Indonesia cấm phụ nữ giúp việc tới Trung Đông

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chính quyền Jakarta sẽ ngưng chương trình đưa người giúp việc nhà sang 21 nước Trung Đông, nhằm bảo vệ “phẩm hạnh và lòng tự tôn quốc gia”, sau khi nhiều phụ nữ Indonesia bị ngược đãi ở các quốc gia vùng Trung Đông.
Indonesia cấm phụ nữ giúp việc tới Trung Đông
Lao động Indonesia được dạy giúp việc trong một lớp ở Jakarta (Indonesia) trước khi đi làm -

Theo báo Jakarta Post, Bộ trưởng nguồn nhân lực Indonesia Hanif Dhakiri cho biết lệnh cấm sẽ áp dụng cho những lao động giúp việc nhà người Indonesia muốn làm việc cho cá nhân và gia đình ở các nước Trung Đông. Lệnh cấm này không hạn chế đối với lao động làm việc cho doanh nghiệp ở các nước. Lệnh cấm sẽ chính thức có hiệu lực sau ba tháng xem xét.

“Chính phủ có quyền cấm lao động đến làm việc ở những quốc gia khác, nếu như những công việc đó được xem là làm giảm giá trị con người và lòng tự tôn của quốc gia” - ông Dhakiri nói tiếp.

Bộ Nguồn nhân lực Indonesia cho biết thêm rằng chủ sử dụng lao động ở các nước Trung Đông thường không cho người giúp việc Indonesia về nước dù hợp đồng đã hết hạn và trả tiền lương chỉ 200 USD/tháng.

Hầu hết lao động giúp việc nhà Indonesia đều được tuyển dụng thông qua các công ty môi giới được Chính phủ Indonesia cấp phép. Các công ty này sẽ bị cấm đưa lao động trong nước sang Trung Đông. Những quốc gia sẽ bị ảnh hưởng từ lệnh cấm này có Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập và Qatar.

Truyền thông Indonesia và quốc tế cho rằng lệnh cấm này cũng là một phản ứng “giận dữ” của Indonesia gửi đến Trung Đông sau khi hai nữ giúp việc người Indonesia bị t‌ử hìn‌h ở Saudi Arabia với tội danh giết người. Quyết định của Saudi Arabia đã gây làn sóng phản đối dữ dội ở Jakarta. Theo Jakarta Post, nữ giúp việc 47 tuổi người Indonesia tên Siti Zainab đã bị chặt đầu hôm 15-4 với cáo buộc tội đánh chết người chủ thuê mình là bà Noura al-Morobei vào năm 1999.

Saudi Arabia vẫn giữ nguyên án tử đối với Zainab sau 15 năm giam giữ, dù trước đó tổ chức đại diện quyền lợi cho người lao động Indonesia đã lên tiếng xác nhận Zainab có thể mắc bệnh tâm thần và hành động của cô chỉ để tự vệ khi bị người chủ đánh đập.

Chỉ hai ngày sau, hôm 17-4, Saudi Arabia tiếp tục hành quyết một nữ giúp việc Indonesia khác là Karni bin‌ti Medi Tarsim, 37 tuổi. Người phụ nữ này bị buộc tội giết một trẻ em hồi năm 2013. Bộ trưởng Dhakiri cho biết Bộ Ngoại giao Indonesia đã triệu tập đại sứ của Saudi Arabia ngay sau hai vụ hành quyết này để phản đối vì cho rằng Jakarta không nhận được bất kỳ thông tin nào về những vụ hành quyết này.

Jakarta từ lâu đã chỉ trích các nước Trung Đông đối xử tệ với lao động giúp việc nhà người Indonesia. Năm 2011, Indonesia từng áp dụng lệnh hoãn tạm thời đưa lao động mới sang Saudi Arabia và nhiều nước Trung Đông sau hàng loạt vụ lao động giúp việc bị lạ‌m dụn‌g ở các quốc gia này.

Giữ thể diện quốc gia

Hồi tháng 2-2015, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố Indonesia sẽ dừng chương trình đưa phụ nữ nước này ra nước ngoài giúp việc nhà để “giữ lòng tự trọng quốc gia”. Ông nhấn mạnh sẽ chỉ thị cho Bộ Nguồn nhân lực thảo ra chiến lược để chấm dứt chương trình này. “Phải dừng ngay lập tức việc đưa phụ nữ Indonesia ra nước ngoài làm người giúp việc” - Tổng thống Widodo khẳng định trước Quốc hội.

Trên thực tế, Chính phủ Indonesia trước đó đã vạch ra kế hoạch ngưng đưa lao động ra nước ngoài giúp việc nhà vào năm 2017. Tuy nhiên, liên tiếp những vụ người giúp việc Indonesia bị chủ ngược đãi đã buộc Tổng thống Widodo đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch trên.

Đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu Indonesia lên tiếng về việc hạn chế phụ nữ Indonesia ra nước ngoài làm việc. Năm 2012, cựu tổng thống Bambang Yudhoyono cũng từng cam kết sẽ tạo thêm 1 triệu việc làm để khuyến khích lao động giúp việc nhà Indonesia ở nước ngoài quay về nước.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật