Nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đợt mưa lũ liên tiếp trong những ngày vừa qua đã làm cho các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh lây lan và bùng phát sau mưa lũ, ngày 3/8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện an toàn thực phẩm và vệ sinh phòng bệnh.
Nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ
Y tế các địa phương nhanh chóng vào cuộc xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ.

Các cơ quan y tế kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm; bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để cấp cứu, thu dung, điều trị người bệnh kịp thời.

Lo nguồn nước sạch cho dân

Ông Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong thời gian mưa lũ, Sở Y tế đã tập trung huy động tất cả các thành viên trong Ban Giám đốc và các phòng, ban chuyên môn có mặt tại các hiện trường nơi xảy ra thiên tai để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc các đội y tế tích cực phối hợp tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ, phân luồng vận chuyển nạn nhân nhanh chóng, kịp thời.

Cùng đó, thực hiện xử lý vệ sinh môi trường (VSMT), phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Khó khăn nhất hiện nay là tình trạng lụt xảy ra trên diện rộng, bên cạnh đó mưa vẫn chưa chấm dứt, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Nguy cơ thiếu nước sạch đang là nỗi lo lớn, dự kiến đến ngày 5/8 mới có thể giải quyết được. Hiện tỉnh đã dùng xe téc để chở nước phục vụ người dân, tuy nhiên chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu dùng nước sạch của người dân. Ngay cả bệnh viện (BV) tỉnh cũng nằm trong tình trạng khan hiếm nước phục vụ bệnh nhân. Ngành y tế Quảng Ninh đang phải đối mặt với nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất lớn. Tuy vậy, công tác thường trực cấp cứu luôn được ngành y tế tổ chức ứng trực 24/24 giờ, đã huy động 22 đội cấp cứu lưu động, xe cứu thương tham gia phục vụ cho việc tìm kiếm, sơ cấp cứu và vận chuyển người bị nạn.

Duy trì công tác thường trực 20 đội chống dịch để xuống các địa phương tích cực phát hiện các ổ dịch để dập dịch. Bên cạnh đó, ngành y tế đặc biệt quan tâm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, liên tục phát sóng với tần suất dày và liên tục về việc hướng dẫn người dân trong việc thực hiện các quy trình phòng chống dịch bệnh, VSMT.

Cùng đó, ngành y tế đã giao cho các trung tâm y tế, các trạm y tế xuống từng khu dân cư, tổ dân phố, cùng với các khu trưởng, tổ trưởng với các đoàn thể của khu, trực tiếp hướng dẫn pha chế chloramine B để khử khuẩn nguồn nước, thực hiện các biện pháp xử lý VSMT ngay sau khi nước rút; tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc hó‌a chấ‌t để xử lý xác động vật tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm. Liên quan đến công tác VSMT sau lũ, ông Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ninh cho biết, công tác dự phòng sau lũ lụt được tập trung vào các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, các bệnh ngoài da,... Về hó‌a chấ‌t, hiện ngành y tế Quảng Ninh có số lượng dự trữ khoảng 3 tấn chloramine B bột, hiện đã sử dụng hết 1,2 tấn, nếu tình hình mưa lũ kéo dài số lượng trên sẽ phải sử dụng hết và phải xin thêm nguồn bổ sung của Bộ Y tế.

Mưa lũ vẫn hoành hành tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Theo số liệu báo cáo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai thiệt hại tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Quảng Ninh, Bắc Giang,... mưa lũ từ ngày 1/8 đến 19 giờ ngày 2/8 đã làm thêm 6 người chết (nâng tổng số lên 23 người chết trong đợt mưa lũ vừa qua). Mưa lũ cũng làm hơn 3.500 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập nước; 8.776ha lúa và 852ha hoa màu bị ngập, thiệt hại; gần 11.600 gia súc, gia cầm bị chết; 10.871m kênh mương bị thiệt hại; 88 công trình thủy lợi nhỏ bị hư hỏng. Đến 12 giờ ngày 4/8, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, đợt mưa lũ lịch sử đã khiến toàn tỉnh thiệt hại 2.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, gần 10.000 căn nhà tại Quảng Ninh bị đổ sập hoàn toàn, hư hỏng nặng và ngập lụt trên 1m; gần 4.000ha lúa, hoa màu và gần 1.200ha nuôi trồng thủy hải sản bị ngập, hơn 2.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi... Về lương thực, thực phẩm, Quảng Ninh khẳng định sẽ không để xảy ra thiếu hụt nguồn hàng cung cấp cho người dân. Tính đến nay, toàn tỉnh có 17 người chết và theo dự đoán con số thiệt hại sẽ còn tăng cao do chưa thống kê đầy đủ, đặc biệt là thiệt hại của các hộ gia đình. Hưởng ứng thư kêu gọi của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh, tính đến nay đã có 229 cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia ủng hộ với số tiền gần 58 tỷ đồng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật