Ðể những người có thu nhập thấp mua được nhà ở

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với số dân hơn bảy triệu người cộng thêm vài triệu người vãng lai, nhu cầu về nhà ở tại TP Hồ Chí Minh là rất lớn, nhất là nhà ở giá thấp dành cho các tầng lớp lao động có thu nhập trung bình và thấp.
Thực trạng về cung, cầu tại TP Hồ Chí Minh
Trong vài chục năm qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình nhà ở tái định cư cho những người dân sống trên kênh, rạch và nhà ở cho những gia đình thuộc diện chính sách. Gần 30 nghìn căn hộ được xây dựng phục vụ cho chương trình tái định cư của người dân sống trên các kênh rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hũ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm, Kênh Ðôi - Kênh Tẻ. Khoảng 10.000 căn nhà tình nghĩa, 5.000 căn nhà Ðại đoàn kết cho các gia đình khó khăn, và 300 căn hộ chung cư bán trả góp và cho thuê dành cho con liệt sĩ.
Mấy năm gần đây, nhu cầu về nhà ở cho những người có thu nhập trung bình và thấp, đặc biệt là đối với những gia đình trẻ tăng lên rất nhanh. Theo khảo sát mới đây, TP Hồ Chí Minh có khoảng 1,3 triệu người có nhu cầu nhà ở giá thấp. Ðể đáp ứng nhu cầu này, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra chương trình xây dựng nhà ở giá thấp trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2015, dành hơn 100 ha để xây dựng khoảng 85.500 căn hộ với tổng số vốn đầu tư hơn 32.000 tỷ đồng. Chương trình này được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2009 đến 2010) đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng để xây dựng sáu dự án với 5.500 căn hộ. Trong sáu tháng cuối năm 2009, sẽ khởi công ba dự án với 3.000 căn hộ, vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (từ 2011 đến 2015) sẽ thực hiện 11 dự án với 80.000 căn hộ. Hiện nay đã có 14 chủ đầu tư đăng ký xây dựng nhà ở giá thấp.
Tuy nhiên trên thực tế, tại TP Hồ Chí Minh có một nghịch lý là: nhà đầu tư xây nhà nhưng rất ít khi trực tiếp bán được cho người mua để ở. Rất nhiều căn hộ được mua đi bán lại lòng vòng kiếm lời. Cho đến nay, không ít khu chung cư còn nhiều căn hộ dù đã có người mua nhưng vẫn không có người ở. Trong khi đó, người có nhu cầu thật sự về nhà ở rất muốn mua nhà nhưng không có khả năng sở hữu một căn nhà.
Theo tiến sĩ Ðỗ Thị Loan, Ủy viên thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh thì những bất cập này gắn liền với những cơn sốt giá đất. Những năm trước đây, khi quỹ đất ở các vùng gần trung tâm như các quận: 2, Thủ Ðức, 7... còn khá dư giả, các chủ đầu tư ít quan tâm đến việc xây nhà mà chỉ chú tâm đến việc phân lô bán nền để thu hồi vốn nhanh và kiếm lời cao. Khi giá đất nền bị đẩy lên đến mức ảo, việc buôn bán đất trở nên khó khăn. Lúc này các nhà đầu tư mới nghĩ đến các dự án chung cư. Nhưng tiếc thay các khu đất lý tưởng gần trung tâm đã bị xé nát. Nếu khu nào còn nguyên, đặc biệt là những khu đất vàng, thì các nhà đầu tư lại chọn phương án xây dựng các tòa nhà cao tầng cho thuê văn phòng, cho thuê căn hộ hoặc bán căn hộ cao cấp. Theo báo cáo của Công ty TNHH CB Richard Ellis, tổng diện tích cho thuê văn phòng hạng A hiện nay là khoảng 135.000 m2 và trong vòng 12 đến 18 tháng tới sẽ có thêm khoảng 195.000 m2 diện tích sàn với giá hạng A là gần 41 USD/m2/tháng. Riêng đối với nhà ở, chỉ trong quý II-2009, có tới 1.107 căn hộ cao cấp được hoàn thành tại sáu dự án: Garden Court 1, V-Star, PN Techcoms, Phú Thọ - Thuận Việt, 4S Riverside Garden, Lê Thành - đơn nguyên 1. Tuy nhiên giá bán những căn hộ này rất cao: với căn hộ khoảng 60 - 80 m2 có giá từ 650 USD đến 810 USD/m2. Ðó là chưa nói đến loại biệt thự cao cấp có giá từ 500.000 USD đến 1,5 triệu USD.
Con đường duy nhất để các nhà đầu tư muốn xây nhà ở giá thấp là tìm đến các khu đất nằm ở khu vực ven đô hoặc ngoại thành, khá xa trung tâm thành phố. Nhưng thông thường, tâm lý của các gia đình có thu nhập trung bình và thấp đi lại bằng xe gắn máy hoặc xe buýt là rất ngại đi làm xa. Vì thế những khu chung cư được xây dựng ở ngoại thành không có sức hấp dẫn nhiều đối với họ. Vả lại, mặc dù có diện tích chỉ từ 50 m2 đến 70 m2 nhưng giá trung bình một căn hộ ở đây cũng vào khoảng 500 triệu đồng. Thí dụ khu căn hộ "584 Lilama SHB Building" mới được khởi công đầu tháng 8-2009 tại quận Tân Phú, có giá bán dự kiến từ 11 triệu đến 13 triệu đồng/m2 cho một căn hộ từ 50 m2 đến 70 m2. Công ty  TNHH địa ốc Ðất  Lành, một trong những doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình xây dựng nhà ở giá thấp, đang chuẩn bị khởi công xây dựng hai khu nhà chung cư gồm 700 căn hộ tại cầu  Tham Lương, quận 12. Mỗi căn hộ ở đây có diện tích từ 37 m2 đến 60 m2 với giá 13 triệu đồng/m2. Nghĩa là muốn sở hữu một căn hộ 37 m2, người mua phải bỏ ra hơn 480 triệu đồng. Ðối với một người có thu nhập ổn định năm triệu đồng/tháng, nếu dành ra hai triệu đồng để mua nhà thì phải mất khoảng 20 năm mới có thể sở hữu một căn nhà như thế. Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam nhận xét rằng, một người làm công ăn lương có thu nhập khoảng 4.000.000 đồng/tháng thì cả đời công tác cũng khó có thể dành dụm đủ tiền để mua được một căn nhà dù là nhà giá thấp.
Một số đề xuất
Có một lối thoát để người có thu nhập trung bình và thấp có thể mua được nhà ở giá thấp là vay tiền ở ngân hàng. Vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 18/2009/TT-NHNN quy định chi tiết việc cho vay của các ngân hàng thương mại đối với các đối tượng mua, thuê nhà ở giá thấp tại khu vực đô thị. Tuy nhiên những điều kiện để được vay tiền khá khắt khe. Người vay phải có vốn tối thiểu là 30% giá trị căn nhà nếu trả một lần và 20% giá trị căn nhà nếu trả góp. Nếu người mua trả một lần sẽ được cho vay không vượt quá 70% giá trị căn nhà. Nếu mua trả góp sẽ cho vay không quá 80%. Thời gian cho vay tối thiểu là năm năm nếu trả một lần và 10 năm nếu trả góp. Mặc dù được các ngân hàng hỗ trợ lãi suất nhưng vẫn rất khó khăn cho những người có thu nhập thấp! Vì nếu phải trả trong vòng 10 năm đối với một căn hộ khoảng 500 triệu đồng thì trung bình mỗi tháng người mua nhà có thu nhập hơn 3.000.000 đồng/tháng phải dành gần như toàn bộ tiền lương của mình trả nợ cho ngân hàng. Ðó là chưa nói đến họ phải xoay xở để có trong tay 20% số tiền giá trị căn nhà. Một số ngân hàng đưa ra chương trình cho vay tiền mua nhà nhưng với những điều kiện ngặt nghèo hơn. Techcombank yêu cầu người vay phải có việc làm và thu nhập ổn định tối thiểu từ 6.000.000 đồng trở lên nhưng phải có tối thiểu 20% tổng nhu cầu trọn gói và giới hạn tuổi đời từ 20 tuổi đến 45 tuổi, còn Sacombank lại yêu cầu người vay phải có thu nhập ổn định là 8.000.000 đồng/tháng và cho vay tối đa 80% nhu cầu vốn...
Vì vậy, để tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp có thể sở hữu được một căn hộ, cần phải tiến hành song song hai giải pháp. Thứ nhất, phải kéo giá thành các căn hộ xuống thấp hơn nữa cho phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân. Theo ông Nguyễn Văn Ðực, Phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Ðất Lành, muốn kéo giá nhà ở giá thấp xuống thấp hơn nữa, Nhà nước phải có chiến lược rõ ràng. Phải quy hoạch một vài khu đất rộng khoảng từ 20 ha đến 30 ha dành riêng xây dựng khu dân cư cho người có thu nhập thấp. Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch các khu tiện ích công cộng rồi mời gọi các nhà đầu tư vào xây dựng từng lô. Mặt khác, các căn hộ nhà ở giá thấp nên thiết kế không quá rộng, chỉ nên từ 50 m2 trở xuống với các trang thiết bị nội thất bình dân. Ðồng thời các nhà thầu cũng nên nhanh chóng ứng dụng công nghệ lắp cấu kiện đúc sẵn mà điển hình là công nghệ 3D của Công ty CP công nghệ 3D và công nghệ bê-tông dự ứng lực kết hợp sử dụng các vật liệu mới của Công ty bê-tông Xuân Mai. Công nghệ này vừa rút ngắn thời gian thi công xuống một phần ba, thậm chí một nửa, giảm giá thành xây dựng xuống từ 15% đến 20% và giá thành một căn hộ 60 m2 chỉ khoảng hơn 200 triệu đồng. Giải pháp thứ hai, là các ngân hàng phải đưa ra các điều kiện thuận lợi hơn cho người vay vốn. Không nên yêu cầu người vay phải có thu nhập từ năm triệu đồng trở lên vì trên thực tế hiện nay, những người có thu nhập theo mức đó không nhiều. Ngân hàng cũng nên kéo dài thời hạn trả nợ cho người vay tùy theo tuổi đời của họ. Nếu người vay tuổi đời còn trẻ thì nên cho vay lâu hơn. Có như thế, những gia đình trẻ mới có cơ hội sở hữu một căn nhà cho mình. Bên cạnh đó, phải cải thiện hơn nữa điều kiện đi lại giữa nội thành và ngoại thành, giữa các khu dân cư với các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như tạo được môi trường thuận lợi và thân thiện cho các khu nhà ở mới như: nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, chợ, trung tâm y tế, khu vui chơi...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật