Các sự kiện nổi bật làng văn 2015

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hội Nhà văn Việt Nam có ban chấp hành mới, hội nghị quảng bá văn học Việt, cuộc thi tiểu thuyết công bố kết quả... là những sự kiện quan trọng làng văn trong năm.
Các sự kiện nổi bật làng văn 2015
Ban chấp hành mới Hội Nhà văn Việt Nam ra mắt năm 2015. Từ trái sang, trên xuống: nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Khuất Quang Thụy, nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Kh

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ chín

Bầu chọn lãnh đạo mới Hội Nhà văn là sự kiện quan trọng nhất trong năm của làng văn. Trước thềm đại hội, một số băn khoăn, trăn trở được đưa ra như làm thế nào để trẻ hóa đội ngũ, có thêm nhiều tác phẩm chất lượng...

Đại hội Hội Nhà văn diễn ra tại Hà Nội từ ngày 9 tới 11/7. Có 539 đại biểu đại diện cho hơn 1.000 hội viên cả nước về tham dự. Đại hội bầu cử với mục đích chọn ra 15 thành viên cho Ban chấp hành nhiệm kỳ mới. Kết quả bỏ phiếu chỉ có sáu người đạt yêu cầu quá bán. Như vậy, lực lượng lãnh đạo mỏng, chỉ bằng gần một phần ba so với mục đích đề ra.

Nhà thơ Hữu Thỉnh tái đắc cử chủ tịch Hội. Hai nhân sự mới của Ban chấp hành là nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Bình Phương. Kỳ vọng trẻ hóa Ban chấp hành cũng không thành hiện thực. 

Hơn 100 nhà văn nhận nhuận bút từ sách giáo khoa

Nhà văn Ma Văn Kháng (ngoài cùng bên phải) đi nhận nhuận bút từ sách giáo khoa. Ảnh:vanvn.

Tháng 8, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiến hành trả nhuận bút cho nhiều nhà văn, nhà thơ có tác phẩm mà họ đưa vào bộ sách giáo khoa. Việc chi trả được thực hiện sau khi bộ sách đã đi vào sử dụng hàng chục năm, và sự đấu tranh của Trung tâm Quyền tác giả Văn học (VLCC).

Cụ thể, trong đợt đầu, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả nhuận bút cho 109 tác giả với 273 tác phẩm thông qua VLCC. Ba tác giả có nhuận bút cao nhất là nhà thơ Tố Hữu (30 triệu đồng), nhà văn Tô Hoài (hơn 20 triệu đồng), nhà thơ Trần Đăng Khoa (hơn 17 triệu đồng). Theo bà Nguyễn Thị Thu Huệ - Giám đốc trung tâm VLCC - việc đòi nhuận bút cho nhà văn khó là do nhận thức của các tác giả và người làm công tác xuất bản, bản quyền. Nhiều người cho rằng có tác phẩm đưa vào sách giáo khoa để dạy cho học sinh thì không nên lấy nhuận bút.

Giải thưởng Tiểu thuyết Việt không tìm được tác phẩm xuất sắc

"Người thứ hai" của Tô Hải Vân đoạt giải B cuộc thi tiểu thuyết.

Cuộc thi Tiểu thuyết Việt Nam lần thứ ba do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức từ năm 2011 tới 2015. Cuộc thi nhận 170 tác phẩm của 143 tác giả. Cuối tháng 12, giải thưởng được công bố. Không có tác phẩm đạt giải A. Ba giải B thuộc về các tác phẩm Người thứ hai (Tô Hải Vân), Chim ưng và chàng đan sọt (Bùi Việt Sỹ) và Mảnh vỡ của mảnh vỡ (Vĩnh Quyên). Chín tác phẩm khác đoạt giải C.

Cuộc thi phần nào phản ánh được số lượng, chất lượng sáng tác văn học ngày nay. Dù đã kéo dài thời gian nhận tác phẩm thêm một năm nhưng ban tổ chức vẫn không tìm được tác phẩm như kỳ vọng để trao giải cao nhất. Lượng tác giả tham gia cũng không nhiều. 

Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt

Nhằm thúc đẩy giới thiệu văn học Việt với độc giả thế giới, Hội nghị Quốc tếQuảng bá Văn học Việt Nam được tổ chức từ ngày 2- 6/3. 150 đại biểu là các nhà văn, nhà thơ, dịch giả đến từ 41 quốc gia đã tới dự.

Sự kiện quan trọng nhất của chương trình là hai hội thảo giới thiệu văn xuôi và thơ Việt Nam. Song song với sự kiện quảng bá văn học, các đại biểu quốc tế cũng tham gia "Ngày thơ Việt Nam" lần thứ 13 tổ chức vào Tết Nguyên Tiêu tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Dù có nhiều hoạt động song hội nghị chưa đem lại những kết quả trông thấy.

Những thành phần quan trọng tạo ra hiệu quả của quảng bá văn học là đội ngũ dịch, làm xuất bản quốc tế lại quá ít trong hội nghị này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật