Nhận diện bánh trung thu “rởm“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nếu không tinh mắt và cẩn thận, người tiêu dùng sẽ dễ dàng mua phải những chiếc bánh Trung thu giả với logo, nhãn mác được nhái theo các thương hiệu nổi tiếng.
Nhận diện bánh trung thu “rởm“
Một trong những loại bánh trung thu rởm trên thị trường. Người tiêu dùng cần tránh không dùng các loại bánh không rõ nguồn gốc.

Theo ông Hàn Tự Do, phó chánh thanh tra sở Y tế Hà Nội, những loại bánh này không có nhãn mác cụ thể, không ghi rõ công ty nào sản xuất, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của công ty. Ngoài ra, các thông số về ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần dinh dưỡng đều không có trên bao bì bánh.

Theo ông Do, nhận biết bánh trung thu rởm không quá khó. Nhưng cái khó nhất là người tiêu dùng thường bị đánh lừa khi chủ cửa hàng bán bánh thường làm mọi cách để trà trộn bánh rởm với bánh thật.

Các chiêu quen thuộc là cho bánh vào hộp thật rồi bán cho khách. Khách hàng sau khi xem bánh đã cảm thấy yên tâm thì chủ cửa hàng có thể lấy một hộp khác còn nguyên vẹn đã được đóng gói sẵn để đưa cho khách. Nếu chủ quan không kiểm tra thì rất có thể bên trong không phải loại bánh thật.

Ngoài ra, các cách khác là in nhái logo cho gần giống với logo của những thương hiệu lớn, khiến người tiêu dùng nếu không để ý sẽ tưởng bánh thật.

Có thể mua phải bánh trung thu dởm nhưng không phải ai cũng phát hiện ra điều này. Ngày nay, bánh trung thu thường được dùng như một loại quà biếu nên sau khi mua xong, khách hàng thường giữ nguyên hiện trạng hộp bánh và mang đi biếu luôn. Do đó, có nhiều người đã vô tình đem bánh rởm đi biếu những nơi quan trọng mà hoàn toàn không hay biết gì.

Ông Do cho hay: “Từ giờ tới trung thu, Sở y tế sẽ tăng cường kiểm tra mạnh hơn mặt hàng này trên thị trường”.

Ngày 19/09/2009, đoàn thanh tra của sở y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên địa bàn thành phố.

Theo đó, đoàn đã phát hiện cửa hàng Tuyết Lan (số 197 Thuỵ Khuê) có một số bánh vi phạm quy chế về nhãn mác. Các hộp bánh dẻo, bánh nướng và những chiếc bánh để rời trên nhãn bánh ghi thành phần có mỡ lợn nhưng thực tế trong bánh không có, trên nhãn cũng “lập lờ” ghi hạn sử dụng nhưng không có ngày sản xuất.

Đoàn thanh tra đã lập biên bản xử lý cơ sở trên. Ngoài ra, đoàn cũng phát hiện thêm một số cơ sở khác có vấn đề về ghi nhãn mác, có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm hoặc bị đánh lừa.

Bởi vậy, “Trước khi mua bánh, người dân nên để ý và xem kỹ các thông số ghi trên bao bì bánh, không nên vì vội vàng hoặc chỉ vì mua để biếu chứ không để ăn mà mua qua loa cho xong”, ông Do nói.

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật