Tiến sĩ có nguyên liệu làm thuốc...1.000đ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Làm hoá dược có thể rất giàu nếu biết cách liên kết với các doanh nghiệp. Nhưng tôi lại có niềm đam mê khác nên lỡ mất nhiều dịp làm giàu!”. Đó là chia sẻ của PGS.TS Phạm Gia Điền, viện Hoá học thuộc viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Tiến sĩ có nguyên liệu làm thuốc...1.000đ
PGS.TS Phạm Gia Điền.

“Lão đa di năng!”

Trước khi gặp, tôi có được nghe nói biệt danh của ông ở viện Hóa học là “lão đa di năng”. Tại sao họ lại gọi ông như thế?

Có lẽ tại tôi làm nhiều mảng quá như môi trường, hoá dược...

Tôi tưởng làm khoa học thì chỉ chuyên vào một lĩnh vực. Sao ông lại “tham” thế?

Có thể là do gen từ đời cha ông truyền lại. Ông nội tôi trước đây là thầy nho kiêm thầy địa chí, thầy lang. Bố tôi thì học ngành y dược nhưng lại làm hoá dược. Đến đời tôi thì...

Trước đây, tôi rất đam mê về thiên văn và chế tạo máy. Khi học thì tôi học hoá phân tích nhưng sau đó lại chuyển sang hoá dược. Ngành nào tôi cũng thích và làm tốt. Tất cả máy trong phòng thí nghiệm đều do tôi tự thiết kế, lắp đặt.

Ngoài ra, tôi còn là thầy lang chữa bệnh nữa, ví dụ chữa ung thư tràng hạt chẳng hạn, vì phòng có bào chế thuốc đó mà!

Hình như ông đang “lấn sân” của các nhà khoa học y dược?

Không hẳn như thế. Ngành dược liệu cũng đi tìm cây thuốc nhưng công việc về hoá ít hơn. Họ tìm kiếm cây thuốc trong hệ thống nghiên cứu. Cây này thuộc họ nào, dòng nào, tên là gì, trên thế giới ai đã nghiên cứu, chiết xuất ra chất gì.

Họ cũng nghiên cứu trồng, phát triển cây như thế nào để đảm bảo các chất có như thế. Còn tôi nghiên cứu các chất hoá học có trong cây cỏ xung quanh để chiết xuất ra thuốc.

Vậy cái sự “lấn sân” của ông đã có kết quả gì chưa?

Tôi đã nghiên cứu rất nhiều loại thuốc như thuốc ngủ, thuốc chữa tim mạch... Dược liệu từ thuốc chữa sốt rét do tôi nghiên cứu hiện nay được đánh giá vào loại tốt nhất châu Á. Còn thuốc chữa HIV vừa rồi cũng đã được báo cáo hơn 10 người uống đã đi làm lại được. Hiện tôi đang cho thử nghiệm tiếp và chuyển sang nhiều địa phương thí nghiệm.

Chứng nhận thuốc mới: 3 - 5 tỷ đồng!

Một điều mà nhiều người thấy rõ là những người kinh doanh dược rất giàu. Có phải họ mua rẻ bán đắt hay gian lận?

Chính xác là họ giàu. Thuốc được xem là hàng hoá không mặc cả. Vì thế rất thiệt cho người dân. Họ giàu cũng vì người Việt Nam mình luôn ham thuốc ngoại. Chưa hiểu đúng bản chất của thuốc.

Có loại thuốc ngoại chi phí quảng cáo chiếm đến gần 50% sản phẩm. Thuốc ngoại len vào bệnh viện dễ hơn như tặng % cho bác sĩ kê đơn... Nếu tính cụ thể ra thì nguyên liệu làm thuốc là 1.000đ thì thuốc ra thị trường phải lên đến hàng triệu đồng.

Vì sao thuốc nội lại không được tin dùng như thuốc ngoại? Phải chăng do chất lượng thuốc nội kém? Hay do chủng loại thuốc của ta chưa đa dạng, do vậy người tiêu dùng thiếu lựa chọn?

Thuốc mới nghiên cứu ra thì nhiều. Chất lượng cũng đã được thực tế chữa trị chứng nhận. Thế nhưng, để được Bộ Y tế cấp bản quyền khó lắm. Người ta ước tính nếu làm ra được loại thuốc mới thì nước ngoài phải chi khoảng 100 triệu đô la. Còn ở mình tìm ra thuốc mới có thể được nhưng đăng ký rất khó khăn. Nếu tính chi phí cũng phải tiêu từ 3 - 5 tỷ đồng mới có được một loại thuốc mới đúng nghĩa. 

Nếu như ông nói thì phải chăng những bài thuốc dân tộc không có đất để sống?

Họ vẫn tồn tại đấy chứ. Nhà nước mình vẫn cho phép các thầy lang chữa bệnh. Nhưng vấn đề giấy phép hành nghề được kiểm sát rất chặt chẽ.

Giỏi thì sống, còn không thì…!

Tôi đã trò chuyện với khá nhiều nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ. Dường như nghèo là chủ đề chung! Thậm chí rất nghèo. Ông có nghĩ vậy?

Không hẳn như thế. Làm khoa học chủ yếu là đam mê. Nhưng nếu để làm giàu thì cũng được. Thậm chí rất giàu. Tôi có thể rất giàu nếu... Tôi chỉ cần nghiên cứu được một loại thuốc, sau đó tìm cách đưa nó ra thị trường thì chắc là giàu. Nhưng tôi không làm vậy. Tôi chỉ nghiên cứu bài thuốc này rồi lại nhảy sang bài thuốc khác. Đến lúc công việc có thể kiếm ra tiền thì người khác làm.

 

Điều đó có đồng nghĩa với việc ông là người không cần tiền?

Với tôi, đó là sự đam mê khoa học. Làm sao để có công nghệ lấy được dược liệu từ cây cỏ ra để làm thuốc, tránh sự phí phạm tài nguyên và giúp sức khoẻ người dân. Nhưng cũng có nhiều nhà khoa học nghiên cứu đề tài rất tốt, khi xong thì đắp chiếu. Không phải đề tài đó không bổ ích cho đời sống mà do cơ chế chuyển từ phòng nghiên cứu ra thị trường còn kém.

Ở nước ngoài, khi nhà khoa học chứng minh được một cây có thể làm thuốc, họ sẽ có công ty phía sau hỗ trợ và mua bản quyền với giá cao để đưa vào ứng dụng trong cuộc sống.

Còn ở Việt Nam, quá trình này còn thiếu và yếu. Các nhà khoa học và công ty dược chưa có mối quan hệ tốt. Còn chuyển từ phòng thí nghiệm sang phòng sản xuất càng yếu hơn nữa.

Theo tôi được biết thì Nhà nước có chủ trương thành lập các trung tâm làm trung gian (pilot) chuyển tiếp các công trình khoa học ra thị trường?

Đúng là có. Nhưng những pilot gắn liền với phòng thí nghiệm rất ít. Họ chủ yếu phải tự hạch toán, tự xoay xở trong khi sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước rất ít. Bản thân các nhà khoa học không nhiều vốn liếng để đầu tư một pilot hoàn chỉnh. Nói chung, chủ trương Nhà nước thì đúng nhưng thực hiện thì hoàn toàn khác. Trung tâm nào giỏi thì sống, còn không thì tự tiêu.

Nói như ông, phải chăng nhiều nhà khoa học Việt Nam đang vì đam mê mà chịu thiệt thòi?

Đúng. Thiệt về kinh tế. Hiện nay, chúng ta chưa có thước đo đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học nào cả. Thậm chí có những nghiên cứu chỉ bán được hơn 100 triệu đồng. Cũng may là các nhà khoa học của chúng ta còn có nhiều niềm vui, hạnh phúc hơn người có nhiều tiền. Đó chính là niềm vui vì thành công trong nghiên cứu khoa học.

Những nhà khoa học “vui vẻ” như ông có nhiều không?

Nhiều chứ, như trong viện tôi cũng đã có rất nhiều. Chỉ tiếc là nhiều nghiên cứu từ đam mê vẫn chưa ra được thị trường.

Vâng. Tôi cũng thấy “tiếc” giống ông. Nhưng tôi hy vọng trong một tương lai gần những nhà khoa học Việt Nam không còn phải “tiếc” nữa. Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. 

PGS.TS Phạm Gia Điền, sinh năm 1950.

Năm 1973, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp tại Liên Xô cũ.

Năm 1989, ông bảo vệ thành công học vị Tiến sĩ tại viện Hàn lâm Bungari.
Với những cống hiến và đóng góp không ngừng nghỉ của mình, năm 2004, ông được Nhà nước phong chức danh Phó giáo sư.

Hiện ông đang là Trưởng phòng Công nghệ các hoạt chất sinh học, viện Hoá học, viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật