‘Tiền bán đất không đủ chống ngập cho Sài Gòn’

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Chúng ta đang và sẽ tiếp tục ’bòn rút’ từ các quỹ và nguồn khác để đắp vào việc giải quyết chống ngập cho các khu vực lỡ phát triển“, TS Nguyễn Ngọc Hiếu lo ngại.
‘Tiền bán đất không đủ chống ngập cho Sài Gòn’
Ảnh minh họa

Ngập úng diện rộng, ách tắc giao thông, đô thị hoá ồ ạt là hậu quả tất yếu của một quá trình phát triển thiếu lành mạnh trong hàng chục năm qua của TP.HCM. Trao đổi với Báo , tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu (Đại học Việt Đức) cho rằng tiền bán đất của TP.HCM cũng không đủ để chống ngập.

"Nếu các nhà đầu cơ cứ mua đất nơi trũng thấp thường bị ngập, rồi thành phố bỏ tiền đầu tư cải thiện thì thực chất là thành phố đang bị hút máu cho các nhà đầu cơ hưởng lợi", TS Hiếu nói.

Phát triển thiếu lành mạnh

- Trong hàng chục năm qua, TP.HCM đã phát triển thiếu lành mạnh. Theo ông, điều này dẫn đến những trục trặc cơ bản nào mà TP phải giải quyết?

- Về quản lý phát triển, TP chưa có sự chuẩn bị để trở thành một vùng đô thị đa trung tâm với dân số lan tỏa nhiều nơi. Cấu trúc không gian vùng chưa được tổ chức trên nền tảng giao thông công cộng khối lượng lớn nên dân cư phải đi lại càng ngày càng xa đến nơi làm việc, chi phí vận tải của doanh nghiệp cũng tăng nhanh và nhiều vấn đề môi trường ngày càng khó giải quyết khi đô thị quá lớn, hết chỗ để bố trí các công trình bảo vệ môi trường…. 

Tiền bán đất tính ra không đủ để chống ngập, có nghĩa chúng ta đang bòn rút từ các nguồn để đắp vào việc giải quyết chống ngập

TS Nguyễn Ngọc Hiếu

TP đã cho phát triển về hướng trũng thấp, vốn không thuận tiện để xây dựng và phát sinh chi phí ẩn lớn đến nay phải giải quyết bằng đầu tư vào thoát nước, chống ngập, và đầu tư hạ tầng tốn kém hơn trên nền đất thấp và yếu.

Về đô thị cải tạo, hạ tầng ở khu vực cũ chưa được cải thiện bao nhiêu nhưng đã cho cải tạo quy mô lớn và xây dựng cao ốc theo kiểu bóc lõi dẫn đến ùn tắc cục bộ và quá tải ở khu vực trung tâm.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh dài 3 km nhưng "gánh" đến 18.500 căn hộ là "rốn ngập" của Sài Gòn. Ảnh: Tùng Tin.

- Ngập lụt do biến đổi khí hậu ở TP.HCM là một xu thế không thể tránh khỏi. Phát triển đô thị ồ ạt cũng khiến khả năng chống ngập hạn chế. Ông đánh giá thực trạng này như thế nào?

- Ngập lụt ở TP.HCM chủ yếu xảy ra ở khu vực trũng thấp vốn không thuận lợi cho xây dựng ở quận 7, quận 12, Bình Chánh, Bình Tân, huyện Nhà Bè... 

Các khu vực này với thảm thực vật và nơi chứa nước đã trở thành thảm bê tông chặn hướng thoát nước, gia tăng nước chảy tràn, và giảm khả năng thấm xuống đất. Kết quả của đô thị hóa tràn lan tại các khu vực trũng thấp là phạm vi ngập lan rộng ra khu vực kề cận.

Tiền bán đất tính ra không đủ để chống ngập, có nghĩa chúng ta đang và sẽ tiếp tục bòn rút từ các quỹ và nguồn khác để đắp vào giải quyết chống ngập cho khu vực lỡ phát triển. Nếu các nhà đầu cơ cứ mua đất vùng trũng thấp, thường bị ngập, rồi thành phố bỏ tiền đầu tư cải thiện thì thực chất là thành phố bị hút máu cho các nhà đầu cơ hưởng lợi.

Chống ngập thông minh như thế nào?

- Vậy theo ông, đô thị thông minh đóng vai trò như thế nào trong việc giải quyết vấn đề ngập úng?

- Thành phố cũng cần đẩy mạnh các giải pháp chống ngập hiệu quả, giảm chi phí gánh nặng của Nhà nước, có khả năng thích ứng và bền vững hơn như sử dụng các giải pháp trữ nước xuống đất, giảm bê tông hóa, làm chậm dòng chảy bằng sử dụng vật liệu, cân bằng đất ở khu vực trũng thấp phía nam. 

TP.HCM đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để giảm ùn tắc giao thông và ngập nước nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả. Đồ hoạ: Phượng Nguyễn.

Dù đường Huỳnh Tấn Phát có nâng cao lên bao nhiêu thì khu vực trũng thấp quanh đó và các khu vực trũng thấp khác có cao trình dưới 2 m rất khó được bảo vệ trước triều cường. Việc bảo vệ kênh rạch là chưa đủ nếu tiếp tục nâng nền, bê tông hóa và san lấp các khu vực trũng thấp.

Thông minh hơn trong bài toán ngập lụt là đóng khung ranh giới phát triển và áp dụng chính sách cân bằng đất tại chỗ: Nâng cao đi kèm đào sâu xuống trong phạm vi phù hợp với khả năng tổ chức thoát nước, để tăng cường không gian thấm, tăng khả năng trữ nước tại chỗ và chứa nước triều tự nhiên. 

Không có đũa thần nào cả ngoại trừ chính chúng ta thay đổi.

- TP.HCM đang kỳ vọng đô thị thông minh như chiếc đũa thần có thể giải quyết những vấn đề trầm kha tích tụ hàng chục năm nay. Ông đánh giá về tương lai đề án này như thế nào?

- Khó có thể dự báo tương lai ra sao và chắc cũng không có đũa thần nào cả ngoại trừ chính chúng ta thay đổi. Tôi tin vào cơ hội thay đổi không chỉ bởi quyết tâm của lãnh đạo mà còn do thực lực của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng. Vấn đề là mọi người đang thông minh cho mình trong một thể chế hiện hành. 

Theo dự báo, trong 10 năm tới, khoảng 1/3 diện tích TP.HCM sẽ bị ngập úng do triều cường và mưa lớn. Ảnh: Tùng Tin.

 Thể chế thông minh hơn cần giúp việc hợp tác cùng hành động cho cộng đồng và xã hội. Quyết tâm cao để thay đổi sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của những nhóm đang hưởng lợi từ cơ chế tài chính và quản lý phát triển kiểu hiện nay.

Hạ tầng giao thông đang bị khai thác cạn kiệt

- Giao thông được coi là điểm kìm hãm sự phát triển của TP.HCM. Theo ông, giải pháp giao thông thông minh nên được thực hiện như thế nào trong bối cảnh hạ tầng giao thông đang ngày càng đi xuống?

- Hạ tầng giao thông không hẳn đi xuống mà đang bị khai thác theo kiểu cạn kiệt. Các dự án lớn làm phát sinh nhu cầu đi lại bằng xe hơi và được cho phép xây tầng hầm chứa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn chỗ để xe sẽ là nỗi ác mộng đối với giao thông xung quanh.

Nhìn vào xung quanh khu Vincom Đồng Khởi, Vinhomes Tân Cảng hay các khu vực dọc cao ốc trên trục Nguyễn Hữu Thọ sẽ thấy rất rõ. Thông minh có nghĩa là khai thác kiểu này phải chấm dứt.

Việc gia tăng sử dụng xe hơi làm suy yếu hạ tầng giao thông nhanh hơn cả và cơn ác mộng mới chỉ bắt đầu.

Việc gia tăng sử dụng xe hơi làm suy yếu hạ tầng giao thông nhanh hơn cả và cơn ác mộng mới chỉ bắt đầu. Với nhu cầu 20-30 triệu chuyến đi/ngày, nếu người dân vẫn đi xe máy là chủ đạo khoảng 91% như hiện nay vẫn chưa đáng ngại.

Chỉ cần thêm 10% nhu cầu đi lại bằng xe máy hiện tại chuyển sang đi xe hơi thì sẽ có thêm khoảng 3 triệu chuyến đi bằng xe hơi và điều này là quá đủ biến thành phố thành bãi để xe trong bối cảnh các tuyến đường chính ở trung tâm đã ở trạng thái bão hòa. 

Ùn tắc giao thông là nỗi ám ảnh của nhiều người Sài Gòn. Ảnh: Lê Quân.

- Giao thông thông minh phải gắn với giao thông công cộng. Tuy nhiên, người dân TP.HCM đang sống trong hệ sinh thái xe máy, tỷ lệ giao thông công cộng thấp, tỷ lệ xe ôtô cá nhân lại tăng lên. Theo ông, sự lựa chọn giao thông thông minh liệu có phù hợp?

- Thước đo thông minh trong giai đoạn sắp tới là các chính sách và thể chế sẽ giúp đáp ứng nhu cầu tiếp cận nơi làm việc, học hành và dịch vụ nhưng đồng thời giảm thiểu nhu cầu đi lại, đặc biệt kiềm chế sử dụng xe hơi để đi làm theo giờ cố định. 

Chú ý rằng các nước phát triển như Anh, Thụy Điển hay Singapore đã áp phí đỗ xe theo giờ ở trung tâm và thuế tắc nghẽn rất lâu trước khi có điện thoại thông minh. Hiệu quả thấy rõ là lưu thông tốt hơn, ô nhiễm ít hơn, tối ưu hóa được năng lực vận tải và giảm nhu cầu đầu tư thêm hạ tầng "cứng" chạy theo thỏ‌a mã‌n cơn khát xe hơi. Bối cảnh công nghệ như hiện nay càng thuận lợi để áp dụng các giải pháp này.

- Xin cảm ơn ông.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật