Tiếng rao giữa phố thị

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Bà Ba chuối nướng“ là cái tên thân thuộc mà mọi người đặt cho bà Trần Thị Uyên (70 tuổi, nhà ở khu phố 3, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa), người đã có “thâm niên“ gần 40 năm gánh chuối nướng đi rao bán khắp các con hẻm lớn nhỏ ở thành phố Biên Hòa.
Tiếng rao giữa phố thị
Suốt 40 năm, bà Uyên (70 tuổi) gắn bó với quang gánh chuối nướng cùng với lời rao lanh lảnh dọc các con đường của Thành phố Biên Hòa.

“Ai ăn chuối nướng nước cốt dừa h...ô...n...g?”

Cứ thành thói quen, khoảng 1 giờ trưa là từ nhà gần ở xóm ga Biên Hòa, "bà Ba chuối nướng" len lỏi qua mấy con hẻm, rồi ra ngồi trước cổng trung tâm quảng trường tỉnh Đồng Nai bán cho khách đi đường với tiếng rao: “Ai ăn chuối nướng nước cốt dừa h...ô...n...g?. Ai ăn chuối nướng nước cốt dừa h...ô...n...g?”. Dĩa bánh hiện tại bà Ba bán giá 8.000 đồng, có hai trái chuối sứ lăn nếp dẻo, nướng chín phồng thơm lừng trên cái bếp than, chan rưới lên là nước cốt dừa thắng kẹo beo béo, kèm vài hạt đậu phộng, mè rang giã nhuyễn. Ăn hết xong một dĩa, người ăn cứ còn thèm thuồng muốn ăn thêm dĩa thứ hai, thứ ba, thứ tư...

Đôi quang gánh nặng vai theo từng bước chân mòn mỏi của bà Ba suốt 40 năm qua là "cần câu cơm" mưu sinh cho cả gia đình. Nhờ quang gánh chuối nướng mà bà lo chu toàn cho các con học hành tử tế, nên người. Bây giờ, ngấp nghé bước vào tuổi xế chiều rồi mà bà Ba vẫn chưa chịu buông...gánh. "Dù sao cái gánh chuối nướng này cùng với những tiếng rao của tôi đã đầy ắp những kỷ niệm buồn vui của cái thời lặn lội cuốc bộ mưu sinh. Niềm vui cuối đời của tôi chỉ đơn giản là có người còn chịu khó lắng nghe tiếng rao của tôi và ngồi nhìn mấy đứa nhỏ ăn dĩa chuối nướng một cách ngon lành mà thôi...", bà Ba tâm sự.

"Hớt tóc n...h...a ! Hớt...t...ó...c  nha!”

Nhớ hồi nhỏ nhà tôi sống trong cái xóm nhỏ ở Biên Hòa. Lâu lâu, có ông già chạy chiếc xe đạp cũ lướt qua xóm kèm tiếng rao lớn mà dứt khoát: "Hớt tóc n...h...a ! Hớt...t...ó...c  nha! ". Ba tôi đứng đầu cổng nhà, ngoắc tay mời ông già hớt tóc dạo vô nhà. Ba lôi tôi và thằng em lần lượt ngồi trên chiếc ghế đẩu cho ông già cầm cái tông- đơ bằng sắt nhọn hoắc ủi trụi lũi cái đầu.

Ba tôi bảo mùa hè nên cạo trọc cho mát. Ông già hớt tóc lầm lì làm việc mà không nói tiếng nào. Tôi nhớ nhất khi hớt tóc rồi cạo râu cho ba tôi, ổng lôi trong hộp đồ nghề một miếng da bò dày cộm để mài chiếc cạo. Tiếng va chạm của lưỡi cạo vào miếng da tạo âm thanh kèn kẹt kèn kẹt, nghe mà muốn nổi mẩn sãi.

Vậy đó, vòng xe đạp đi kèm với câu rao "Hớt tóc nha!" của ông hớt tóc dạo cứ đảo đều quanh cái xóm nghèo. Chắc có lẽ bây giờ ông lão hớt tóc đó cũng trở thành người của thiên thu. Nhưng tiếng rao và tiếng mài dao kèn kẹt của ngày xưa vẫn còn ghi đậm trong ký ức non nớt của tôi.

Những người trưởng thành thường hay tấp vô gánh chuối nướng bán dạo để còn nghe lại những lời rao bình dị, chân chất của ngày xa xưa...

Những tiếng rao vang vọng

Bây giờ khan hiếm những lời rao "sống" như thế nữa. Thời buổi công nghiệp thì con người ta phải thích nghi với hoàn cảnh. Lời rao được người đi bán thu sẵn trong băng cát sét, hay hiện đại hơn chép vô chiếc USB nhỏ xíu rồi phát ra âm thanh rao vặt vang vang huyên náo cả một góc phố. Nào là "Cóc vàng làm chà bông đây" hay "Ai tóc dài, tóc rối bán không?" hoặc "Trung tâm công nghệ hóa màu xin giới thiệu quý bà con keo dính chuột, diệt ruồi, diệt muỗi, diệt gián, không độc hại, không ô nhiễm môi trường...". Ngữ điệu của những lời rao thu sẵn này nghe cứ vô hồn, vô cốt, khó lọt lỗ tai...

Và tôi vẫn cứ thèm thuồng nghe những lời rao “sống” như của dì Tư bán chuối nướng, hay như của ông già hớt tóc dạo ngày xưa. Bởi chứa ẩn trong từng câu rao là bật ra cái nét hào sảng mà bình dị, chân chất khó lẫn vào đâu được của người ở phố...

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật