Thừa Thiên - Huế: Bất thường trong việc đền bù đất tại dự án khu tái định cư Bến Ván

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều người dân tại xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vô cùng bức xúc khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trong việc đền bù đất của dự án khu tái định cư Bến Ván. Trong khi người dân canh tác, khai hoang nhiều năm tại vùng đất này không có trong danh sách đền bù còn các cán bộ trên địa bàn thì nhận tiền đền bù có người đến 2 lần.
Thừa Thiên - Huế: Bất thường trong việc đền bù đất tại dự án khu tái định cư Bến Ván
Khu tái định cư Bến Ván.

Sau nhiều năm sinh sống khai hoang tại khu vực Độn Ngang, Nhà Thiện, Khe Tăng (nay là khu tái định cư Bến Ván thuộc 2 xã Lộc Bổn và Xuân Lộc, huyện Phú Lộc). Đến năm 1996 - 1997 nhà nước có chủ trương thu hồi vùng đất này để làm dự án tái định cư đưa dân về ở. Lúc này, nhiều người dân đồng thuận giao đất cho nhà nước để phục vụ dự án.

Đến năm 2003, nhà nước có chủ trương đền bù cho người dân bằng cách lấy đất đổi đất. Nhưng sau 13 năm chờ đợi, mãi tới năm 2016, nhà nước mới có ngân sách để hỗ trợ đền bù với nguồn vốn được hỗ trợ là 77 tỷ đồng.Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng diện tích đất lâm nghiệp bị thu hồi còn lại phải cấp hoặc đền bù cho dân là trên 1.042 ha.

Theo phản ánh của người dân xã Lộc Bổn, việc đền bù dự án khu tái định cư Bến Ván có nhiều dấu hiệu bất thường. Trong khi nhiều gia đình, người dân trước đây có lên khai hoang, canh tác tại khu vực thuộc dự án lại không nhận được tiền đền bù đất nhưng nhiều cán bộ tại địa phương không lấy một ngày lên rẫy thì lại nằm trong danh sách đền bù. Lạ lùng thay khi danh sách các hộ nhận tiền đền bù đa phần là lãnh đạo, cán bộ tại địa phương, thậm chí có người xuất hiện trong danh sách nhận tiền đến 2 lần.

Ông Phan Quang Hồng (sinh 1965, trú tại thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) cho biết, năm 2016, khi người dân biết được có chủ trương đền bù của nhà nước thì ai cũng đều vui mừng. Thế nhưng, số tiền đền bù cho người dân trước đây đã từng khai hoang, canh tác lại không bao nhiêu, còn các cán bộ tại địa phương ai cũng được đền bù với số tiền lớn.

Năm 1981, gia đình tôi vào khai hoang tại vùng Độn Ngang (thuộc khu vực Bến Ván bây giờ) được 5 sào, sau khi có chủ trương của nhà nước thu hồi đất, gia đình tôi chấp nhận giao đất cho nhà nước và chờ đền bù. Nhưng cho đến nay, sau 2 đợt đền bù, gia đình chúng tôi vẫn chưa có một nghìn nào từ dự án đền bù khu tái định cư Bến Ván”, ông Hồng nói.

Ông Phan Quang Hồng trình bày với cơ quan báo chí. 

Theo đơn của người dân xã Lộc Bổn, khi có chủ trương đền bù dự án khu tái định cư Bến Ván, Ban quản lý Hợp tác xã (HTX) đã cùng nhau "ém" thông tin, không thông báo cho người dân kê khai diện tích đất nhằm chiếm đoạt, lập hồ sơ giả để cùng ăn chia với nhau. Chỉ đến khi xảy ra vấn đề cãi cọ trong việc "chia chác" thì người dân mới phát hiện.

Không chỉ riêng trường hợp của gia đình ông Hồng mà còn rất nhiều người dân có công sức khai hoang, canh tác tại khu vực dự án Bến Ván không được đền bù. Trong khi đó, một số cán bộ và người thân của họ và một số hộ dân không có hộ khẩu ở xã Lộc Bổn lại nhận được tiền đền bù. Đơn cử trường hợp bà Nguyễn Thị Hoa (nguyên quán ở xã Lộc Bổn nhưng vào Đà Nẵng sinh sống và làm ăn lâu năm) lại có tên trong danh sách đền bù tại dự án với số tiền 516,800,000 đồng.

Theo tìm hiểu của PV thì Ban quản lý HTX đã lập ra những danh sách giả để nhận tiền đền bù. Nhiều hộ nhận tiền đền bù đến 2 lần, trong danh sách ông Nguyễn Đức Thêm (nguyên Chủ nhiệm HTX An Nông 1, nguyên bí thư thôn Hòa Vang) có tên nhận đền bù đến 2 lần với số tiền 30.383.000 và 85.389.000 đồng.

Đơn tố cáo của người dân về việc đền bù đất Bến Ván hồ tả Trạch. 

Làm việc với PV, ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc HTX An Nong 1 nói: “Chúng tôi đã nhận được phản ánh của người dân về vấn đề đền bù đất tại khu tái định cư Bến Ván. Tuy nhiên, vấn đề trên HTX không nắm rõ và không liên quan. Riêng cá nhân tôi làm Giám đốc HTX năm 2005 sau khi có chủ trương thu hồi đất dự án năm 2003 nên không biết gì”. Tuy nhiên theo như tìm hiểu của PV thì ông Nhã cũng có tên trong danh sách đền bù khu tái định cư, vậy việc vị lãnh đạo này nói "không biết gì" có thật sự đúng hay không?

Ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc cho biết: Năm 2016 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xin được nguồn vốn là 77 tỷ đồng để phục vụ cho chủ trương đền bù cho các hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất để xây dựng hồ tả Trạch tại xã Lộc Bổn và giao trách nhiệm cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc phối hợp với chủ đầu tư thực hiện việc chi trả tiền bồi thường cho các hộ gia đình, cá nhân có tài sản bị ảnh hưởng. Đến thời điểm hiện tại, công tác chi trả tạm thời đã hoàn thành, tuy nhiên Trung tâm vẫn đang xử lý các đơn khiếu nại, tố cáo của người dân vì cho rằng từng là người vào khai hoang, canh tác nhưng tới lúc đền bù lại không có danh sách.

Quyết định phê duyệt đền bù đất khu tái định cư. 

“Đúng là trước đó bà con một số hộ dân có vào rừng để làm ăn, khai hoang. Sau một thời gian, vì hiệu quả không cao nên đã bỏ hoang và nhà nước đã thu hồi, giao cho HTX quản lý. Thời điểm đó, khi thu hồi thì không có khiếu nại nhưng đến giờ khi có chủ trương đền bù thì người dân lại cho rằng đất đó do mình khai thác nên người dân phải được hưởng”, ông Thanh nói.

Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo kiểm tra, xác minh việc đền bù liên quan đến Khu tái định cư Bến Ván để sớm có câu trả lời thỏa đáng trước những bức xúc của nhiều người dân xã Lộc Bổn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật