Liêu xiêu cửu vạn nhí xuyên đêm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khi Thủ đô chìm vào giấc ngủ, chợ đầu mối Long Biên giống như một thế giới khác biệt. Bên cạnh sự ồn ào, náo nhiệt của kẻ mua người bán là những em bé mưu sinh bằng nghề bốc vác, chở hàng.
Liêu xiêu cửu vạn nhí xuyên đêm
Nhiều trẻ em đẩy hàng ở chợ đầu mối Long Biên (ảnh lớn); Chị Đào Thị Như (quê ở Khoái Châu, Hưng Yên) cùng con là Lê Thị Bình ngồi nghỉ giải lao ở một góc chợ (ảnh nhỏ). Ảnh: Quang Lộc

Bốc vác thuê lấy tiền mua sách

23h đêm, tiếng còi hú, tiếng xe ô tô đổ hàng, tiếng va đập, bốc vác như xé tan màn đêm tĩnh lặng... Dưới ánh đèn cao áp, nhiều em nhỏ đang tuổi đến trường lầm lũi phụ giúp bố, mẹ anh chị đẩy những xe hàng chất đầy hoa quả cả mảng lưng, áo ướt sũng mồ hôi. Bà Nguyễn Thị Hà, người bán nước trong chợ đầu mối Long Biên cho biết, những đứa trẻ này đến từ khắp các vùng quê nghèo ở Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định… Các em đi cùng bố mẹ, anh chị trong gia đình phụ giúp việc đẩy hàng.

“Nhà em nghèo, bố mất sớm nên em chỉ học hết lớp 9 là bắt đầu đi làm thuê lấy tiền gửi về cho mẹ nuôi 2 em ăn học. Làm việc ở đây vất vả lắm, bốc vác cả đêm, người đau ê ẩm, chân tay rã rời”.

Nguyễn Văn Huy

Vừa kéo xong chuyến hàng hoa quả, chị Đào Thị Như (quê ở Khoái Châu, Hưng Yên) cùng con là Lê Thị Bình ngồi nghỉ giải lao ở một góc chợ. “Trời hôm nay oi quá, đêm rồi mà không có tý gió nào. Từ tối tới giờ hai mẹ con kéo được mấy chuyến hàng mệt bã người”, chị Như nói. Chị Như cho biết, gia đình chị quanh năm chỉ bám mấy sào ruộng ở quê nên không đủ ăn. Để có tiền nuôi con ăn học, mỗi tối chị đến chợ đầu mối Long Biên kéo hoa quả thuê cho các thương lái. “Ngày thường, con gái ở nhà đi học. Vì đang nghỉ hè nên xuống đẩy hàng giúp mẹ lấy tiền mua sách vở, quần áo chuẩn bị vào năm học mới”, chị Như nói.

Bình năm nay lên lớp 7, thâ‌n hìn‌h mảnh khảnh, đôi mắt đỏ hoe vì buồn ngủ. “Em buồn ngủ lắm, nhưng cố thức để đẩy hàng giúp mẹ. Mẹ một mình kéo xe hàng nặng không có em sẽ không lên được dốc, phải nhờ người khác đẩy hộ”, Bình nói. Mỗi tối, hai mẹ con chị Như đi nhờ theo xe tải chở hàng từ Hưng Yên lên chợ đầu mối Long Biên. Khi trời gần sáng, xe tải hết hàng, hai mẹ con ngủ nhờ ngay trên thùng xe. Sáng hôm sau, hai mẹ con lại theo xe chở hàng quay về Hưng Yên.

Cũng như Bình, Hoàng Văn Tuấn, học lớp 9 (ở Quảng Xương, Thanh Hóa) lại ra chợ Long Biên đẩy hàng mỗi đêm. “Mẹ con tôi ra Hà Nội đã được gần 2 tháng nay. Tối đến là ra chợ, ai thuê gì chở đó”, chị Trần Thị Lý, mẹ Tuấn nói. Chị Lý cho biết, xong vụ mùa ở quê nên giờ đang là thời gian rảnh rỗi. Vì thế, hai mẹ con ra làm thêm đến hết tháng 8 về cho Tuấn đi học.

Bốc vác ở chợ Long Biên, hôm được nhiều khách, kiếm được hai đến ba trăm nghìn đồng; ít chỉ được trên dưới một trăm ngàn. “Mẹ bảo là làm hết tháng này, có tiền, về quê mẹ sẽ mua sách, vở, xe đạp cho em đi học”, Tuấn nói. Đầu gối Tuấn đang băng một lớp gạc trắng vì tuần trước trong lúc đẩy hàng vì trời mưa, đường trơn nên bị ngã.

Làm cửu vạn nuôi em

Mặc chiếc áo bộ đội đã ngả màu, Nguyễn Văn Huy (17 tuổi, quê ở Hải Dương) thoăn thoắt vác những thùng hoa quả nặng cả mấy chục cân. Huy đi xiêu vẹo, lưng oằn xuống vì vác trên lưng cả bao tải hoa quả. Huy cùng nhóm bạn làm việc ở chợ được hơn 2 tháng nay. “Nhà em nghèo, bố mất sớm, em chỉ học hết lớp 9 là bắt đầu đi làm thuê lấy tiền gửi về cho mẹ nuôi 2 em ăn học. Làm việc ở đây vất vả lắm, bốc vác cả đêm, lúc nào người cũng đau ê ẩm, chân tay rã rời”, Huy kể.

Huy cho biết, lúc đầu mới lên Hà Nội em cùng bạn làm việc cho một nhà hàng ăn ở Hồ Tây. Nhưng vì lương thấp, Huy cùng bạn đến chợ đầu mối Long Biên bốc vác hoa quả.  “Bọn em làm vất vả nhưng bù lại cũng kiếm được đồng tiền gửi về cho gia đình. Bố mẹ em hay lo và thương con lắm, nếu biết em làm nghề này là bắt về ngay. Nhưng bố em mắc bệnh tiểu đường, mẹ còn phải nuôi em ăn học. Nếu em về, sẽ không có tiền cho bố mua thuốc chữa bệnh”, Hoàng Trung Đức 17 tuổi, bạn cùng làm với Huy tâm sự.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật