Người Hi Lạp rầu rĩ về tương lai đất nước

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các cuộc tiếp xúc phút chót giữa Hi Lạp và châu Âu đã diễn ra hôm qua 30-6 nhằm đạt được thỏa thuận về các điều khoản giải cứu Athens trước thời điểm chương trình cứu trợ cho Hi Lạp hết hạn.
Người Hi Lạp rầu rĩ về tương lai đất nước
Ảnh minh họa

Hôm qua 30-6, văn phòng thủ tướng Hi Lạp cho biết Athens đã gửi cho các nước chủ nợ một bản đề xuất thỏa thuận giải cứu 2 năm để trang trải các nhu cầu tài chính, đồng thời kêu gọi tái cấu trúc nợ. Đây được coi là nỗ lực cuối cùng của Athens để tháo gỡ thế bế tắc với các chủ nợ.

“Hi Lạp vẫn duy trì tại bàn đàm phán” - tuyên bố của văn phòng thủ tướng nói và cho biết thêm Athens luôn tìm kiếm một giải pháp khả thi để ở lại trong khối đồng euro.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã đưa ra lời đề nghị phút chót để thuyết phục Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras chấp nhận thỏa thuận về giải cứu.

Các nguồn tin từ EU và Athens nói ông Juncker đã đề xuất tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với sự tham gia của các bộ trưởng tài chính khối đồng euro để phê chuẩn gói giải cứu nhằm ngăn chặn Hi Lạp vỡ nợ.

Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nếu ông Tsipras có thư viết tay chấp nhận điều kiện của các nước chủ nợ để đổi lại việc được cứu trợ. Đồng thời ông Tsipras cũng phải đồng ý vận động cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 5-7 theo hướng có chấp nhận điều kiện của gói giải cứu.

Bằng mọi cách ở lại khối

Sau lời đề xuất, không có dấu hiệu ông Tsipras sẽ chịu lùi bước trước yêu cầu của châu Âu, điều mà ông cho là sẽ làm bẽ mặt Hi Lạp. Hồi tháng 1, ông Tsipras lên nắm quyền sau khi hứa hẹn sẽ chấm dứt các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Các quan chức Hi Lạp nói chính phủ sẽ không thể trả món nợ 1,6 tỉ euro (1,78 tỉ USD) cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) theo thời hạn 30-6. Và nếu điều này xảy ra, tổng giám đốc IMF Christine Lagarde sẽ lập tức thông báo vào cuối giờ làm việc ngày 30-6 (theo giờ Washington, Mỹ - rạng sáng 1-7 giờ Việt Nam) rằng Hi Lạp “thiếu nợ”, một cách nói tránh việc vỡ nợ.

Trong khi đó, nhật báo Kathimerini của Hi Lạp hôm 30-6 đưa tin văn phòng thủ tướng nước này đang xem xét các đề xuất phút chót của EC, bao gồm cả việc giãn nợ đến tháng 10.

Một quan chức Hi Lạp cho biết các cuộc tiếp xúc giờ chót đang diễn ra giữa Athens và EU nhằm đạt được một thỏa thuận về các điều khoản giải cứu. Ông Tsipras hôm 29-6 đã tìm cách trấn an những lo lắng với tuyên bố vẫn mở cửa cho việc đàm phán.

Theo AFP, ông nói rằng cuộc trưng cầu ý dân ngày 5-7 sẽ khiến đất nước “được vũ trang tốt hơn” trong cuộc chiến với thỏa thuận về nợ. Ông Tsipras nói: “Làm sao các chủ nợ có thể trông đợi việc trả tiền cho IMF trong khi các ngân hàng của chúng ta chết ngạt?”.

Chết từ từ 
hay chết ngay?

Hàng chục ngàn người ở Hi Lạp đã tuần hành trên đường phố Athens ủng hộ chính phủ đêm 29-6. Họ đổ lỗi các chủ nợ đã đẩy đất nước vào những năm suy thoái đau thương bằng cách yêu cầu thắt lưng buộc bụng. Trước các máy rút tiền bên trong và bên ngoài siêu thị, người ta xếp hàng rồng rắn hàng giờ để rút tiền giữa những lo sợ nguồn cung nhiên liệu và thuốc men sẽ bị cắt đứt. Hiện nay họ chỉ rút được tối đa 60 euro (66 USD)/ngày .

Một quản lý văn phòng tên Maria rầu rĩ: “Tôi có cảm tưởng mình sắp bỏ phiếu cho việc chết ngay tức khắc hay chết từ từ. Tôi cảm tưởng như cuộc chơi đã kết thúc”. Một người dân Athens 50 tuổi, bà Evgenia Gekou, nói trên đường đi làm: “Không thể tin được. Tôi vẫn giữ ý nghĩ rằng sáng hôm sau chúng tôi thức dậy và mọi việc vẫn ổn. Tôi đang cố gắng không lo lắng”.

Theo Reuters, Hi Lạp đã nhận gần 240 tỉ euro từ các gói giải cứu của EU và IMF từ năm 2010. Bộ trưởng tài chính Varoufakis cho rằng Athens chẳng được lợi lộc gì từ số tiền này. Thay vào đó, theo ông, phần lớn số tiền dùng để trả nợ cho các ngân hàng Đức và Pháp, những nơi đã cho các chính quyền trước đây của Hi Lạp vay số tiền lớn một cách thiếu thận trọng. Nền kinh tế Hi Lạp đã sụt giảm hơn 25% kể từ năm 2009 với tỉ lệ thất nghiệp tăng trên 25% .

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật