Nhập siêu Trung Quốc tăng 160 lần: 15 năm bó tay?

Applecat Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong 15 năm qua, nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng hơn 160 lần. Hàng hóa Trung Quốc tràn lan ở Việt Nam, từ rau dưa, củ quả cho đến vải vóc, máy móc...
Nhập siêu Trung Quốc tăng 160 lần: 15 năm bó tay?
Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam

Xuất siêu EU, Hoa Kỳ không bù nổi nhập siêu Trung Quốc

Từ 2000 trở về trước, Việt Nam luôn xuất siêu sang Trung Quốc. Nhưng “gió đảo chiều” từ 2001 khi Việt Nam bắt đầu nhập siêu gần 200 triệu USD. Đến năm 2015, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập siêu từ Trung Quốc đã lên tới con số “khổng lồ” 32,4 tỷ USD. Việt Nam nhập từ thị trường này từ rau củ quả cho đến vải vóc nguyên liệu, máy móc, thiết bị, ô tô tải…

Trong vòng 15 năm, nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng tới hơn 160 lần. Đã có rất nhiều cuộc họp bàn, nhiều giải pháp được đưa ra nhưng nhập siêu từ Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng qua hàng năm. Nỗ lực xuất siêu liên tục sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản cũng không thể bù đắp nổi mức nhập khẩu quá lớn từ Trung Quốc.

Trong các mặt hàng nhập khẩu, máy móc, thiết bị, phụ tùng “made in China” góp phần lớn vào mức nhập siêu “khủng” kể trên.

Theo Bộ Công Thương, năm 2015, các DN ở Việt Nam đã chi tới 9 tỷ USD để nhập máy móc, thiết bị, phụ tùng từ Trung Quốc, chiếm tới hơn 18% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc và 32,7% tổng kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam từ các quốc gia khác trên thế giới.

Nguyên nhân chính là nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam thường “mặn mà” trong việc nhập máy móc, nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều nhà thầu Trung Quốc đã thắng thầu tại các dự án quy mô lớn ở Việt Nam như nhiệt điện, khoáng sản, phân đạm và hó‌a chấ‌t đều sử dụng máy móc ’made in China". Điều này khiến kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Trung Quốc phục vụ những dự án này luôn lớn và không ngừng tăng lên.

Ngoài ra, mỗi năm Việt Nam cũng nhập tới hơn 5 tỷ USD vải vóc từ Trung Quốc, còn sắt thép cũng nhập tới hơn 4 tỷ USD.

Đặc biệt cùng với sự bùng nổ của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp điện thoại ở Việt Nam, nhóm hàng điện thoại và các loại linh kiện có mức tăng trưởng nhập khẩu “chóng mặt” trong 5 năm qua. Nếu như năm 2011, nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc chỉ là 1,7 tỷ USD, thì đến năm 2015 đã tăng gấp 4 lần, tới xấp xỉ 7 tỷ USD.

Nhập hàng Trung Quốc, rồi xuất khẩu hộ?

Giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương dự báo nhập khẩu và nhập siêu từ Trung Quốc vẫn sẽ tăng trong 3 năm đầu và sẽ từng bước giảm dần trong các năm tiếp theo.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Báo cáo “Tình hình quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc và vấn đề nhập siêu”. Sau khi báo cáo của Bộ Công Thương được các bộ ngành thảo luận, hoàn thiện, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định phê duyệt báo cáo này với những phần việc cụ thể giao cho các bộ, ngành, địa phương.

Nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng 160 lần chỉ trong vòng 15 năm

Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên viện trưởng viện Chiến lược phát triển cho rằng: hạn chế nhập siêu với Trung Quốc là cần thiết. Hiện Việt Nam đã ký nhiều hiệp định với các nước, hoàn toàn có thể không phụ thuộc vào một thị trường. Vấn đề là ở khâu thực hiện.

Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh đánh giá, với nền kinh tế cơ bản là gia công mà các chính sách vẫn hướng vào công nghiệp như Việt Nam thì việc phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào và máy móc thiết bị là không thể tránh khỏi.

Với cấu trúc và định hướng kinh tế như hiện nay, nếu không nhập khẩu từ Trung Quốc thì cũng phải nhập từ một nước khác nếu muốn sản xuất.

“Dù nhập ở đâu mà không thay đổi toàn diện cấu trúc kinh tế thì cũng chỉ là anh làm công, dùng hàng nội cũng chỉ là dùng hàng nhập trá hình và xuất khẩu cũng chỉ là xuất khẩu hộ mà thôi”, TS Bùi Trinh nhấn mạnh.

Nghiên cứu về mức độ phụ thuộc thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc của các chuyên gia từ viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thất, Việt Nam đang phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nhất là với mặt hàng nông sản như cao su, cà phê, chè, gỗ, thủy hải sản, và ngũ cốc.

Điều quan trọng hơn được các tác giả chỉ ra là Việt Nam hầu như không điều chỉnh được nhiều về chỉ số phụ thuộc xuất khẩu với Trung Quốc trước những rủi ro xảy ra.

Nhóm tác giả chỉ ra, hầu hết các hiệp định thương mại tự do hiện nay đều quy định tỷ lệ xuất xứ hàng hóa từ 30% trở lên. Việc phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc sẽ hạn chế các DN Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu vào các thị trường khác.

Trong số nhiều giải pháp đang được đưa ra bàn luận, Bộ Công Thương cũng “nhắm” đến nhóm hàng máy móc, thiết bị nhập từ Trung Quốc. Trước hết, Bộ Công Thương đề xuất từng bước không áp dụng hình thức tổng thầu EPC trong các dự án, đặc biệt là các dự án có sự tham gia của Trung Quốc. Điều này nhằm tách bạch việc thi công dự án với việc cung cấp thiết bị kém chất lượng cho các dự án do Trung Quốc thực hiện.
Đồng thời, hạn chế và tiến tới cấm nhập khẩu các loại máy móc thiết bị không đảm bảo chất lượng và tiêu hao nhiều năng lượng từ Trung Quốc để sử dụng trong các dự án do DN Trung Quốc làm tổng thầu EPC.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật