Nghệ sĩ Thiên Kim tuổi già cô đơn, ngày ngày đạp xe đi diễn

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tuổi già bóng xế, người nghệ sĩ mắt mờ chân yếu vẫn xiêu vẹo đạp xe đi diễn. Và mỗi đêm khi đèn phim trường vụt tắt, màn nhung dần khép, phố vắng tênh lại một mình Thiên Kim còng queo trên chiếc xe đạp trở về… Mà về là về đâu?
Nghệ sĩ Thiên Kim tuổi già cô đơn, ngày ngày đạp xe đi diễn
Tuổi già hiu hắt

Ký ức kinh hãi 

Hơn 70 tuổi, Thiên Kim không có nổi một mái nhà. Bà ngồi trong viện dưỡng lão, chải lại mái đầu, ánh nhìn hoang hoang trông xa chờ khách. Mắt người già thường buồn, như con mương cạn đáy trơ lòng, chỉ còn xác rêu chết khô giữa cơn khắc nghiệt. Tuổi thơ cay đắng, Thiên Kim khơi lại như vừa cất lên từ giữa dòng ký ức một lưới trống trơ, đầm đìa nước mắt.

Một ngày đứng gió, gà gáy trưa, lá rạp dưới sân nhà, đứa trẻ 2 tuổi ướt dầm mồ hôi khóc ngặt trên tay mẹ. Mẹ cũng khóc, tấm lưng đàn ông xa hút sau màn khói nắng, đã bỏ vợ con là không hẹn ngày trở lại. Thiên Kim thành cô bé không cha. Bà cười cô đơn rệu rã: “Cô là con của kép độc Sáu Đỏ. Ổng là thầy của cố NSƯT Hoàng Giang. Nghệ sĩ đa tình mà, mình đâu có trách được, máu của mình là máu thịt của ổng”. Năm Thiên Kim lên 4 tuổi, mẹ bà gá nghĩa cùng người đàn ông khác cũng đã qua một lần lở dở đò ngang. Thiên Kim được gửi về nhà vợ cả.

 Mắt người già thường buồn, như con mương cạn đáy trơ lòng chỉ còn xác rêu chết khô giữa cơn khắc nghiệt
Thiên Kim thở dài: “Lúc đó má nói mẹ cả xin nuôi cô, nói về nhà mẹ cả sung sướng hơn nhiều lắm. Cô còn nhỏ quá đâu có biết gì đâu, nào ngờ ở đó bị mẹ cả đánh quá trời. Có hôm mẹ cả đánh cô chảy máu, đúng lúc má qua thăm. Mẹ cả nhốt cô trong phòng không cho khóc, không cho gặp má. Lúc đó không hiểu vì sao mẹ cả lại ghét mình như vậy…”. Thù hằn của người lớn, ghen tức tủi hờn của kiếp chồng chung, làm sao một đứa trẻ mới mấy tuổi đầu có thể hiểu được. Ngày tháng tủi cực dài như vô tận, Thiên Kim cam chịu đòn roi như một sự thích nghi: “Lớn lên đã thấy bị đánh, cô nghĩ chắc đứa con nít nào cũng vậy…”.
Năm bà lên 8 tuổi, cha dượng bị tù đày biền biệt, Thiên Kim được trả về với mẹ ruột. Lớn thêm một chút, bà xin mẹ cho theo đoàn hát Kim Thoa với hai chị lớn. Nhìn 3 đứa con gái cùng nối nghiệp người cha đã bỏ đi không lời từ tạ, mẹ bà chỉ biết rớt nước mắt lẫy hờn: “Bạc bẽo lắm con ơi, khổ rồi đừng về đây báo má”. Thiên Kim gói quần áo, bước chân ra khỏi cửa, nửa mừng nửa lo, ai biết đâu nay mai gió chướng ngập đầu.

 
Mười sáu tuổi, bà đã bắt đầu nổi tiếng với vai Điêu Thuyền trong vở cải lương Phụng Nghi Đình, đào chánh trong Tam hoàng tử tranh hôn, … 1‌8 tuổ‌i bà về làm vợ một sĩ quan quân đội chế độ cũ. Sanh con được 3 tháng thì hay tin chồng tử trận. Xác anh chìm lỉm dưới đáy sông sâu rồi dạt đến bãi bờ nào vô định, hồn phách chưa tan, anh hay trở về trong cơn mê mỵ chập chờn. Sợi hồn thì mỏng và xanh, vía chạy theo hoài không tới, con thơ khóc ré, nỗi đau luôn có cách chứng tỏ sự hiện hữu của mình. “Lúc đó cô 19 tuổi, hay thấy anh trở về trong giấc mơ. Mới cởi tấm áo tang, cô đã phải mặt hoa da phấn nói cười trên sân khấu. Con thơ khát sữa, không nơi nương tựa, đói nghèo không chừa một ai” – Thiên Kim muốn khóc nhưng rồi lại cười. Nghệ sĩ đa đoan, khổ là cái nghiệp rước về mình, Thiên Kim long đong, rong ruổi mãi, hạnh phúc bèo mây rồi cũng chỉ còn lại một mình.

Cả đời cơ cực

Thiên Kim là một trong số những nghệ sĩ may mắn sống sót trong “thảm án Lấp sông Gianh”. Bây giờ kể lại, trong mắt người nghệ sĩ già vẫn không ngăn được những tia màu hoảng loạn. Đó là đêm 19.2.1955, vở Lấp sông Gianh ra mắt tại rạp Nguyễn Văn Hảo, nay là rạp Công Nhân, do nghệ sĩ Duy Lân làm đạo diễn. Thiên Kim được chọn vào vai chánh – cô gái mang tên Thơ Đào đem lòng yêu Từ Vũ. Đất nước bị chia cắt, lấy ranh giới là sông Gianh khiến tình yêu đôi trẻ bị chia lìa, ngăn trở.

Thiên Kim nghẹn ngào: “Vở diễn vừa kết thúc, tấm bản đồ tròn vẹn đất nước xổ từ trên cao xuống, khán giả đứng dậy vỗ tay, nước mắt rụa ràng. Bỗng nhiên tiếng lựu đạn nổ tung như sấm, cô nằm chết lặng”. Sân khấu tan hoang, ký giả trẻ Nguyễn Mai nằm im lìm, hơi thở cuối cùng trào ra theo dòng máu đỏ. Nghệ sĩ Ba Cương bị mảnh lựu đạn cắt hai chân đứt lìa, 3 giờ khuya hôm ấy ông rời đi. Hề Phiên nát hết vùng bụng, lay lắt được 10 ngày rồi cũng mất. Đạo diễn Duy Lân suốt đời tật nguyền với một chân đã bỏ lại nơi sân khấu. Oan khuất ngút trời.

Phần Thiên Kim, cho đến giờ bà vẫn bị những mảnh lựu đạn còn nằm lại trong người hành hạ. Gió về một cơn là một cơn đau nhói, ký ức dữ dội, ám ảnh đeo mang, bà mắc chứng sợ sân khấu.

Thiên Kim đi lồng tiếng phim, đi đóng phim rồi tái giá. Vậy mà tình duyên lại tiếp tục cắt vào bà một vết thương sâu. Quá sợ cành cong bà ở vậy nuôi 5 mặt con, nuôi người mẹ già, nuôi luôn con của chị. Bà cười phơ phơ tóc trắng, hắt hiu: “Nhiều lúc phải đi xin nước mắm về ăn cơm trắng đó con”. Những bữa cơm chan nước mắt nghẹn đắng đời người. Nỗi đau ăn mòn con người ta như đất lở, vỡ ra rồi chìm vào sông biển, người nghệ sĩ già hụt hao hơi sức, chưa từng biết đến an yên.

Thiên Kim giờ tá túc ở viện dưỡng lão nghệ sĩ, con cái ai cũng nghèo xơ xác, đời bạc như vôi. Những đêm gió chướng càn qua, rít thê thiết trên mái nhà dưỡng lão, cơn đau đớn, bệnh tuổi già lại mặc sức hành hạ những người nghệ sĩ tài danh vang bóng.

 Ở độ tuổi xưa nay hiếm, Thiên Kim vẫn ngày ngày đạp xe đi diễn
Ở độ tuổi xưa nay hiếm, Thiên Kim vẫn ngày ngày đạp xe đạp đi diễn. Thấy đời mòn mỏi dưới những vòng quay, chiếc xe đạp lạc lõng giữa phố rộng người đông, nên đi về chiều nào cũng ngược. Những hối hả sau lưng trước mặt, lướt qua người nghệ sĩ già, gò lưng cặm cụi đeo đuổi cái nghiệp đã tự mình vận lấy. Hỏi đạp xe có mệt không, Thiên Kim cười nét mặt phúc hậu, bình thản: “Mệt chớ con, mùa lạnh chân cẳng đau, nên hôm nào có tiền thì đi xe ôm. Hôm nào không có thì tranh thủ đạp xe đến chỗ diễn. Cũng đâu có sao, ai mà chẳng có lúc này lúc kia. Miễn còn đi được, còn diễn được con ơi”.

Và cứ mỗi khuya về đèn vàng hắt bóng, người nghệ sĩ già bên chiếc xe đạp run rẩy chựng lại giữa ngã ba đường. Đắn đo thì cũng phải về … Mà về là về đâu?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật