Sách về triều Nguyễn khắc họa chân dung Nguyễn Đắc Xuân

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bây giờ người ta gọi Nguyễn Đắc Xuân là Nhà Huế học. Một danh xưng ngắn gọn cho một học giả uyên thâm trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử Huế mà phần nổi bật nhất chính là công trình nghiên cứu về lịch sử triều đại nhà Nguyễn.
Sách về triều Nguyễn khắc họa chân dung Nguyễn Đắc Xuân
Ông Nguyễn Đắc Xuân đang hỏi chuyện bà Mộng Điệp.

Một trở ngại cũng rất lớn với Nguyễn Đắc Xuân là về chuyên môn. Chưa bao giờ ông làm công tác nghiên cứu cả. Từ chỗ làm công tác tuyên huấn (1966 - 1988) rồi sang làm chủ tịch Hội văn nghệ Thành phố Huế  (1988 - 1990) rồi phó tổng biên tập Tạp chí Sông Hương (1990) và cuối cùng là trưởng Văn phòng Đại diện Báo Lao động tại miền Trung (1993 - 1998).

Việc nghiên cứu lịch sử Huế là nghề tay trái  nên ông chưa hề được bất cứ cơ quan tổ chức nào hỗ trợ về tinh thần cũng như vật chất.  Ông sống và làm việc được là nhờ độc giả trên cả nước. Hầu hết các chuyến ra nước ngoài để sưu tầm tư liệu cũng là do ông tự bỏ tiền túi để đi.

Những cuốn sách về triều Nguyễn  và Huế xưa đã vẽ nên một chân dung  "Nguyễn Đắc Xuân - 4 trong 1" rất khác người.

Thứ nhất là đến nay ông vẫn sống được và sống khỏe là  nhờ vào "kho" tư liệu triều Nguyễn và Huế xưa. Nhờ nó mà ông  viết và sống được với những cuốn sách của mình. Có những cuốn tái bản 7, 8 lần. Có cuốn tái bản 2, 3 lần.

Hiện nay vợ của ông là bà Cẩm Tú - cựu giáo viên trường Đồng Khánh ở Huế  vẫn thu được tiền bán sách. Người ta tìm tới tận nhà mua. Có khi lên cả trăm cuốn.

Hai là, mỗi khi tìm ra được  tư liệu mới đó chính là niềm đam mê sung sướng của Nguyễn Đắc Xuân bởi vì ông  không hề có một môn giải trí nào khác.

Ba là, hiện giờ tủ sách tư liệu của học giả Nguyễn Đắc Xuân  là khối tài sản lớn lao. Người ta có trả tiền tỷ ông cũng không bán. Chỉ riêng bộ sách Đại Nam liệt truyện bản gốc chữ Hán có người trả  đến nhiều ngàn USD ông  cũng không bán.

Thứ tư là: chính nhờ  "kho" tư liệu và những công trình nghiên cứu khoa học đó đã làm nên tên tuổi,  nhân cách của Nguyễn Đắc Xuân. Việc đi tìm tư liệu của ông dễ dàng hơn rất nhiều cũng nhờ mọi người quý tiếng  tăm  của ông.

Có lần Nguyễn  Đắc Xuân  đi  mua cuốn sách đặc biệt về âm nhạc Huế mà không có tiền. Biết chuyện một người bạn đã cho ông tiền để mua. Nhớ ơn, ông đã ghi tên người bạn vào cuốn sách được cho đó. Có cuốn sách "Souvenir de Hué - Kỷ niệm về Huế" của Đức Chaigneau - con của một viên quan Pháp làm việc cho triều đình Huế thời Gia Long viết.

Ông rất cần nhưng người ta chỉ cho đọc chứ không cho mượn, không cho photocopy nên ông phải chép  những trang cần dùng. Bỗng dưng lại có bà Tôn Nữ Thị Hảo gọi ông  lại cho đúng cuốn sách đó bởi vì con cái  không dùng đến nữa. Quả là vượt qua cả niềm mơ ước của ông.  Hay may mắn như việc Nguyễn Đắc Xuân  mua được bộ Đại Nam liệt truyện. Đây là bộ sách sử duy nhất ở Việt  Nam còn mới,  nguyên bộ khoảng 80 cuốn.

Có người mua một  lượng vàng mà người bán không chịu lại để cho ông  với giá 3 chỉ vàng vì họ biết ông  mua về để viết sách và người khác cần có thể được dùng.

Ông đã 3 lần qua Pháp vào kho lưu trữ Pháp để tìm tư liệu và 2 lần qua Mỹ tìm tư liệu triều Nguyễn và chiến tranh Việt Nam.

Việc sưu tầm tư liệu của Nguyễn Đắc Xuân chủ yếu là đi vào dân gian là chính. Cái may của ông  là nhờ làm sớm, làm ngay bởi vì những nhân chứng sống đều đã già.

Ví dụ như năm đi Pháp. Ông là người Việt Nam duy nhất được gặp con gái vua Hàm Nghi là công chúa Như Lý. Nhờ đó mà ông đã lấy được những tài liệu về vua Hàm Nghi quãng thời  gian  sống lưu vong và viết được một cuốn sách.

Sau đó thì bà Như Lý mất. Ông còn may mắn gặp được bà Mộng Điệp - thứ phi của vua Bảo Đại. Bà suốt mười mấy năm gần như ở ẩn sau cái chết của con trai là Bảo Sơn.

Ông đã ghi chép lời kể của bà trong 52 cuốn băng và xuất bản được cuốn "Hỏi chuyện đời bà Thứ phi Mộng Điệp với cựu hoàng Bảo Đại".

Ngoài ra Nguyễn Đắc Xuân còn tìm tài liệu ở những người từng làm việc trong cung vua, gần vua. Bây giờ những người ấy hầu hết đã chết rồi.

Ngoài việc tìm những nhân chứng sống ông còn tìm tư liệu qua các gia phả của dòng họ hoàng thân quốc thích, vào các nhà chùa, nhà thờ để tìm tư liệu. Đến đâu ông cũng được mọi người tận tình giúp đỡ.

Năm nay nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân  đã 73 tuổi. Hiện nay ông đang tập trung vào việc viết hồi ký và  đang viết đến giai đoạn năm 1975.

Hỏi ông còn trăn trở gì về công việc vẫn đang còn dang dở của mình. Ông bảo lo nhất là kho tư liệu quý như vậy mà không biết giao cho ai. Các con không có ai theo nghiệp của cha.

Bây giờ với trào lưu làm kinh tế như thế khó tìm được người có tâm huyết, tài năng để thừa kế và phát huy di sản về lịch sử văn hóa. Trước mắt ông sẽ số hóa số tài liệu đó để người đời sau có thể dễ tìm tòi sử dụng. Hiện nay, Trung tâm học liệu Đại học Huế đã giúp ông số hóa được một nửa.

Tính đến nay đã có gần 50 đầu sách về triều Nguyễn và Huế xưa của Nguyễn Đắc Xuân ra mắt độc giả. Trong đó có những cuốn được xếp vào dạng best seller như: "Chuyện nội cung cựu  hoàng Bảo Đại", "Chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn"... rồi đến những tác phẩm dày dặn, giá trị tầm cỡ quốc gia như: "Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung" phát hành 2007 và "700 năm Thuận Hóa, Phú Xuân - Huế" phát hành năm 2009 đã khẳng định công lao và tài năng của Nguyễn Đắc Xuân trong việc giúp người đọc hiểu biết đúng và rõ ràng hơn về triều đại lịch sử cuối cùng của Việt Nam.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật