng thể sẽ vượt. Đến thời điểm này, chúng tôi khẳng định với Quốc hội là tổng thu ngân sách sẽ vượt trên 2,3%.

Tuy nhiên, tổng thể là như thế nhưng thu ngân sách Trung ương nhìn chung vẫn khó khăn nên sẽ tập trung điều tiết về Trung ương. Cùng với đó, sẽ phấn đấu tăng thu ngân sách từ XNK để đạt dự toán; đồng thời kiểm soát chặt chẽ quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, tăng dư địa cho cân đối Trung ương; tập trung vào trọng điểm thu để tăng điều tiết. Mặt khác, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách, đặc biệt là các tập đoàn, các tổng công ty lớn.

Chính phủ đang quyết liệt tăng thu từ cổ phần hóa. Trong báo cáo vừa qua mới được 10.000 tỷ đồng, nhưng vừa rồi Vinamilk đã bán tiếp cổ phần, giá sàn đưa ra 150.000 đồng/cổ phần, nhưng giá bán thực tế là 186.000 cổ đồng, thu về khoảng 10.000 tỷ đồng – một con số rất lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ đang chỉ đạo cố gắng phấn đấu thu đủ 60.000 tỷ đồng từ nguồn này, đảm bảo cân đối ngân sách Trung ương.

(Trích trả lời chất vấn ngày 16/11/2017)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật