Sim rác kích hoạt - nhà mạng vô can?

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quá nhiều sim rác đang trôi nổi trên thị trường là một trong những nguyên nhân gây “bão” tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo hiện nay. Việc quản lý thuê bao trả trước xem ra khó khi mà không nơi nào như ở Việt Nam ngay cả quán nước chè cũng bán được sim, và hầu hết các sim rác đều được kích hoạt sẵn.
Sim rác kích hoạt - nhà mạng vô can?
Hiện có quá nhiều sim rác trôi nổi trên thị trường, nguyên nhân chính gây “bão” tin nhắn rác. Ảnh: Hồng Vĩnh

Nhiều thiết bị kích hoạt sim

Thông tư 04/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) quy định về thủ tục đăng ký thông tin thuê bao khá nghiêm ngặt: các chủ thuê bao phải đến đăng ký trực tiếp tại điểm đăng ký thông tin thuê bao để cung cấp số thuê bao, xuất trình chứng minh  nhân dân, hộ chiếu,... Thông tư cũng nghiêm cấm hành vi kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho thuê bao khi chính chủ thuê bao vẫn chưa thực hiện việc đăng ký thông tin thuê bao; cấm mua bán, lưu thông trên thị trường SIM đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay thuê bao di động trả trước được bán tràn lan trên thị trường từ các quán trà đá, cửa hàng tạp hóa,... đa số sim đều đã được kích hoạt sẵn. Nguyên nhân được thanh tra Sở TTTT Hà Nội vừa đưa ra chính là do phần mềm kích hoạt sim hàng loạt. Ông Nguyễn Văn Minh, Chánh thanh tra Sở TTTT Hà Nội cho biết, hiện nay trên thị trường có phần mềm chỉ cần trong 1 phút có thể kích hoạt được hàng trăm sim. Ngoài ra năm 2015, thanh tra Sở TTTT Hà Nội đã tịch thu 27 thiết bị có chức năng kích hoạt sim, và hơn 8 nghìn sim điện thoại.

“Rõ ràng muốn siết chặt quản lý thuê bao trả trước mà làm từ ngọn xuống thì rất khó, chúng tôi không thể đi kiểm tra bà quán nước chè để lấy sim. Muốn chặn là phải từ doanh nghiệp viễn thông.

Nguyễn Văn Minh

Tìm hiểu thị trường mua bán phần mềm kích hoạt sim hàng loạt qua một số website, các trang mạng xã hội, diễn đàn,... Tại website: http://kenh..., một doanh nghiệp đưa ra những lời mời hấp dẫn: Quý đại lý có rất nhiều sim, phải tốn rất nhiều nhân lực, và có khi phải mất ngủ vì không thể đáp ứng giao hàng kịp. Các đại lý chỉ việc gõ số sim và seri sim, còn các thông tin khác hệ thống sẽ tự động tạo liên tục, đặc biệt không có thông tin nào trùng lặp nhau (họ tên + ngày tháng năm sinh + số cmnd + ngày cấp + nơi cấp); chỉ cần thao tác trong 5 phút, bạn sẽ đăng ký thông tin 4.000 sim trong vòng 1 giờ; sử dụng phần mềm trên để đăng ký thông tin và gửi sms giới thiệu, quảng cáo mua bán hay các chương trình khuyến mãi... vào di động khách hàng; giá phần mềm là 1.3 triệu đồng.

Tại website: https://nha..., giao bán phần mềm đăng ký thông tin sim của nhiều nhà mạng với giá không quá 1 triệu, được giới thiệu với thao tác cực kỳ đơn giản, chỉ cần soạn file excel gồm 2 cột số điện thoại và seri, còn lại phần mềm sẽ tự động xử lý hết. Hoặc tại địa chỉ: http://shop..., giao phần mềm kích hoạt sim cả 3 nhà mạng lớn với tốc độ xử lý thần tốc, giá trọn bộ là 3,5 triệu đồng.

Phải chặn từ doanh nghiệp viễn thông

Tình trạng tin nhắn rác tiếp tục gây “bão” nhưng thực tế việc xử lý đang gặp muôn vàn khó khăn bởi nhiều lý do. Ngay cả quy định khái niệm thế nào là tin nhắn rác cũng chưa rõ ràng, bất nhất. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Sở TTTT Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn cho hay: “Hiện nay rất khó khăn trong việc đưa ra khái niệm thế nào là tin nhắn rác, một người nhắn 50 - 100 tin liên tục có được coi là tin nhắn rác hay không? Ví dụ tôi cần cưới con, tôi không gửi thiếp mời tôi nhắn cho bạn bè tôi khoảng 100 tin, vậy có được coi là tin nhắn rác không? Thêm nữa, tin quảng cáo không phải tin nhắn rác, việc quảng cáo pano, áp phích ngoài đường thay bằng quảng cáo qua tin nhắn trực tiếp cho khách hàng, đây là cả vấn đề. Tuy nhiên, sử dụng sim rác thì vẫn còn nhiều”.

Trong khi đó việc thanh tra, kiểm tra trực tiếp của các cấp địa phương cũng không hề đơn giản. Ông Nguyễn Văn Minh, Chánh thanh tra Sở TTTT cho rằng, “các cửa hàng sim ngày xưa bày trên các mặt bàn, bày ngay tại cửa hàng kinh doanh có thể yêu cầu họ mở tủ để kiểm tra. Bây giờ họ để trên gác chúng tôi không được quyền lên đó kiểm tra”. Các Sở TTTT chỉ được kiểm tra các đại lý, chi nhánh đóng trên địa bàn, còn lại các doanh nghiệp lớn thì Sở không có thẩm quyền kiểm tra.

“Ở Việt Nam có tình trạng là quán nước chè cũng bán được sim, vào kiểm tra thì họ bảo không phải là điểm đăng ký thuê bao di động trả trước. Ở nước ngoài tuyệt đối không có bán sim tự do như ở Việt Nam. Rõ ràng muốn siết chặt quản lý thuê bao trả trước mà làm từ ngọn xuống thì rất khó, chúng tôi không thể đi kiểm tra bà quán nước chè để lấy sim. Muốn chặn là phải từ doanh nghiệp viễn thông”, ông Minh nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật