IMF tuyên bố Hi Lạp vỡ nợ

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 30-6, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định Hi Lạp đã không thể trả khoản nợ 1,5 tỉ Euro theo đúng kỳ hạn vay của nước này.
IMF tuyên bố Hi Lạp vỡ nợ
Ảnh minh họa

Theo Reuters, như vậy là Hi Lạp đã trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển đầu tiên trên thế giới không thể trả nợ IMF đúng hạn. Khoản tiền mà Hi Lạp phải khất nợ cũng là mức nợ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của IMF.

Đồ họa: Việt Anh/RT

Trong thông báo công bố trên website của IMF, ông Gerry Rice, phát ngôn viên của IMF cho biết Hi Lạp sẽ chỉ được phép tiếp nhận các khoản vay khác của IMF trong điều kiện đã thanh toán xong khoản nợ vừa đáo hạn này.

Trong khi đó, bất chấp việc chính phủ đặt ra những giới hạn với hoạt động ngân hàng, các máy ATM ở Hi Lạp vẫn hết sạch tiền.

Chủ nhật tuần này (5-7) Hi Lạp sẽ tiến hành bỏ phiếu trưng cầu ý dân về đề xuất gói nợ gần đây nhất của các chủ nợ châu Âu.

Chính phủ kêu gọi người dân nói “không” trong lá phiếu của họ, tuy nhiên hơn 10.000 người Hi Lạp đã ủng hộ việc nói “có” trong cuộc tuần hành tại thủ đô Athens ngày hôm nay bất chấp mưa dông.

Cũng theo người phát ngôn IMF, vào phút chót Hi Lạp đã đề nghị xin được kéo dài thêm thời gian trả nợ, tuy nhiên ban lãnh đạo tổ chức này sẽ xem xét vấn đề “vào một thời điểm thích hợp”.

Chỉ vài giờ trước thời điểm Hi Lạp phải thanh toán khoản nợ với Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) và hết thời gian giãn nợ, thủ tướng nước này đã tiếp tục gửi đi một đề nghị vay nợ khác.

Theo QZ, bức thư ông Alexis Tsipras gửi tới Bộ trưởng tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem và cũng là Chủ tịch Eurogroup (Nhóm các Bộ trưởng tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu) đề xuất nguyện vọng được vay 29,1 tỉ euro (32,5 tỉ USD) trong 2 năm để trang trải các khoản nợ công của nước này.

Thủ tướng Hi Lạp cũng yêu cầu phải cấu trúc lại các khoản nợ hiện có của Hi Lạp đồng thời xem xét nới rộng thêm các thỏa thuận giãn nợ hiện tại “để đảm bảo tránh các sai sót kỹ thuật có thể phát sinh”. Thực tế, thời gian trả nợ của Hi Lạp đã được nới thêm hai lần trong 6 tháng qua.

Ông Dijsselbloem sẽ phải tức tốc triệu tập cuộc họp khẩn với thành viên trong Eurogroup để bàn bạc về đề xuất của thủ tướng Hi Lạp. Nhưng căn cứ vào nhiều lẽ trong tình hình hiện tại, đề xuất của ông Alexis Tsipras không dễ được chấp nhận.

Vả lại, dù thế nào đi nữa, việc chấp nhận một thỏa thuận cho vay mới sẽ cần phải được tiến hành bỏ phiếu giữa các thành viên trong Eurozone, quan trọng nhất là lá phiếu của Đức. Chẳng cần nói thì ai cũng biết việc này không thể có kết quả ngay trong vòng vài tiếng đồng hồ.

Trên thực tế, thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã nói sẽ không có chuyện xem xét nào về gói nợ mới trước ngày Hi Lạp tổ chức bỏ phiếu trưng cầu ý dân ngày 5-7 về gói thỏa thuận cứu trợ trước đó.

Khi ông Tsipras bất ngờ kêu gọi người dân bỏ phiếu vài ngày trước, mọi công tác đàm phán liên quan tới vấn đề nợ nần của Hi Lạp bị đình lại. Các chủ nợ của Hi Lạp đã từ chối yêu cầu được giãn nợ của ông Tsipras lúc trước, và có lẽ họ sẽ tiếp tục làm như vậy trong lần này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật