UNDP: Kiểm soát tham nhũng ở Việt Nam đang đi xuống

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều ý kiến tham gia khảo sát PAPI 2015 cho biết tình trạng ưu tiên người nhà và tham nhũng trong chính quyền địa phương còn rất phổ biến.
UNDP: Kiểm soát tham nhũng ở Việt Nam đang đi xuống
Các chỉ số về hiệu quả quán trị và hành chính công năm nay đều đi xuống. Ảnh: Lê Phương

Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2015 vừa được Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và các đối tác thực hiện công bố hôm nay (12/4). PAPI 2015 khảo sát ngẫu nhiên 14.000 người dân, đánh giá 63 tỉnh thành dựa trên 6 lĩnh vực: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng; Thủ tục hành chính công và Cung ứng dịch vụ công.

Theo đó, 5 trong 6 chỉ số năm nay đều có xu hướng đi xuống, mạnh nhất là "Công khai, minh bạch". Khảo sát cho thấy rất ít người dân tin tưởng vào độ xác thực của danh sách hộ nghèo. Mức độ công khai, minh bạch về kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất ở địa phương cũng tiếp tục giảm sút.

Chỉ số "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" cũng giảm so với năm 2014. Những người tham gia cho biết tình trạng ưu tiên người nhà và tham nhũng trong chính quyền địa phương còn rất phổ biến. Tỷ lệ người dân phải lót tay để hoàn thành các thủ tục về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng tăng gấp đôi.

Điểm cho 3 lĩnh vực "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở", "Trách nhiệm giải trình với người dân" và "Thủ tục hành chính công" giảm nhẹ trong năm 2015. Tính cạnh tranh trong bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố được đánh giá còn thấp. Tương tác với cán bộ địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, trong 4 dịch vụ công được khảo sát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất luôn ở mức thấp nhất từ năm 2011.

Chỉ số duy nhất có sự cải thiện năm ngoái là "Cung ứng dịch vụ công", nhưng cũng không đáng kể. Người dân vẫn không hài lòng về chất lượng giáo dục tiểu học và y tế cấp quận/huyện.

Năm 2015, khảo sát PAPI còn đưa thêm câu hỏi để người dân nêu lên các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường đáng quan ngại nhất ở Việt Nam. Theo đó, đói nghèo là vấn đề đáng quan ngại nhất. Tiếp đến là các vấn đề việc làm, điều kiện đường sá/giao thông, tham nhũng và tình hình an ninh, trật tự.

Kết quả tổng hợp giai đoạn 2011 – 2015 của PAPI cũng cho thấy các tỉnh, thành phố đạt điểm cao thường tập trung ở vùng Đông Bắc, miền Trung và Đông Nam Bộ. Những nơi điểm thấp thường nằm tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng và Long An luôn có tên trong nhóm đạt điểm cao nhất.

PAPI được thực hiện bởi Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ (SDC), Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Trung tâm Bồi dưỡng Cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Khảo sát được tiến hành thường niên từ năm 2011.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật