Đường cao tốc lớn nhất miền Trung ‘tắc’ mặt bằng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mặc dù địa phương yêu cầu đến đâu chủ đầu tư đáp ứng nhu cầu tài chính đến đó nhưng đến nay công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các nhà thầu thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đoạn qua địa bàn Quảng Nam vẫn rất ì ạch.
Đường cao tốc lớn nhất miền Trung ‘tắc’ mặt bằng
Thi công hầm tại xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam

Ngày 6/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam làm việc với Bộ GTVT về dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi qua địa bàn tỉnh

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 140km; trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam dài gần 92km qua 26 xã của 7 huyện, thị xã gồm Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành và TP Tam Kỳ.

Đến thời điểm này tỉnh Quảng Nam đã bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công gần 77km, đạt 84% mặt bằng toàn tuyến, thu hồi hơn 621ha đất trên tổng số gần 701ha đất bị chiếm dụng vĩnh viễn để làm đường cao tốc.

Toàn tuyến cao tốc đi qua địa phận tỉnh Quảng Nam có 8.078 hộ bị ảnh hưởng; trong đó có 6.830 hộ đã nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Đối với vấn đề tái định cư (TĐC), tỉnh Quảng Nam dự kiến cần 19 khu TĐC cho 860 hộ, đến nay đã xây dựng xong 11/19 khu với 1.280 lô đất và đã bố trí TĐC cho 700 hộ (55%), còn lại đang chờ được bố trí đất để làm lại nhà ở.

Đối với 17km chưa bàn giao nhưng theo đánh giá của Ban quản lý dự án đường cao tốc, đây là đoạn “xương xẩu” nhất trên địa bàn Quảng Nam, trong đó có 117 trường hợp vướng đất 5%.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Để giải quyết vốn giải phóng mặt bằng, Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tạm ứng kinh phí 246,6/476 tỉ đồng để Quảng Nam thực hiện giải phóng mặt bằng, số còn lại VEC sẽ tiếp tục ứng khi địa phương yêu cầu.

Tuy nhiên, theo Ban quản lý dự án, dù đã có tiền nhưng địa phương vẫn không đẩy nhanh việc chi trả tiền cho dân để có mặt bằng giao cho các nhà thầu. Cụ thể huyện Duy Xuyên còn 20 tỉ đồng chưa chi trả được, huyện Phú Ninh còn 6 tỉ...

Để giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, VEC đề nghị địa phương khẩn trương hoàn thành 8 khu TĐC gồm 2 khu ở thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên 1 khu, huyện Phú Ninh 3 khu và huyện Núi Thành 2 khu.

Ngoài ra, VEC yêu cầu sớm đưa các hộ dân vào các khu TĐC để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công; di dời 6 mỏ đá trên địa bàn có tuyến đường đi qua; di dời các đường dây điện 22Kv, 35Kv...

Sau khi nghe các địa phương có đường cao tốc đi qua báo cáo về các vướng mắc cần tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thi công, ông Đinh Văn Thu – Chỉ tịch tỉnh Quảng Nam - yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng quyết liệt vào cuộc và yêu cầu VEC (chủ đầu tư đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) bố trí đầy đủ vốn để cơ bản hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vào ngày 30/6 tới và đảm bảo công tác tái định cư cho hộ gia đình vào trước mùa mưa lũ năm nay.

Để cơ bản hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng vào ngày 30/6, đảm bảo TĐC cho hộ phải di chuyển chỗ ở, tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục triển khai các giải pháp như xây dựng hoàn thiện các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu gồm hệ thống điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, đường giao thông nội vùng, công trình cung cấp nước sạch tại các khu tái định cư để sớm đưa những hộ còn lại vào tái định cư.

Trường hợp những hộ đã bàn giao mặt bằng nhưng chưa được bố trí đất tái định cư, UBND các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng đề nghị chủ đầu tư tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho người dân.

Liên quan đến các mỏ đất để làm đường cao tốc, Chủ tịch Quảng Nam cho rằng đây là trách nhiệm của tỉnh, yêu cầu các địa phương tạo điều kiện để hoàn thiện giấy phép để cấp mỏ cho các đơn vị thi công dự án.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam sẽ sớm ban hành bảng áp giá đền bù chi tiết đối với tất cả các loại đất để các địa phương và chủ đầu tư làm căn cứ pháp lý thực hiện việc đền bù cho người dân.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, nhìn chung hiện nay dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang vượt tiến độ. Đoạn vốn của JICA vượt tiến độ 20%, đoạn vốn của WB chậm tiến độ từ 1-14%. Vấn đề hiện nay là tuyến đường công vụ chưa thông làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển vật liệu thi công. Năm 2015 này là năm bản lề, cơ bản phải xong nền đường trên toàn tuyến. Đến giữa năm 2017 dự án sẽ được đưa vào khai thác trên toàn tuyến. Riêng đối với toàn bộ hệ thống cầu trên tuyến đường này sẽ hoàn thành trong năm 2016.

Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo nguồn tài chính để cung cấp cho các địa phương nhằm thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Mặt khác, trong quá trình thi công, các nhà thầu phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí để sửa chữa đường dân sinh do việc vận chuyển vật liệu thi công làm hư hỏng đường.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay Bộ GTVT sẽ thành lập đoàn công tác gồm các chuyên gia để xem xét và đề xuất hướng giải quyết hợp lý nhằm tránh tình trạng ngập lũ cục bộ do lũ thoát chậm khi xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật