Hoa lan công nghệ Đài Loan với nhiều màu sắc lạ mắt

Applecat Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nuôi cấy mô bằng dịch chiết xuất từ hoa quả cộng với công nghệ nhà lạnh tiên tiến đã cho ra những cây hoa lan với lá to và xanh thẫm, nhiều bông, mang màu sắc lạ như hồng hoa cà, hồng hoa đào, tím tia chớp, xanh đốm socola.
Hoa lan công nghệ Đài Loan với nhiều màu sắc lạ mắt
Sản phẩm lan hồ điệp của Cty CP Giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao VN.

Ngắm chúng, thời gian lại như quay ngược với tôi, trở về ba năm trước khi cùng bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Cty CP Giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam lang thang khắp Đài Loan và gặp "người trồng lan số 1", ông Hứa Chí Hiền ở huyện Bình Đông. Ông Hiền có bảy khu nhà lan mỗi cái rộng chừng 1 ha. Trang trại của ông xuất lan đi khắp các nước và từng đoạt giải nhất cuộc thi lan toàn cầu.

Lan ở đây được nuôi cấy mô bằng dịch chiết hoa quả, được xử lý phân hóa mầm hoa ngay trong nhà kính thay vì mang lên các vùng lạnh và có đến hàng trăm loại màu sắc, kích cỡ rất độc đáo.

Thế mà giờ đây, hệ thống nhà lưới ấy, công nghệ ấy, màu sắc hoa ấy đã xuất hiện tại Việt Nam, trên chính đất Tổ - Phú Thọ. Màu sắc lá đẹp hơn, ngồng hoa dài hơn, sắc hoa tươi hơn, số hoa trên một cây nhiều hơn là những điều có thể cảm nhận rõ rệt.

Cụ thể trước cành lan đại (lan to) chỉ dài 50-55cm, giờ đạt 60cm, trước số lượng hoa trên bông chỉ 7-8 giờ đạt 9-11… Khách quan mà nói nhiều loại lan ở đây còn đẹp hơn cả lan của Trung Quốc nhập vì đường xa, dặm thẳm vận chuyển về hoa sẽ không còn tươi, độ bền sẽ kém đi, không nở được đến bông cuối cùng.

Tất cả những điều đó có được là nhờ nhóm chuyên gia Đài Loan do đích thân ông Hứa Chí Hiền chỉ huy, giúp đỡ. Ông khẳng định: “Tôi sẽ giúp cho bà Tâm trở thành người trồng hoa lan hồ điệp số 1 ở Việt Nam”. Và điều hứa đó đang một phần trở thành hiện thực.

Sở thích của người tiêu dùng cũng thật phong phú, cán bộ công nhân viên chức thường thích màu vàng, dân buôn bán thích màu đỏ, người nho nhã thích màu trầm, người sành điệu thích môi chấm, môi hồng, môi đỏ… Ngoài hồ điệp, một dạng lan công nghiệp, các kỹ thuật viên ở đây còn đang sưu tầm, nghiên cứu cách nuôi cấy mô các loại lan rừng bản địa để làm phong phú thêm chủng loại, thêm “vũ khí” mới trong một cuộc cạnh tranh giữa một thế giới phẳng.

Vậy bí quyết nào ẩn giấu dưới mỗi cánh hoa? Cây khỏe phải khỏe từ gốc rễ, hoa đẹp phải đẹp từ lúc còn là một cái mầm. Nếu dùng hóa chất để nuôi cấy mô như thông thường cây sẽ kém phát triển hơn là dùng các chất hữu cơ tự nhiên như dịch hoa quả bởi chúng không độc và rất thân thiện với môi trường.

Kế đó là quy trình chăm bón, phun tưới rất nghiêm ngặt. Điều đặc biệt không thể thiếu là khâu xử lý phân hóa mầm hoa, kỹ thuật khó nhất, mang tính quyết định nhất. Không hoàn toàn copy nguyên gốc kỹ thuật của Đài Loan mà nó đã được cải tiến bằng trí óc của người Việt.

Những ngày này lên thăm trại Nậu Phó mới thấy không khí Tết đã ở rất gần. Hai nhà lưới ngập sắc lan. Dân buôn, dân chơi nô nức kéo đến đặt mua hàng. Chủ vườn lan Nhất Vũ, cơ sở trồng lan có tiếng ở thành phố Việt Trì bảo anh phải lên đây sớm để đặt tiền, đánh dấu hàng kẻo chậm mấy ngày nữa là hết. Hai vạn gốc lan trong nhà lưới cơ bản đã có người đặt như thế.

Chị Kiều Thị Ánh Hồng, phụ trách kỹ thuật của trại thông tin với tôi rằng hiện đơn vị đang có trên 30 loại lan trong đó có rất nhiều màu sắc độc đáo như tím viền trắng, tím tia chớp, tím hoa cà, vàng xanh, vàng chấm đỏ, xanh ngọc, xanh đốm, xanh chấm socola… Công nghệ mới giúp cho bộ lá mướt, sắc hoa đẹp hơn còn độ bền thì vô địch, thời gian chơi dài 2-3 tháng nếu biết cách chăm sóc tốt.

Sở dĩ có được điều này là bởi cây được phân hóa mầm tại chỗ trong 45-60 ngày (tùy từng loại) nên không bị sốc nhiệt so với những cơ sở phải đem lan đi phân hóa mầm tại Sa Pa hay những vùng núi cao khác. Không phụ thuộc vào những biến động thất thường của nhiệt độ ngoài tự nhiên mà luôn ổn định vì sống trong không gian điều hòa ở nhiệt độ thích hợp nhất nên chất lượng mầm hoa và số hoa trên bông có được sẽ tối đa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật