VN-Index tăng trưởng đột biến: Vì đâu?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo chuyên gia, không nên quá kỳ vọng vào một số cổ phiếu nào đó, đặc biệt là những cổ phiếu có độ nóng trên thị trường như thời gian qua.
VN-Index tăng trưởng đột biến: Vì đâu?
Thị trường chứng khoán đang trên đà tăng mạnh. Ảnh minh họa: VnMedia

Thời gian qua, chỉ số VN-Index đã có sự tăng trưởng đột biến mạnh khi liên tục tăng điểm trong 10 phiên giao dịch. Thị trường chỉ quay đầu điều chỉnh vào phiên cuối tuần để rồi lại lấy lại quán tính tăng chóng mặt.

Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sự tăng trưởng đột biến và trường kỳ của VN-Index xuất phát từ cả 3 yếu tố: sức khỏe của nền kinh tế, sự chuyển hóa của một lượng tín dụng đổ vào thị trường chứng khoán và cả sự tăng trưởng mạnh mẽ của những cổ phiếu trụ cột.

Phân tích cụ thể, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, thị trường chứng khoán phụ thuộc rất lớn vào chỉ số kinh tế vĩ mô của nền sản xuất nói chung cũng như chỉ số vĩ mô của một số ngành sản xuất cơ bản trong nền kinh tế. 

Chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời gian qua đều tốt. Trong nhiều năm liên tục, con số này tăng trưởng và thời gian gần đây, lạm phát giữ được ở mức tương đối thấp, tăng trưởng kinh tế có thể không cao quá so với các năm trước nhưng khoảng cách giữa tăng trưởng kinh tế với lạm phát đã được nới rộng ra.

Vì lẽ đó, theo vị chuyên gia, các chỉ số trên thị trường chứng khoán tăng trưởng cũng là điều bình thường.

Một số chỉ số chính của nền kinh tế cũng có mức tăng trưởng tốt.

Theo đó, "đối với chỉ số về năng lượng, giá dầu đã tăng lên ở ngưỡng 50-60 USD/thùng cao hơn dự đoán của nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Nó phản ánh rằng nền sản xuất thế giới đã có sự tăng trưởng, kéo theo nhu cầu về nguyên liệu đầu vào tăng lên.

Khi giá dầu tăng lên, ngành sản xuất dầu mỏ phục hồi phần nào, mang lại nguồn thu cho một số chính phủ, tạo ra đầu tư lớn hơn, kể cả đầu tư công, từ đó mở rộng vòng tiếp theo của chu kỳ sản xuất.

Đối với các chỉ số về tăng trưởng sản xuất của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng con số mà Tổng cục Thống kê đưa ra không chính xác khi có một quý tăng vọt lên. Nhưng cần thấy rằng, chỉ số đó được khẳng định bởi nhiều nhân tố, trong đó có nhân tố có thể được vay mượn nhờ xuất khẩu mạnh mẽ của FDI.

Dù nền kinh tế tăng trưởng nhờ xuất khẩu của FDI nhưng ít ra nó cũng tạo ra cầu trong nước và thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất trong nước tăng trưởng.

Về nông nghiệp, dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết, thiên tai và cả rào cản thương mại của các quốc gia nhập khẩu nhưng nhìn chung, sản lượng và giá trị xuất nhập khẩu đều tăng, trong đó có những ngành có thể đang tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp mạnh mẽ như xuất khẩu rau quả ra nước ngoài. 

Rõ ràng, cả nông nghiệp và công nghiệp Việt Nam đều tăng trưởng và đó là tăng trưởng thực. Cùng với đó, đồng tiền Việt Nam ổn định và lên giá nhờ gắn chặt vào đồng USD và sự điều hành của NHNN... Tất cả các yếu tố này đã thúc đẩy thị trường chứng khoán đi lên", vị chuyên gia phân tích.

Bên cạnh đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng chỉ ra rằng, sự đi lên của thị trường chứng khoán thời gian qua còn nhờ một lượng tín dụng chuyển hóa vào đó.

Cụ thể, đáng ra trước đây doanh nghiệp phải bỏ một lượng tiền vào sản xuất, kinh doanh nếu như không vay được ngân hàng. Tuy nhiên, vì vay được ngân hàng nên doanh nghiệp dành một phần tiền để đầu tư vào chứng khoán hay bất động sản. Như vậy, có một lượng tiền đã được chuyển hóa vào thị trường chứng khoán, bất động sản.

"Hiện nay, việc tăng trưởng tín dụng chủ yếu đổ vào khu vực sản xuất, kinh doanh, các hoạt động cho vay đều phải được ngân hàng thẩm định khá chặt chẽ. Còn lượng tiền chuyển hóa không thể nào cấm nhưng cũng không cần quá lo lắng. Nó buộc các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phải cẩn trọng hơn vì đây là tiền thật của họ.

Mặt khác, đây cũng là vấn đề của kinh tế thị trường. Việc đầu tư chứng khoán cũng là công việc thường xuyên và bắt buộc của các nhà quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà quản trị quốc tế.

Vì khi đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, người ta mới biết doanh nghiệp khác làm ăn, kinh doanh thế nào. Nếu thấy ngành nghề này có thể phục vụ tốt hơn, đem lại lợi ích nhiều hơn thì doanh nghiệp sẽ mua nhiều hơn các cổ phiếu đó, thậm chí có thể mua đến mức khống chế doanh nghiệp đó để họ phục vụ cho mục đích của mình", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét.

Từ đây, ông khẳng định, việc đầu tư chứng khoán làm đa dạng hóa các danh mục đầu tư của doanh nghiệp, làm nguyên tắc đầu tư "không bỏ trứng vào chung một giỏ" được thực hiện một cách tốt nhất.

Nó nâng cao mức bình quân hóa của tỷ suất đầu tư trong doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đặc biệt, nó là đầu cầu thăm dò các ngành nghề, doanh nghiệp khác để nắm bắt, chuyển hóa doanh nghiệp khác theo mục tiêu, yêu cầu của HĐQT.

Tuy nhiên, bởi doanh nghiệp Việt Nam rất nhỏ bé, phải lo vốn từng ngày để đầu tư vào sản xuất kinh doanh nên không chú trọng nhiều vào đầu tư vào chứng khoán. Đây là khiếm khuyết của các doanh nghiệp nên ở phương diện nào đó, ông Thịnh cho rằng, nếu doanh nghiệp đầu tư chứng khoán nên xem xét ủng hộ.

Một yếu tố khác trực tiếp thúc đẩy chỉ số VN-Index tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chính là nhờ sức mạnh của các cổ phiếu trụ cột như VNM, VRE, VIC.

"Bất kỳ thị trường nào, trong từng giai đoạn, từng thời điểm đều có các cổ phiếu mang tính chất trụ cột. Trước đây, cổ phiếu của  FLC lúc nào cũng tăng và tăng kịch trần, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán sau thời kỳ trầm lắng. Giờ đây cổ phiếu của Vinamilk, VietJet, Vingroup, đang trở thành cổ phiếu trụ cột ở giai đoạn này.

Tính trụ cột của cổ phiếu chính trong từng thị trường, từng giai đoạn là bình thường. Nếu không có cổ phiếu trụ cột đó, những cổ phiếu khác có thể tăng giá nhưng không nhiều và có giao dịch nhưng không lớn vì đó là doanh nghiệp vừa phải, hoặc hoạt động của nó dù có khả năng đem lại lợi ích lớn (tỷ suất lợi nhuận đầu tư, sự tăng giá của cổ phiếu trong tương lai) nhưng vẫn không thể bằng doanh nghiệp lớn mà các nhà đầu tư thấy nó có thể tạo ra sự thay đổi đột biến về giá trị cổ phiếu và tỷ suất lợi nhuận", ông Thịnh nói.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay và năm sau đặt ra, với đà cải cách hành chính, tháo gỡ điều kiện kinh doanh của Chính phủ, thực thi một chính phủ kiến tạo, với sự chuyển hóa của quy chế quản lý va lãnh đạo, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh tin rằng nền sản xuất sẽ tốt lên, thúc đẩy thị trường chứng khoán đi lên.

Dù vậy, ông cũng cảnh báo nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng vào một số cổ phiếu nào đó, đặc biệt là những cổ phiếu có độ nóng trên thị trường như thời gian qua, cần cảnh giác khi mua bán, kinh doanh, nắm giữ các cổ phiếu này.

"Khi các doanh nghiệp lớn sở hữu những cổ phiếu trụ cột đưa ra các dự án, kế hoạch kinh doanh, các nhà đầu tư đều đặt kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng dự án đó. Kỳ vọng đó đôi khi quá lớn nên nên mới có chuyện nhà đầu tư đổ xô mua một số cổ phiếu cao hơn giá trị thực của nó trong hiện tại và tương lai .

Khi kỳ vọng không đạt được hay đạt ở mức thấp, nhà đầu tư sẽ tìm cách bỏ chạy khỏi cổ phiếu đó, không nắm giữ đầu tư nữa thì cổ phiếu xuống giá. Đó là quy luật thị trường, nên các nhà đầu tư cần phân tích, tính toán để có sự đầu tư thông minh, hiệu quả, không bị hớ khi định giá cổ phiếu", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật