‘Made in Việt Nam’ có thực sự là hàng Việt Nam?

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sự kiện ra mắt ầm ĩ của Bphone – nhãn hiệu điện thoại di động đầu tiên của công ty Bkav – đã dẫn đến những luồng tranh luận trái chiều, trong đó ý kiến bênh vực không ít với lý luận: người Việt nên ủng hộ và lấy làm tự hào vì đó là chiếc phone “made in Việt Nam” đầu tiên. Phải chăng sản phẩm “made in Việt Nam” nào cũng đáng mua?
‘Made in Việt Nam’ có thực sự là hàng Việt Nam?
Ảnh minh họa

Những ngày sống ở nước ngoài, cứ mỗi lần nhìn thấy một sản phẩm nào đó “made in Việt Nam” là tôi lại ồ lên sung sướng. Một lần vào siêu thị thời trang ở Mỹ, muốn mua một cái ba lô, tôi săm soi từng cái một cốt tìm sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam. Rồi cuối cùng giữa hàng đống ba lô “made in China”, tôi cũng tìm thấy một cái “made in Việt Nam” với giá đắt nhất nhưng tôi cũng quyết định mua. Điều đáng tiếc là chiếc ba lô đó được may gia công ở Việt Nam theo đơn đặt hàng của một nhãn hiệu đồ thể thao nổi tiếng của Mỹ chứ không phải mang nhãn hiệu của người Việt. Tuy vậy, thấy hàng hóa gia công sản xuất ở nước mình đi khắp thế giới cũng đã là một cảm giác hạnh phúc khi ở xứ người.

Về Việt Nam, tôi vẫn thường nghe hô hào “người Việt dùng hàng Việt” như một khẩu hiệu cổ xúy tinh thần yêu nước. Tuy nhiên, sự chọn lựa của người tiêu dùng không dễ dàng được định hướng bằng khẩu hiệu. Về mặt nông sản - rau quả - thực phẩm, chúng ta đang chứng kiến sự thắng thế của những sản phẩm nuôi trồng hay chế biến ở trong nước. Người tiêu dùng quá sợ hãi nông sản – rau quả - thực phẩm Trung Quốc nên ngày càng kỹ lưỡng hơn về nguồn gốc xuất xứ: cứ phải trồng hoặc chế biến ở Việt Nam mới an tâm mua.

Mặt khác, hàng thời trang – bao gồm quần áo, giày dép - đang chiếm lĩnh thị trường, cũng là “made in Việt Nam”, cho dù đa số sản phẩm đều sử dụng nhãn hàng hiệu của nước ngoài và quảng bá là “hàng xuất khẩu dư”. Niềm tin vào chất lượng của hàng thời trang sản xuất ở Việt Nam cộng với cái giá dễ mua khiến người ta tạm quên đi nỗi nghi ngờ nhãn hiệu là thật hay giả. Không có con số thống kê nhưng rõ ràng sự xuất hiện phổ biến của những shop “hàng Việt Nam xuất khẩu” từ đường hẻm đến mặt phố đã khẳng định sự tin dùng của khách hàng vào những sản phẩm thời trang “made in Việt Nam”.

Ngoài hai nhu cầu cơ bản là ăn và mặc với thiên hướng chuộng hàng trong nước, người Việt có xu hướng sắm các loại đồ dùng giá trị cao khác như xe máy, ô tô, đồ điện tử - điện gia dụng, hóa mỹ phẩm, thiết bị công nghệ số….mang nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài như một bảo chứng về sự an toàn khi sử dụng. Tâm lý này cũng dễ hiểu bởi những mặt hàng này đều chưa có nhãn hiệu uy tín thuần Việt – theo nghĩa người Việt sáng tạo và thiết kế, chứ không chỉ gia công sản xuất ở Việt Nam hay đặt hàng nước ngoài sản xuất.

“Made in…” giờ đây đơn thuần chỉ là nơi sản xuất ra sản phẩm đó mà thôi. Quan trọng hơn cả là nhãn hiệu và người chủ đã sáng tạo ra kiểu dáng và định hình chất lượng của sản phẩm đó!

Thời buổi toàn cầu hóa, đâu phải cứ “made in Việt Nam” đều là sản phẩm của Việt Nam. Điều chứng tỏ là có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới chọn Việt Nam làm nơi sản xuất. Dù có dòng chữ “made in Việt Nam” trên sản phẩm, mọi người vẫn hiểu xe Honda hay Toyota là nhãn hiệu của Nhật, điện thoại Samsung là nhãn hiệu Hàn Quốc và giày Nike là nhãn hiệu của Mỹ!

Mặt khác, không phải cứ “made in China” là hàng kém chất lượng, không đáng mua. Khi mua iPhone, iPad…người ta đều biết những thiết bị số đó được sản xuất ở Trung Quốc. Người ta mua vì Apple là thương hiệu nổi tiếng của Mỹ - người cha đẻ sáng tạo ra phần mềm iOS khiến nền công nghệ số có trước đó của thế giới phải thay đổi theo.

Vì thế, nếu lấy niềm tự hào sản phẩm đó “made in Việt Nam” và cho rằng người Việt Nam phải mua phải ủng hộ thì e rằng quá chủ quan. Với lượng thông tin ngồn ngộn trên mạng và sự xuất hiện của nhiều diễn đàn mạng, giờ đây người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra và so sánh sản phẩm này với sản phẩm khác, không đợi nhà sản xuất hướng dẫn hay dẫn dụ công chúng bằng chiến dịch thông tin tiền tỉ! Hô hào người Việt dùng hàng Việt không khéo lại dung túng cho những sản phẩm nhái hoặc kém chất lượng – chỉ có vỏ mà không có chất!

Văn hóa của một doanh nghiệp thể hiện rõ qua cách PR quảng bá sản phẩm hay bằng chiến lược marketing. Vì sao dạo gần đây những loạt phim ngắn về tình gia đình hay cách ứng xử trong cuộc sống của các nhãn hàng quốc tế tại Việt Nam hoặc Thái Lan luôn lấy được cảm xúc của người xem? Dù chưa dùng qua sản phẩm hoặc dịch vụ của nhãn hàng đó, người xem chắc chắn sẽ ghi nhớ tên và sẽ không ngần ngại thử khi có dịp.

Bkav đã phạm sai lầm khi thiết kế sân khấu ra mắt sản phẩm không thoát khỏi cái bóng của người khổng lồ Apple – cũng kiểu cách ấy, khung cảnh ấy - mà không tạo ra sự khác biệt. Na ná, tương tự…..là điều người xem còn nhớ được trong đầu mình sau buổi ra mắt Bphone. Và thay vì tự hào, một chút chua chát thoáng qua khi tự hỏi vì sao một số doanh nhân Việt lại chỉ ghi được dấu ấn trong lòng khách hàng Việt về sự tự mãn, chứ không phải là một sự háo hức chờ mong được khám phá sản phẩm của họ?

Ami Nguyễn *

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo đang sống và làm việc ở TP HCM.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật