Truyện tranh Việt loay hoay tìm hướng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Truyện tranh Việt Nam thời gian gần đây mặc dù đã được chú ý đến nhiều hơn nhưng vẫn “lép vế” so với truyện tranh Nhật Bản trên thị trường
Truyện tranh Việt loay hoay tìm hướng
Ảnh minh họa

So với truyện tranh Nhật Bản, truyện tranh Việt Nam vẫn mang nặng tính giáo huấn nên chưa thực sự hấp dẫn trẻ nhỏ.

Truyện tranh Nhật Bản: Người lớn cũng thích

Trong buổi giao lưu giữa Bảo tàng Mỹ thuật Azumino Chihiro với họa sĩ Nhà xuất bản Kim Đồng vừa được tổ chức tại Hà Nội, bà Takesako Hyuko - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Azumino Chihiro cho biết, trước đây, truyện tranh Nhật Bản cũng bị lép vế so với thể loại văn học dành cho người lớn.

Vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, các họa sĩ vẽ tranh truyện Nhật Bản, các biên tập viên, Nhà xuất bản… đã nghĩ đến việc phối hợp với nhau để cải tiến, phát triển truyện tranh thiếu nhi, để nó có vị trí xứng đáng trong dòng văn học. Truyện tranh Nhật Bản bắt đầu được trau chuốt về ngôn ngữ, hình vẽ thể hiện cũng ngày một sinh động hơn, cộng thêm với kỹ thuật in ấn hiện đại khiến truyện tranh Nhật Bản ngày một bắt mắt và thu hút không chỉ các em thiếu nhi mà cả người lớn tuổi.

Có thể nói, truyện tranh Nhật Bản thực sự phát triển mạnh khi tác phẩm mèo máy Đôrêmon của  họa sĩ Osamu Tezuka ra đời, đặt nền móng cho trường phái truyện Manga lừng danh toàn cầu. Tập truyện này đã được Nhà xuất bản Kim Đồng mua bản quyền phát hành tại Việt Nam vào những năm đầu thập niên 90 và khi đó một cơn sốt truyện tranh Nhật Bản bùng nổ. Chỉ trong vòng 3 năm, hơn 100 tập của Đôrêmon được in với con số gần 50 triệu bản đã được bán sạch! Một kỷ lục về phát hành truyện tranh tại Việt Nam mà chưa một quyển sách nào phá vỡ được.

Thành công của Đôrêmon khiến các “lão làng” trong ngành xuất bản là Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng nhảy vào cuộc. Họ mua bản quyền, dịch lời Việt, in ấn phát hành những bộ truyện tranh khác của Nhật Bản như: Bảy viên ngọc rồng, Thám tử Conan, Bác sĩ Black Jack…

Bà Takesako Hyuko chia sẻ, để tạo ra được những truyện tranh hấp dẫn, người viết kịch bản phải là người rất am hiểu tâm sinh lý trẻ nhỏ, phải dành nhiều thời gian, công sức để thâm nhập vào thế giới của trẻ để hiểu được trẻ muốn gì, có suy nghĩ như thế nào, có ước mơ ra sao, từ đó tìm ra cách thể hiện, cách diễn đạt phù hợp với lứa tuổi, dẫn dắt câu chuyện phù hợp với tâm sinh lý trẻ, không áp đặt suy nghĩ chủ quan của người lớn. Kết thúc truyện là kết thúc mở để khơi dậy trí tưởng tượng của các em, khơi dậy ham muốn được tìm tòi, khám phá. Những tác phẩm truyện tranh Nhật Bản hay là những tác phẩm đã làm được điều này.

Truyện tranh Việt Nam: Chưa chuyên nghiệp

Hoạ sĩ Gerald Goridge, giáo viên Khoa Truyện tranh Trường ĐH Hình ảnh Angouleme (Pháp), người đã từng tham gia giảng dạy cho các họa sĩ Việt Nam cho rằng, truyện tranh Việt Nam mới manh nha hình thành,  cái gọi là tranh truyện (minh họa câu chuyện đã có) chứ chưa thể hoàn chỉnh một tác phẩm truyện tranh (có kết cấu mạch lạc theo từng tập kéo dài) đúng nghĩa. Cách làm truyện tranh Việt Nam cũng chưa thể hiện tính chuyên nghiệp. Cách làm truyền thống của Việt Nam là nhà xuất bản giao kịch bản cho họa sĩ và hoạ sĩ thể hiện, vẽ tranh theo cốt truyện, thể hiện các ý tưởng của kịch bản sau đó đưa lại cho NXB duyệt chứ không thể tự sáng tác cốt truyện.

Chính họa sĩ Tạ Huy Long - NXB Kim Đồng -  cũng thừa nhận, cách tổ chức làm truyện tranh ở ta chưa chuyên nghiệp, kỹ năng viết kịch bản còn yếu, truyện tranh Việt Nam vẫn mang nặng tính giáo huấn nên chưa thực sự hấp dẫn trẻ nhỏ. Các họa sĩ vẽ truyện tranh Việt Nam hiện nay chưa được đào tạo bài bản. ở các trường mỹ thuật, sinh viên được học về truyện tranh chỉ mang tính “tham khảo” chứ chưa thành một môn học, hay khoa tranh truyện như nhiều nước khác trên thế giới. Những họa sĩ vẽ truyện tranh hiện nay phần lớn đều coi đây là nghề tay trái nên họ chưa dành thời gian, tâm huyết với nghề.

Thời gian gần đây, họa sĩ vẽ truyện tranh còn bị cuốn theo thị trường, họ dùng máy tính để vẽ, chạy theo số lượng nên chất lượng không đảm bảo. “Máy tính chỉ nên dùng bổ trợ chứ vẽ hoàn toàn bằng máy tính thì không thể có cảm xúc như vẽ tay được. Nếu người vẽ tranh không có cảm xúc thì tranh không thể có hồn, không thể hấp dẫn người xem.” - họa sĩ Tạ Huy Long tâm sự.

Khắc phục tình trạng truyện tranh Việt Nam thiếu kịch bản hay, thời gian gần đây, NXB Kim Đồng đã dựa vào những câu chuyện lịch sử để cho ra đời những tập truyện tranh lịch sử: Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Lý Công Uẩn, Lê Đại Hành, Ngô Quyền, Bà Triệu, Yết Kiêu - Dã Tượng… được các em nhỏ đón đọc.

Tuy nhiên, vẽ truyện tranh lịch sử khó hơn nhiều so với truyện tranh đời sống. “Khó khăn lớn nhất là nguồn tư liệu để khai thác và tính xác thực của các chi tiết lịch sử. Đôi khi tôi cũng bị chững lại trước những “khoảng trống” của lịch sử vì không có tư liệu xác thực...”- Tạ Huy Long chia sẻ./.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật