IHS: 58 tỷ USD vũ khí sẽ được triển khai ở Biển Đông

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đông Nam Á đang mạnh tay chi tiêu nâng cao năng lực hải quân và bảo vệ bờ biển khi căng thẳng ở Biển Đông gia tăng. Khi sức mạnh quân sự gia tăng, nguy cơ đối đầu tại vùng biển này càng khó kiểm soát.
IHS: 58 tỷ USD vũ khí sẽ được triển khai ở Biển Đông
Hải quân Australia đi lại gần tàu khu trục nhỏ HMAS Perth lớp Anzac của nước này thả neo tại Singapore.

Theo tạp chí IHS Janes Defence Weekly, mức chi tiêu quốc phòng hàng năm tại khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 52 tỷ USD vào năm 2020. Còn trong năm nay, con số này dự đoán vào khoảng 42 tỷ USD.

Ngoài ra, trong vòng 5 năm tới, 10 quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ chi 58 tỷ USD để mua các trang thiết bị quân sự mới đặc biệt là vũ khí hải quân. Và phần lớn số vũ khí mới sẽ được triển khai tới các khu vực bên trong và xung quanh Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang đẩy nhanh tốc độ khai hoang, bồi đắp và xây dựng trái phép bất chấp sự phản đối của các quốc gia láng giềng châu Á.

Hành động phi lý của Trung Quốc cũng đã đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington trở nên căng thẳng. Mới đây, Mỹ còn điều một chiếc máy bay giám sát tới gần khu vực các hòn đảo mà Trung Quốc đang cải tạo trái phép trên Biển Đông.

Máy bay giám sát P-8A Poseidon của Mỹ ghi lại hình ảnh Trung Quốc cải tạo trái phép tại bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trong khi đó, lâu nay, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích Biển Đông, một trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới với tổng giá trị thương mại hàng năm đạt 5 ngàn tỷ USD. Biển Đông cũng là vùng biển mà cả Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei có tuyên bố chủ quyền.

"Khi năng lực hải quân mở rộng, điều đó có nghĩa là sức mạnh tấn công của các lực lượng quân sự ở Đông Nam Á sẽ gia tăng. Nếu như căng thẳng leo thang, một cuộc chiến đẫm máu có thể xảy ra", Reuters dẫn lời Tim Huxley, Tổng Giám đốc viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở châu Á.

Ngoài tăng cường năng lực hải quân để đối phó với việc Trung Quốc mở rộng bành trướng trên Biển Đông, chính phủ các nước Đông Nam Á cũng đặc biệt quan tâm tới nạn hải tặc, buôn lậu hàng hóa và buôn người. Theo đó, lực lượng hải quân Malaysia và Indonesia đã được điều động tham gia công tác tìm kiếm hàng ngàn người di cư chủ yếu từ Myanmar và Bangladesh, được cho đã thiệt mạng khi lênh đênh trên biển.

Mặc dù, có hẳn một danh sách dài các trang thiết bị hải quân cần mua song ngân sách quốc phòng của các nước Đông Nam Á lại chỉ có hạn ngoại trừ Singapore.

"Nhiều quan chức quân sự cho biết họ vẫn đang phải sửa chữa và sử dụng các thiết bị đáng lẽ đã được thay mới từ 10 năm trước", một quan chức giấu tên phát biểu bên lề IMDEX, cuộc triển lãm quốc phòng hàng hải quốc tế diễn ra tại Singapore hồi tuần trước.

IMDEX đã cho trưng bày hàng loạt tàu chiến, vũ khí, khí tài biển tân tiến, với sự tham gia của hơn 180 công ty và phái đoàn đến từ Mỹ, châu Âu, Israel cùng nhiều khu vực khác ở châu Á.

Chạy đua vũ trang

Nguồn tin quân đội Indonesia cho hay chính phủ của tân Tổng thống Joko Widodo đang tập trung vào quốc phòng hàng hải song Indonesia sẽ cần thời gian dài để hoàn thiện.

Theo chuyên gia an ninh Richard Bitzinger tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore, sau khi Singapore đóng 6 chiếc tàu chiến đa năng lớp Formidable với sự hỗ trợ của nhà thầu quốc doanh DCNS của Pháp, nhiều nước cũng đã thực hiện mô hình hợp tác này.

Điển hình, Malaysia đã đặt hàng 6 tàu hộ tống trị giá 2,5 tỷ USD với DCNS. Còn Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đang tiến hành thảo luận với các nhà cung cấp Nga và châu Âu.

Tuy nhiên, tàu ngầm vẫn là khí tài được các nước Đông Nam Á đặt mua nhiều nhất. Khi mà Việt Nam hiện đang sở hữu 3 trong 6 chiếc tàu ngầm tấn công lớp Kilo đặt mua của Nga.

Dù có 4 chiếc tàu ngầm đã qua sử dụng, Singapore vẫn mua thêm 2 chiếc tàu ngầm mới từ công ty Hệ thống hàng hải ThyssenKrupp Marine của Đức. Còn Indonesia đã đặt mua 3 chiếc tàu ngầm từ tập đoàn đóng tàu Daewoo của Hàn Quốc.

"Sự phát triển của lực lượng tàu ngầm cho thấy hải quân các nước đang lo lắng về năng lực tấn công trên biển trong khu vực", Reuters dẫn lời nhà phân tích cấp cao tại IHS Janes, ông Rukmani Gupta.

Ngoài ra, số lượng đơn đặt hàng mua các tàu tấn công có thể chuyên chở xe tăng, trực thăng, binh sĩ và tham gia sứ mệnh tìm kiếm và cứu nạn cũng đã tăng đáng kể. Theo đó, tập đoàn Thiết kế ST của Singapore đang cho đóng 4 tàu lớp Endurance cho hải quân Singapore và một chiếc cho Thái Lan. Trong khi, Indonesia và Philippines cũng đang hy vọng trang bị các tàu này cho hạm đội quốc gia.

"Các tàu đa chức năng có thể tham gia nhiều sứ mệnh khác nhau. Đây là những con tàu lý tưởng cho lực lượng hải quân Đông Nam Á vốn chỉ có ngân sách quốc phòng eo hẹp nhưng yêu cầu thì nhiều", ông Huxley nói.

Tới cuối năm nay, Philippines hy vọng sẽ nhận được 10 chiếc tàu tuần tra bờ biển do Nhật Bản sản xuất. Tokyo cũng đang cung cấp các tàu tuần tra hải quân đã qua sử dụng cho Việt Nam.

Ngoài ra, mặt hàng máy bay cánh nâng cố định, trực thăng và máy bay không người lái nhằm cải thiện năng lực tuần tra trên biển, cũng đang nhận được sự quan tâm từ các nước Đông Nam Á.

Hồi đầu năm nay, trong triển lãm quốc phòng Malaysia, hãng Boeing đã chào bán chiếc máy bay tuần tra hàng hải, trang bị hệ thống radar và cảm biến như trên các máy bay P-8 Poseidon nhưng không có năng lực chống ngầm.

"Khi hải quân các nước Đông Nam Á tăng khả năng chiến đấu hiện đại, bất cứ cuộc xung đột nào trong vùng cũng sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn, căng thẳng hơn và mức độ tàn phá khủng khiếp hơn", Bitzinger nhấn mạnh.

Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật