Hàu nuôi chết sạch, cá nuôi chết tăng gấp 3 do hạn, mặn tăng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều nông dân nuôi thủy sản ở ĐBSCL đang khốn khổ vì độ mặn ngày càng tăng và xâm nhập sâu vào đất liền, đã khiến cho hàu nuôi chết sạch, cá điêu hồng nuôi trong bè chết tăng gấp 3 lần, nghêu nuôi phải thu hoạch non để tránh thiệt hại…
Hàu nuôi chết sạch, cá nuôi chết tăng gấp 3 do hạn, mặn tăng
Hàu nuôi chết chất đống
Hàu chết sạch
Ngày 14.3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã có chuyến khảo sát thực tế tình hình thiệt hại tại tỉnh Bến Tre. Báo cáo tình hình, ông Lê Văn Răng, Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết xã Thừa Đức có hơn 36 ha nuôi hàu, tập trung ở các ấp Thừa Trung, Thừa Thạnh, Thừa Tiên, với 450 hộ nuôi. Đến nay tỷ lệ thiệt hại ước khoảng 80% tổng diện tích, sản lượng hàu mất trắng khoảng 2.250 tấn, trị giá trên 47 tỉ đồng.
Vùng nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Bình Đại cũng bị ảnh hưởng do độ mặn tăng cao từ 37 - 39‰, khiến nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp bị tổn thất, hết vốn tái sản xuất.
Nước mặn trên sông Tiền đã vượt qua cầu Rạch Miễu và đang uy hiế‌p khoảng 1.200 bè cá điêu hồng nuôi trên sông Tiền thuộc tỉnh Tiền Giang. Ông Phan Văn Cường, nuôi 4 lồng bè cá điêu hồng tại ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) cho biết: “Cá nuôi trong bè chết tăng gấp 3 lần so với trước Tết. Nước mặn đang làm bất lợi cho quá trình phát triển của cá, khiến chúng chậm lớn, ăn ít. Cá đến tuổi xuất bán hao hụt nhiều hơn cá nhỏ do sức đề kháng giảm. Nếu như trước đây cá chết khoảng 10 con/ngày thì nay tăng lên hơn 30 con/ngày và đang có dấu hiệu ngày càng tăng”.
Khốn khó kép của người nuôi cá bè ngoài việc xâm nhập mặn uy hiế‌p thì việc bán cá “chạy mặn” cũng không có lái mua. Từ hơn nửa tháng nay, người nông dân kêu lái bán cá đều được hẹn vài ngày đến xem, tuy nhiên gần như các cuộc hẹn của thương lái với người nuôi cá đều không được diễn ra.
Cá nước ngọt chết dần
Ông Cường chia sẻ: “Hai bè cá 5 tháng tuổi của tôi kêu thương lái bán từ đầu tháng 3 đến nay mà chưa có ai đến xem. Giá cá hiện cũng giảm chỉ còn 31.000 đồng/kg, bằng với giá thành sản xuất. Nước mặn tăng từng ngày, cá đến tuổi thu hoạch không bán được, với tình hình này càng tiếp tục nuôi thì tỷ lệ hao hụt càng tăng cao và thua lỗ là không tránh khỏi”.

 

Từng con cá chết dần
Ông Mai Sinh Nhựt, nuôi 4 bè cá điêu hồng tại ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn chia sẻ: "Ngành thủy sản khuyến cáo nông dân tăng cường cho cá ăn sản phẩm để tăng sức đề kháng, độ mặn 4‰ thì di dời bè cá. Nhưng cá càng lớn thì khó tăng sức đề kháng để sống với mặn, còn chuyện dời bè cá cũng không khả thi vì nước trên sông Tiền đã mặn, muốn dời thì phải đi đâu?

Trong khi đó, ở Bến Tre độ mặn 9-10‰ xâm nhập vào ao, mương làm cho nhiều loài cá da trơn và có vảy chết sạch. Ông Nguyễn Văn Sốt, ở ấp Tân Long, xã Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) cho biết: “Cá tra nuôi trong ao có trọng lượng khoảng 7kg/con, cá tai tượng 5kg/con và các loại cá có vảy nước ngọt đã chết sạch do nước mặn. Với tình hình này, sau đại nạn xâm nhập mặn thì chẳng còn con cá nước ngọt nào để ăn nữa”.

Ở Trà Vinh, cá lóc nuôi trong ao ở khu vực huyện Trà Cú cũng bị ảnh hưởng mặn, khiến cá bị ghẻ toàn thân và tỷ lệ chết ngày càng tăng…

Trước diễn biến khó lường của xâm nhập mặn, ngành chuyên môn các tỉnh chỉ có thể khuyến cáo bà con theo dõi sát diễn biến độ mặn, thu hoạch vụ mùa và có kế hoạch di dời đến nơi an toàn để tránh thiệt hại.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật