Cháy, nổ do điện và những hiểm họa khôn lường

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Liên tiếp những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng gây thương vong về người và thiệt hại tài sản đã xảy ra trên địa bàn thành phố, trong đó cháy nổ do điện chiếm đa số. Tuy nhiên, công tác an toàn khi sử dụng điện vẫn chưa được chú trọng.
Cháy, nổ do điện và những hiểm họa khôn lường
hiện trường vụ cháy do chập điện trên đường Trần Quốc Thảo (quận 3) khiến 1 người chết, nhiều căn nhà bị thiêu rụi

Ghi nhận thực tế, dọc theo các tuyến phố, các con hẻm trên địa bàn thành phố, dễ bắt gặp vô số các loại dây điện, dây cáp quấn lấy nhau thành từng bó. Đặc biệt tại các khu tái định cư, các xóm trọ, chung cư xuống cấp… thực trạng trên luôn tiền ẩn mối hiểm họa về nguy cơ cháy nổ, đe dọa đến tính mạng, tài sản của con người.

Theo số liệu thống kê của Cảnh sát PCCC TP.HCM trong năm 2014, trên địa bàn đã xảy ra 1.426 tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ và cứu hộ, cứu nạn. Đối tượng xảy ra cháy nhiều nhất là nhà dân (654 vụ, chiếm gần 51%). Nguyên nhân cháy chủ yếu là do vi phạm quy định trong sử dụng điện (620 vụ, chiếm khoảng 48%). Mỗi vụ cháy đều để lại hết sức nghiêm trọng, đã có 18 người thiệt mạng, 20 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 45 tỷ đồng.

Chủ yếu các vụ cháy do vi phạm quy định và hệ thống điện chiếm tỷ lệ khá cao trong các nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ. Có 6 nguyên nhân chính dẫn đến cháy nổ do điện: do chập điện, do dòng điện quá tải, do đấu nối dây diện không đúng kỹ thuật, do tĩnh điện, do hồ quang điện và do sự truyền nhiệt của thiết bị tiêu thụ điện.

Vụ cháy cửa hàng kinh doanh phụ liệu làm tóc trên đường Nguyễn Trãi (phường 8, quận 5) vào ngày 16/9/2014 khiến 7 người chết

Điển hình là vụ cháy khiến 7 người thiệt mạng xảy ra tại cửa hàng kinh doanh phụ liệu làm tóc trên đường Nguyễn Trãi (phường 8, quận 5) vào ngày 16/9/2014; vụ cháy tại quán Karaoke New (trên đường Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3) vào ngày 30/12/2014 khiến một người thiệt mạng và nhiều căn nhà bị thiêu rụi, đổ sập... Nguyên nhân cả hai vụ cháy sau đó đều được xác định xuất phát từ chập điện.

Gần 4 tháng sau, hiện trường vụ cháy quán Karaoke New và nhiều nhà dân xung quanh (trên đường Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3) vẫn hoang tàn

Hay vụ hỏa hoạn tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam xảy ra vào giữa năm 2013. Nguyên nhân cũng được xác định là mối nối dây dẫn trong máng kim loại dẫn đến các thiết bị tiêu thụ điện trong khu vực phòng kiểm tra chất lượng và đóng gói thành phẩm tại tầng 4, khu nhà A4 không chặt, tạo điện trở tiếp xúc cao làm sinh nhiệt gây cháy lớp vỏ bọc của dây dẫn và tạo ra hồ quang điện.

Tại Hội nghi sơ kết về công tác tăng cường PCCC trên địa bàn thành phố được tổ chức vào đầu tháng 4/2015, ông Trần Kiêm Tuấn, Phó tổng giám đốc, tổng Công ty điện lực TP.HCM cho biết, do sự đa dạng về kết cấu nhà, công trình trong các khu dân cư cùng với mạng điện nội bộ được lắp đặt quá lâu, trải qua tu bổ nhiều thời kỳ và không được quản lý thống nhất (không có quy chuẩn chung) nên nguy cơ sự cố chạm chập gây cháy luôn thường trực.

Đồ đạc bên trong một nhà dân bị cháy lan sang trong vụ hoả hoạn trên đường Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3

Bên cạnh đó, nhiều thiết bị điện trên thị trường hiện nay chất lượng không được kiểm soát, hàng kém chất lượng tràn lan, hàng giả, hàng thật lẫn lộn khiến người mua khó phân biệt. Khi sử dụng phải hàng dỏm, thiết bị dễ bị quá tải, chạm điện gây cháy nổ. “Hầu hết các hộ gia đình sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn. Tuy nhiên, việc bảo quản thiết bị, đường dây thì còn khá chủ quan, thiếu hiểu biết về kỹ thuật an toàn PCCC. Hiện nay, để vận động người dân ý thức được hậu quả của nghiệm trọng của hệ thống điện xuống cấp và thay mới đường điện khi có dấu hiệu mất an toàn là hết sức khó khăn” – Ông Tuấn chia sẻ.

Đại tá Vũ Văn Bổn – Trưởng phòng công tác chính trị và công tác quần chúng, Cảnh sát PCCC TP.HCM khuyến cáo;  các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh cần đảm bảo các quy định về an toàn phòng chống cháy, nổ do sử dụng điện có thể gây ra. Cần chọn thiết bị đóng cắt, bảo vệ phù hợp với công suất sử dụng, thường xuyên kiểm tra các vị trí lắp đặt hệ thống điện. “Người dân và các cơ quan doanh nghiệp nên dùng các thiết bị điện của các nhà sản xuất có đăng ký chất lượng, nguồn gốc rõ ràng và có chỉ dẫn sử dụng cụ thể” – Đại tá Bổn khuyến cáo.

Những vụ cháy nổ luôn gây hậu quả nghiêm trọng cả về người và tài sản

Bên cạnh đó, Đại tá Bổn cũng đưa ra các phương thức thoát nạn khi xảy ra cháy, cụ thể; khi xảy ra sự cố hỏa hoạn, người dân cần bình tĩnh tìm các cửa thoát hiểm, cần có niềm tin vào bản thân rằng mình sẽ thoát khỏi đám cháy. Cần đến bên cửa sổ, các vị trí dễ nhìn kêu cứu, dùng vải, quần áo ra hiệu cho mọi người ứng cứu.

Khi thoát nạn phải cúi khom người sát đất để tránh ngạt khói, di chuyển đến khu vực gần cửa sổ, bình tĩnh hướng dẫn người khác làm theo. Khi mở cửa phòng cần kiểm tra nhiệt độ có cao không, phải tránh sang một bên đề phòng lửa tạt vào người. Không trốn ở những nơi kín đáo như nhà tắm, tủ, giường.

“Khi chọn được vị trí an toàn hay dùng các loại dây, rèm cửa, ga trải giường buộc chắc chắn và tụt xuống đất. Không nhảy khi không có đệm, lưới cứu người ở bên dưới. Trường hợp bị lửa bắt vào quần áo cần phải di chuyển, nằm sấp xuống sàn nhà hoặc áp mình vào tường, hai tay ôm đầu lăn tròn trên mặt sàn nhà cho đến khi lửa tắt” – Đại tá Bổn hướng dẫn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật