Trần Lập: Rock đi và sống

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mang trong mình dòng máu của rock cuồng dại hoang sơ, lúc gai góc, quyết liệt, lúc nhẹ nhàng nhưng rồi lại sục sôi, ca sỹ Trần Lập được biết tới như linh hồn của ban nhạc rock Bức Tường.
Trần Lập: Rock đi và sống
Ảnh minh họa

Đi qua năm tháng, đi qua tuổi trẻ gắn kết với hơi thở cuộc sống với bao bước thăng trầm nhưng đầy bản lĩnh và sự cống hiến hết mình, anh đã được tôn vinh là “Men of the decade” (Người đàn ông của thập kỷ) do tạp chí Đàn Ông bình chọn. ­
Trần Lập cũng đã từng là đại sứ thiện chí cho đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và VFF năm 2006 tham dự lễ bốc thăm chia bảng ASIAN CUP. 10 năm là một hành trình đầy ý nghĩa với rocker Trần Lập - anh được coi là một trong những người truyền cảm hứng tới hàng triệu khán giả trẻ Việt Nam với ca khúc “Đường tới đỉnh vinh quang”. Dù hiện tại đang phải chiến đấu với căn bệnh nguy hiểm nhưng ý chí, bản lĩnh, và sự điềm tĩnh của anh lại đang là niềm an ủi cho không biết bao nhiêu người.

Cuộc đời hoang sơ, cằn khô cơn mơ

Theo hồi ký của Trần Lập, hồi nhỏ, có cậu bé suốt ngày bị nhốt trong nhà, cho đến khi được “thả cũi”, cậu trở thành “nỗi kinh hoàng” của cả xóm. Quần đùi - cởi trần - đầu không mũ, và đi chân đất trốn ra bờ ao chơi, bị lũ trẻ lớn hơn “oánh”, hoặc ném chó mèo nhà hàng xóm, vẽ nguệch ngoạc ra tường…
Bị nhốt ở nhà nhiều, nên cậu bắt chước chị gái, chép nhiều bài hát vào sổ, rồi hát rống lên cho khỏi sợ ma. Suốt ngày bị đòn vì đi học không chịu về nhà ngay mà còn mải lang thang nhảy tàu điện “chu du” khắp phố phường, Trần Lập hồi bé còn “chịu khó” học võ để có thể “chiến đấu như một người lính” cho dù có thể thua khiến cho chúng bạn khá nể.
Cậu cũng là người được chứng kiến những số phận của anh chị em trong gia đình, về chuyện tình cảm và hạnh phúc của họ với những đổ vỡ khác nhau. Tất cả những điều ấy khiến cho Trần Lập trở thành một thanh niên già trước tuổi.
Có một thời, Trần Lập vô phương hướng, và mông lung về tương lai, chăm chỉ kiếm tiền nuôi bố mẹ bị bệnh, “gom bát đũa rồi rửa với xà phòng hạng bét, nhiều khi tôi muốn la hét và tung hê hết, mong thoát khỏi sự tù túng của hoàn cảnh”. Lập chịu khó lắm, chịu giặt cả quần áo lót của bố mẹ ở máy nước công cộng, mặc cho mấy bà chị hàng xóm châm chọc cười cợt nửa khen nửa đùa.
“Bế tắc, và tối tăm”, Trần Lập đi làm đủ thứ từ rán quẩy nóng phụ cho anh rể rồi đi giao các hàng phở buổi sáng, làm thợ dán mành lốp xe thồ, thục cao su hàng đêm… cho đến khi thi đỗ trường Nghệ thuật Hà Nội, Trần Lập ngày đi học, tối đi làm thợ phụ với mấy cái đùi, đĩa xe đạp, và bể mạ độc hại.
Với anh, những lát cắt cuộc sống nhiều lần đan xen, dữ dội, dồn dập. Làm gì để sống? Theo xã hội đen? Đi bộ đội? Rồi trở thành ca sỹ bất đắc sĩ chạy show trong các quán bar… cũng như nhiều người cùng thời, Trần Lập cứ loay hoay sống như thế, đã nếm cả những mất mát, thành công, và thị phi mà đời một nghệ sỹ khó tránh khỏi.

Đừng sống giống như hòn đá

Với những sáng tác đầy nhiệt huyết, không bi quan, không đen tối, trái lại, với độ sâu sắc của những gã đàn ông từng trải không nhạt nhẽo, ban nhạc Bức Tường của Trần Lập và các bạn đã đi cùng năm tháng, cùng tuổi thanh xuân với các thế hệ sinh viên.
Cũng đôi khi vật vã đau khổ, đối mặt với những mệt mỏi chán chường: “Lâu nay tôi chợt thấy như người đi xa bỗng nhiên mệt nhoài/ Cũng có lúc tôi từ giã với con đường quen/ Bước tiếp bước lặng lẽ một đời nghệ sỹ có nên cần cù? Sao nâng lên đặt xuống ly rượu còn cay chưa vơi nỗi niềm”…
Nhưng nhất quyết phải là một ngày mới, ngày khác, đời thay đổi, khi chính mình thay đổi. “Thử một hôm bước chân ra đường/ Đi lề bên kia khác thường/ Gọi café bên góc quán xa lạ/ Mua tờ báo mới thấy lần đầu/ Một ngày khác/ Đặt dấu chân vượt trên bụi vàn/ Ai chọn lối khác/ Để bước đi xa đám đông vội vã/Tại sao thế phân vân chi quá nhiều/ Có cần hay không-khác thường/Chẳng sao hết. Bài hát cũ trơn tuột/Thay nào ly bia đã nhạt”. (Ngày khác).
Đọc những dòng Trần Lập viết cho con, mới thật xúc động: “Có một bài ca cha đã viết khi chưa đặt tên con/ Giọt máu nóng cha đã ươm/ Chờ mong con mau lớn khôn/ Đời hào phóng về xa, nào hãy sống biết ước mơ”.
Vì sao ban nhạc Bức Tường có một sức thu hút, và có giá trị tới tận bây giờ là bởi chúng đầy cảm xúc chân thật của một con người, có vui, có buồn, có thăng, có trầm, có ngọt ngào và có cả giông bão. Và Trần Lập thật xứng danh với một chiến binh, một rocker xuyên màn đêm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật