Kỹ sư du học nước ngoài hủy hoại tương lai khi tham 100.000 USD

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Con người có tham hay không khi ngồi trước đống tiền mới trả lời được. Với tôi, câu nói này đúng, sự tham lam đã lấn át lý trí“, bị cáo nói.
Kỹ sư du học nước ngoài hủy hoại tương lai khi tham 100.000 USD
bị cáo Lục (giữa). Ảnh: Đức Hùng

Suốt phiên xử cách đây ba ngày tại TAND Hà Tĩnh, ông Nguyễn Phong Lục (54 tuổi) liên tục rơm rớm nước mắt, tỏ ra ân hận. Gặp người nhà trong giờ giải lao và nghị án, ông nói giá như mình biết làm chủ bản thân, không bị "lóa mắt" bởi số tiền lớn thì giờ đây tương lai của cả gia đình chắc sẽ rất khác.

Năm 1996, sau 6 năm đi du học tại nước Nga trở về với tấm bằng kỹ sư, ông Lục được Công ty xuất nhập khẩu Hà Tĩnh tuyển dụng theo diện thu hút nhân tài. Lãnh đạo luôn tôn trọng, đánh giá cao năng lực và trình độ của nam kỹ sư nên giao cho những công việc hệ trọng của công ty.

Ở tuổi 33 thời điểm ấy, Lục có một tương lai rộng mở, một tình yêu đẹp sắm đến ngày kết hôn. Làm việc được 6 tháng, kỹ sư Lục được công ty giao nhiệm vụ ra Hà Nội làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa, nhận 100.000 USD (tương đương 1,1 tỷ đồng thời điểm đó). "Khi về khách sạn, thấy số tiền quá lớn, bị cáo nảy sinh lòng tham, lên kế hoạch chiếm đoạt tiền", ông Lục nhớ lại.

Nam kỹ sư sau đó cầm bọc tiền về thẳng nhà ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đưa cho anh trai 20.000 USD để trang trải cuộc sống, chăm sóc bố mẹ. Khi rời quê tới nhà của một người chị họ ở Vũng Tàu, thấy gia đình chị khó khăn, chồng mất, ba con nhỏ nheo nhóc, sẵn tiền trong người, Lục lấy ra cho người chị mượn 20.000 USD, bảo lúc nào có thì trả.

Lục lẩn trốn qua nhiều tỉnh thành khác nhau, tiền vơi đi dần. Bằng một số quen biết, Lục nhờ người làm giấy tờ giả rồi xuất cảnh trở lại Nga theo diện xuất khẩu lao động, khởi đầu cho hành trình trốn chạy không chịu đối diện với sai lầm suốt 21 năm.

"Thời điểm ấy, được ra nước ngoài làm ăn là mơ ước của rất nhiều người, bởi thu nhập ổn định. Song bị cáo đi theo diện bất hợp pháp nên phải sống chui lủi nên rất khổ. Ở Nga hàng chục năm nhưng không tích góp được gì", ông Lục nói.

Trong dáng vẻ khắc khổ, cục mịch, đứng khúm núm trước tòa, bị cáo trình bày quá ân hận, bởi lòng tham nhất thời đã đánh mất cả một tương lai, gia đình phải mang điều tiếng. "Dân gian từng nói, con người có tham hay không khi ngồi trước đống tiền mới trả lời được. Với tôi, câu nói này đúng, sự tham lam đã lấn át lý trí", bị cáo nói.

Bị cảnh sát bắt vào tháng 2/2017 tại Bình Phước khi vừa về nước sau quá trình trốn chạy, ông Lục trình bày với tòa do quá mệt mỏi khi sống cảnh không gia đình, họ hàng thân thích nên đã trở lại, hơn nữa nghĩ sự việc đã 21 năm nên nhà chức trách sẽ không truy cứu nữa.

Ngồi dưới hàng ghế xét xử, nhiều người thân của ông Lục đã khóc. "Chú ấy thông minh, học giỏi, rất hiếu thảo, là niềm tự hào của cả gia đình. Sai lầm cho một phút mù quáng bởi sự tham lam là quá đắt. Hy vọng, trở về sau khi lĩnh án, vẫn còn có ít thời gian để chuộc lại lỗi lầm", một người thân của ông Lục nói.

Liên quan vụ án này, một số người họ hàng được ông Lục cho, biếu và vay trong phạm vi số tiền 100.000 USD đã chiếm đoạt, tòa cho hay việc này là vi phạm Pháp Luật. Tuy nhiên, theo quy định thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm Hình Sự đã hết, nên nhà chức trách không truy cứu thêm.

Được nói lời sau cùng, ông Lục bảo dù nhận mức án nào cũng cảm thấy nhẹ nhàng. Trong quá trình trốn chạy, từng suy nghĩ sẽ có lúc đứng trước vành móng ngựa để trả giá cho những lỗi lầm đã gây ra.

"bị cáo chỉ ân hận là đã không kịp nhìn mặt bố mẹ trước khi họ qua đời, gia đình phải mang tiếng tăm vì mình. Nhìn bạn bè cùng trang lứa thành đạt, nghĩ lại bản thân chưa có gì, cảm thấy sự hối hận của ngày hôm nay là quá muộn màng", ông Lục nói.

Tòa nhận định bị cáo vì lòng tham mà chiếm đoạt tài sản nhà nước nên tuyên phạt 9 năm tù. bị cáo phải bồi thường số tiền còn lại, gần 600 triệu đồng. Trước đó, ông Lục đã vận động gia đình bồi thường thiệt hại cho Công ty cổ phần nhập khẩu Hà Tĩnh 500 triệu đồng.

Tâm sự với người thân trước khi đi thụ án, ông Lục bảo cuộc sống muôn hình vạn trạng, có chữ "nếu" thì chắc sẽ không bao giờ mắc sai lầm. Đây là một bài học không chỉ riêng ông mà là cho mọi người.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật