Những điều ít biết về tàu sân bay “khủng” bị lãng quên của Liên Xô

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nếu hạ thủy, tàu sân bay Ulyanovsk của Liên Xô sẽ là một con quái vật khổng lồ dài hơn 300m, trọng lượng 85.000 tấn và đủ sức chứa một phi đội gồm 70 máy bay các chủng loại.
Những điều ít biết về tàu sân bay “khủng” bị lãng quên của Liên Xô
Hiện tại, tàu Đô đốc Kuznetsov vẫn là tàu sân bay duy nhất của Nga, song nước này đã lên kế hoạch chế tạo mẫu hạm mới.

Được trang bị một động cơ năng lượng hạt nhân, và cùng với các tàu biển và tàu ngầm quân sự khác của Liên Xô, siêu mẫu hạm này vốn sẽ hoạt động trên biển để Hải quân Mỹ không lại gần Liên Xô.

Nhưng Ulyanovsk cuối cùng đã không được hạ thủy. Moscow không bao giờ hoàn thành dự án này do cạn ngân sách. Khi chiến tranh Lạnh kết thúc, kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng trong nhiều năm, khiến việc chế tạo tàu chiến mới là không thể. Tàu Ulyanovsk đã bị tiêu hủy tại một bãi phế liệu vào năm 1992.

Ảnh chụp hiếm của tàu Ulyanovsk tại Xưởng Đóng tàu Biển Đen.

Khung của tàu Ulyanovsk được bắt đầu dựng lên vào năm 1988, thời điểm Liên Xô đang bắt đầu đi xuống. Dự án chế tạo tàu này lớn đến mức xưởng đóng tàu khẳng định rằng họ chỉ có thể hoàn thành tàu này vào giữa những năm 1990.

Hoạt động chế tạo diễn ra tại Xưởng Đóng tàu Biển đen ở Ukraine, hay còn có tên khác là Xưởng Nam Nikolayev số 444. Đây là một nhà máy lâu đời, đã có từ thế kỷ 18 khi Hoàng thân Grigory Potemkin ký sắc lệnh năm 1789 nhằm xây dựng bến tàu mới để sửa chữa các tàu đã bị hư hại trong chiến tranh Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra. Chiến hạm Potemkin lừng danh cũng được đóng tại xưởng này.

Vào đầu thời kỳ Liên Xô, xưởng này trở thành nơi đóng tàu chiến. Vào những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, xưởng này chế tạo tàu sân bay lớp Moskva và lớp Kiev. Nhưng không loại tàu nào ở trên có thể sánh với Ulyanovsk.

Được đặt theo tên quê nhà của Vladimir Lenin, mọi bộ phận trên tàu đếu khổng lồ. Theo thiết kế, động cơ tàu sẽ gồm 4 lò phản ứng hạt nhân KN-3, loại ban đầu được dùng để lắp đặt trên các chiến hạm lớp Kirov lớn. Tàu Ulyanovsk có thể dễ dàng đạt tốc độ 30 hải lý/giờ.

Siêu mẫu hạm sẽ có ít nhất 44 phi cơ tiếm kích, bao gồm Su-33 và MiG-29 phiên bản hoạt động trên tàu sân bay. Hệ thống hỗ trợ cất cánh và hạ cánh trên tàu cũng được coi là hiện đại của thời đó. Tàu cũng sẽ có 3 thang máy, mỗi chiếc có trọng tải 50 tấn để đưa máy bay ra và vào khoang chứa rộng lớn. Ngoài ra tàu Ulyanovsk có trực thăng cho các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và phòng chống tàu ngầm.

Thủy thủ đoàn của tàu theo kế hoạch sẽ bao gồm 3.400 người, bằng một nửa số thủy thủ làm việc trên các tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ.

Lý do Liên Xô chế tạo tàu Ulyanovsk đến nay vẫn chưa rõ, nhưng theo giáo sư James Holmes thuộc Cao đẳng Hải chiến Mỹ, nước này lúc đó muốn lập nên một “vành đai xanh” để phòng ngự trên biển.

“Vành đai xanh” ở đây là sự kết hợp giữa các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không nhằm đẩy lùi tàu chiến và tàu ngầm của Mỹ. Nga có thể bảo vệ lãnh thổ của mình, đồng thời tạo nên một khu vực cho phép các tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo của mình dễ dàng hoạt động.

“Các tàu ngầm này thường biến mất trong nhiều tuần và xuống vùng nước rất sâu”, ông Holmes nói. “Siêu mẫu hạm của Liên Xô sẽ cho phép bảo vệ vùng trời và vùng biển, nhằm xua đuổi bất kỳ tàu chiến của Mỹ tiến vào các vùng biển Á - Âu”.

Ngoài ra, lòng tự hào và danh dự quốc gia cũng là một nguyên nhân để chế tạo tàu sân bay Ulyanovsk. Ông Holmes cho biết: “Trong lúc Mỹ là một siêu cường của thế giới, nếu muốn bắt kịp Liên Xô phải có cùng loại vũ khí hiện đại để chứng tỏ họ đang theo kịp đổi thủ. Đây không phải là vấn đề vai trò và chức năng của tàu. Đây là lòng tự trọng của một quốc gia”.

Nhưng đến giữa những năm 1990, tàu chiến của Nga trở nên gỉ sét, thủy thủ không được trả lương, còn Mỹ sau đó tiến vào giúp tiêu hủy các tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô.

Ông Holmes nói: “Sau cùng, nếu anh không thể bảo trì các tàu đang có, anh sẽ lấy tiền ở đâu để chế tạo siêu mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của mình, một loại tàu còn cần nhiều nhân lực hơn những tàu khác?”.

Tuy nhiên, sau nhiều năm bất ổn, Nga giờ đây đang có ý định chế tạo siêu mẫu hạm. “Hải quân Nga sẽ có một tàu sân bay”, chỉ huy Hải quân Nga là Đô đốc Viktor Chirkov cho biết. “Các bước đầu tiên đang được tiến hành”.

Các hãng thông tấn Nga khẳng định các công ty đang trong giai đoạn đầu của kế hoạch chế tạo tàu sân bay mới, có thể sẽ lớn hơn các tàu lớp Nimitz của Mỹ và có thể chứa đến 100 máy bay. Tuy vậy, nhiều chuyên gia lo ngại rằng vấn đề kinh tế cũng như chi phí bảo dưỡng và cải tiến các tàu chiến của Nga sẽ khiến nước này chưa thể chế tạo một loại tàu đắt đỏ như vậy.

Theo ông Holmes, chi phí chế tạo tàu sân bay mới của Nga có thể lên đến 8,5 tỉ USD và cần 7 năm để hoàn thành. Ông cũng khăng định rằng Nga thật sự đang theo đuổi giấc mơ có mẫu hạm mới.

Các nước lớn thường có tàu sân bay, và Nga coi mình là một quốc gia vĩ đại. Tàu sân bay sẽ là biểu tượng của sự phục hưng của đất nước với nhiều người. Đến nay, giấc mơ tàu Ulyanovsk đối với Nga vẫn còn đang dang dở.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật