Quản lý thương hiệu – yếu tố sống còn

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Xây dựng và duy trì thương hiệu (quản lý thương hiệu) là một trong những hoạt động mang tính sống còn của doanh nghiệp (DN). Thương hiệu vừa là thước đo đánh giá mức độ thành công và vị trí của DN trên thương trường, vừa biểu thị văn hóa của DN.
Quản lý thương hiệu – yếu tố sống còn
Khách hàng tìm hiểu về các sản phẩm thuốc của Hadiphar tại chương trình giới thiệu sản phẩm.

Tuy nhiên, đến nay, hầu như các DN tại Hà Tĩnh hoặc là chưa nhận thức được vai trò quan trọng của thương hiệu, hoặc là chưa có điều kiện đầu tư xây dựng thương hiệu để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Thương hiệu - theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, “là một dấu hiệu (hữu hình hoặc vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hóa hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức”. Thương hiệu được hiểu là một dạng tài sản phi vật chất, là một cái tên gắn với một sản phẩm hoặc một nhà sản xuất. Thương hiệu ngày nay là thành tố quan trọng trong văn hóa và trong nền kinh tế.

Yếu tố hàng đầu tạo nên uy tín của DN là chất lượng sản phẩm và dịch vụ đi kèm. Ảnh: Sỹ Ngọ

Tại Hà Tĩnh, theo thống kê của Sở KH&CN, toàn tỉnh hiện có 4.530 DN đang hoạt động SXKD, 820 HTX và 55.560 hộ kinh doanh. Hầu hết các DN trên địa bàn có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực chưa cao, đa số sản phẩm của tỉnh có sức cạnh tranh thấp, chưa có chỗ đứng trên thị trường trong nước cũng như nước ngoài.

Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh - Đỗ Khoa Văn cho biết: “Hiện nay, nhận thức của các tổ chức, cá nhân về hoạt động sở hữu trí tuệ còn hạn chế nên hoạt động đăng ký bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đẩy mạnh. Đến tháng 6/2015, Hà Tĩnh có 353 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được nộp (trên tổng số hàng nghìn sản phẩm). Số liệu này cho thấy, tỷ lệ nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các nhóm lĩnh vực trên địa bàn tỉnh còn rất thấp (ngoại trừ lĩnh vực dược phẩm)”.

Thực tế đó cũng phản ánh việc xây dựng và duy trì thương hiệu chưa được các DN ở Hà Tĩnh quan tâm.

DN muốn tồn tại lâu dài thì phải nhận thức được rằng, thương hiệu mang giá trị hữu hình, là sự sống còn của DN, nó gắn chặt với sự phát triển DN và lợi nhuận mà thương hiệu mang lại là rất lớn. Đi đầu và nổi bật nhất trong ý thức xây dựng thương hiệu tại Hà Tĩnh chính là Công ty CP Dược Hà Tĩnh với nhiều sản phẩm nổi tiếng, có mặt trên thị trường trong và ngoài nước.

Ông Lê Hồng Phúc - Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi luôn nhận thức rõ, thương hiệu không phải là cái gì chung chung mà phải đi từ sản phẩm của mình, trong đó, yếu tố hàng đầu tạo nên uy tín của DN là chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ đi kèm. Để xây dựng được thương hiệu Hadiphar như ngày nay, chúng tôi phải đi từ thấp lên cao, từ nhỏ đến lớn và có chiến lược lâu dài. Từng bước, chúng tôi đã đầu tư hệ thống máy móc sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu. Nhờ đó, nhiều sản phẩm của chúng tôi như Hoàn xích hương, Mộc hoa trắng, Osezol viên sủi... đã chiếm được sự tin cậy của khách hàng trên toàn quốc”.

Với quan điểm xem lợi ích của đối tác và khách hàng là trục quay chính cho mọi hoạt động của công ty, hiện nay, thương hiệu Hadiphar đã có chỗ đứng khá vững trên thị trường dược phẩm. Ngoài 3 chi nhánh ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Thanh Hóa, sản phẩm của Hadiphar đã có mặt tại nhà thuốc của 63 tỉnh, thành và các hiệu thuốc thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng hải đảo. Đó là thành công mà chưa có DN nào tại Hà Tĩnh đạt được.

Có thể nói, trên lĩnh vực kinh doanh, thương mại, sự thành công của những thương hiệu như Hadiphar, Phú Tài Đức Group, Mitraco, Viết Hải, Hoành Sơn Group… là bài học cho nhiều DN Hà Tĩnh noi theo. Tuy vậy, thực tế cho thấy, việc xây dựng và duy trì thương hiệu đang bị phần lớn các DN bỏ ngỏ.

Hà Tĩnh là tỉnh có nhiều tiềm năng về kinh tế. Các hoạt động SXKD cũng có nhiều thuận lợi, bởi nhiều sản phẩm mang tính đặc sản. Tuy vậy, nếu các DN không xây dựng được thương hiệu và không tạo được sự khác biệt thì rất khó để cạnh tranh trên thị trường. Và rồi đây, trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, nhiều DN sẽ không tránh khỏi trường hợp bị đánh cắp thương hiệu hoặc bị đào thải.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật