Kịch, phim giải trí được ‘mổ xẻ’ trong hội thảo văn học

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hội thảo thường niên của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương chú trọng đến ảnh hưởng của tác phẩm đối với việc hình thành nhân cách con người.
Kịch, phim giải trí được ‘mổ xẻ’ trong hội thảo văn học
Tiến sĩ Đào Duy Quát (đứng) nhấn mạnh đến nhức nhối của ngành sân khấu, điện ảnh trong buổi họp báo. Ảnh: Huy Võ.

Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” diễn ra ngày 3/10 tại TP HCM. PGS - TS Đào Duy Quát nhấn mạnh: "Hội thảo năm nay tập trung làm rõ trách nhiệm của những người tạo ra nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật gây ảnh hưởng không tốt tới thẩm mỹ người xem như kịch kinh dị, phim hài nhảm".

Theo đó, nhiều tham luận được trình bày trong hội thảo, chú trọng mổ xẻ những tác động tiêu cực của nhiều tác phẩm mang tính "giật gân, câu khách, thỏa mãn nhu cầu giải trí dễ dãi của một bộ phận khán giả, độc giả". Giáo sư Hoàng Chương cho rằng nhiều tác giả kịch bản cố tình né tránh những đề tài thời sự. "Sân khấu tối đèn vắng khách vì người dân ra đường sợ đụng xe, cướp giật. Một hiện thực nhức nhối như vậy nhưng nhiều nhà viết kịch né tránh. Có người cứ gặm nhấm những trang sử đã nhàu mòn, người lại khai thác những chuyện có tính giật gân, câu khách", giáo sư phát biểu.

Tác giả Trần Trí Trắc quyết liệt phê phán các vở kịch do sân khấu tư nhân sáng tạo. Ông cho rằng: "Dòng sáng tạo tư nhân, do tự bỏ vốn đầu tư để làm nghệ thuật và phải thu hồi vốn nhanh, có lãi để trang trải mọi chi phí nên các tiết mục phần lớn là chụp giật, chắp vá, chiều thị hiếu giải trí của khán giả, thiếu tính giáo dục và thẩm mỹ".

Nhiều đại biểu trăn trở trước việc phim ảnh hiện nay chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai với nhiều tác phẩm nặng về B.L, tình dục hoặc hài dễ dãi. "Các bộ phim thu hút khán giả hầu hết là các bộ phim thuộc thể loại kinh dị, hài và hành động. Những bộ phim này chủ yếu thiên về tính giải trí nên giá trị nhân văn và những bài học về việc xây dựng nhân cách con người không nhiều. ’Đường đua’, ’Hương Ga’ hay bộ phim cấm ra rạp ’Bụi đời chợ Lớn’... cho khán giả thấy một góc khuất khác của xã hội nhưng cách kể chuyện chưa thuyết phục. Mâu thuẫn của các nhân vật chưa được đẩy tới tận cùng để khán giả phải sợ hãi. Tình cảm của các nhân vật trong phim cũng chưa được đẩy thành giá trị nhân văn cao đẹp mà chỉ là cái cớ cho hành động của nhân vật. Do đó, phim không tạo cảm xúc cho khán giả để ’thanh lọc tâm hồn’", tác giả Đào Lê Na trình bày trong tham luận.

Ngoài phim ảnh, sân khấu, các lĩnh vực khác như mỹ thuật, âm nhạc, xuất bản sách, giảng dạy văn học trong nhà trường có ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận.

Bàn về âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha bức xúc: “Các bài ca góp phần xây dựng nên nhân cách con người hôm nay thật sự thiếu vắng, ngay cả thiếu nhi vẫn phải sử dụng những bài ca của thủa trước, còn những bài ca bây giờ hết sức hiếm hoi. Âm nhạc trong thời truyền thông toàn cầu này đã bị chia lẻ ra quá nhiều hướng đi, hấp thụ nặng âm nhạc đại chúng của các nước phương Tây và châu Mỹ, buông xuôi cho giải trí. Tìm được vài ca khúc ấn tượng quả là quá thưa thớt".

Nhiều tham luận đề cập đến hiện tượng sách xuất bản tràn lan và thiếu chất lượng, giá trị văn học, giáo dục mang lại. Đại biểu Đoàn Quý Doãn chia sẻ: "Với số lượng trên 300 triệu bản sách xuất bản hàng năm, số lượng sách văn học chiếm tỷ lệ thấp, sách có giá trị cao trong việc giáo dục và xây dựng nhân cách chưa nhiều. Vẫn còn hiện tượng cho xuất bản những cuốn sách có nội dung văn hóa thấp, không hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Có cuốn sách sa đà vào vấn đề câu khách, giật gân, gây phản ứng trong xã hội".

Đại biểu thảo luận tron 3/10. Ảnh: Quỳnh Trân.

Theo đánh giá của Hội đồng khoa học, các vấn đề nhạ‌y cả‌m, điểm nóng được đề cập sôi nổi trong gần 100 bản tham luận gửi đến nhưng không phải vấn đề nào cũng được đào sâu và đưa ra phương hướng giải quyết khả khi. "Không ít tham luận còn nặng về phần miêu tả thực trạng, chưa chú ý đề cập hoặc còn đề cập mờ nhạt các giải pháp mang tính đột phá",  PGS - TS Nguyễn Hồng Vinh - chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho biết.

Hội thảo tiếp tục thảo luận và tổng kết phương hướng hành động vào ngày 4/10.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật