Ngân hàng thất hẹn niêm yết vì… chờ thời!

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc ngân hàng chậm trễ thực hiện niêm yết cổ phiếu lên sàn đang khiến nhiều cổ đông, nhà đầu tư sốt ruột. Nhưng thời điểm nào sẽ niêm yết lại hoàn toàn do Hội đồng quản trị quyết định, mà cổ đông chẳng thể kiện cáo, bắt bẻ được.
Ngân hàng thất hẹn niêm yết vì… chờ thời!
Nhiều nhà đầu tư sốt ruột khi ngân hàng chậm niêm yết cổ phiếu lên sàn

Đầu tháng 3/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản số 657/NHNN-TTGSNH tiếp tục hối thúc các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Các chi nhánh NHNN cấp tỉnh, thành phố cũng phải đôn đốc và giám sát việc thực hiện niêm yết của các ngân hàng.

Trên hối thúc, dưới "câu giờ"

Đến nay, còn hơn 20 ngân hàng chưa thực hiện niêm yết cổ phiếu. Có thể kể đến các ngân hàng như: Ngân hàng SCB, NamABank, HDBank, DongABank, TienphongBank, VietABank, KienLongBank… Với quy mô vốn từ 3.000-9.000 tỷ đồng, có thể thấy, nếu các nhà băng này lên sàn sẽ tạo ra nguồn cung cổ phiếu rất lớn cho thị trường chứng khoán.

Thế nhưng, trái ngược với kỳ vọng của các nhà đầu tư, từ năm 2014 đến nay, chưa có ngân hàng nào trong số kể trên thực hiện niêm yết cổ phiếu. Dù chủ trương lên sàn đã được ĐHCĐ chấp thuận, nhưng lãnh đạo một số ngân hàng luôn viện dẫn lý do thị trường kém thuận lợi để trì hoãn việc niêm yết.

Vài năm trước, một số ngân hàng đã có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn để tăng hiệu quả, thu hút vốn đầu tư. Đơn cử, DongABank, HDBank đã được ĐHCĐ chấp thuận chủ trương niêm yết từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa lên sàn. Thực tế, thị trường chứng khoán suy giảm cùng với việc phải tập trung tái cơ cấu, xử lý nợ xấu… là nguyên nhân chủ yếu khiến ngân hàng tạm gác việc lên sàn.

Trong số này, DongABank cũng từng lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu. Nhưng mấy năm qua, hoạt động kinh doanh khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, việc niêm yết cũng không thấy đề cập đến nữa. Còn trường hợp HDBank, dù lãnh đạo ngân hàng đã "đánh tiếng" sẽ niêm yết trên HOSE từ vài năm trước, song đến giờ, vẫn chưa có động tĩnh triển khai.

Gần đây, thị trường chỉ ghi nhận khả năng NamABank sẽ sớm niêm yết vào tháng 6/2015. Lãnh đạo ngân hàng này tiết lộ đang chuẩn bị các thủ tục, hồ sơ cần thiết để niêm yết cổ phiếu tại HoSE.

Việc ngân hàng nhiều lần thất hẹn niêm yết cổ phiếu khiến không ít cổ đông bức xúc, dù họ rất chia sẻ với những khó khăn của ngân hàng. Cổ đông mong muốn ngân hàng sớm lên sàn để tăng tính minh bạch, thanh khoản cho cổ phiếu và tạo giá trị tốt hơn cho đồng vốn bỏ ra.

Cổ đông ấm ức

Một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết đang rất chán nản vì sở hữu cổ phiếu của một ngân hàng đã bị hủy niêm yết tự nguyện từ hơn 2 năm qua, vì ngân hàng này phải thực hiện sáp nhập và thực hiện tái cơ cấu. HĐQT cũng hứa sẽ cải thiện hoạt động kinh doanh và sớm niêm yết trở lại.

"Trước thời điểm hủy niêm yết, giá cổ phiếu của ngân hàng đã giảm chỉ còn bằng nửa mệnh giá cổ phần. Sau hủy niêm yết, giá còn giảm hơn và buồn nhất là giao dịch cổ phiếu rất khó khăn. Cổ đông nắm giữ cổ phiếu mấy năm trời không có cổ tức nên rất nản" - cổ đông này than thở, và chưa rõ khi nào cổ phiếu mới trở lại sàn.

Tình trạng "câu giờ" không niêm yết cũng tồn tại ở cả những ngân hàng kinh doanh có lãi, liên tục phát hành thêm cổ phần để tăng vốn. Điều khó lý giải là HĐQT ngân hàng đã không đưa ra lộ trình niêm yết rõ ràng, mà chỉ hứa hẹn với cổ đông sẽ "chọn thời điểm thích hợp để niêm yết".

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, luật sư Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyên Minh - cho rằng HĐQT ngân hàng "câu giờ" không niêm yết cổ phiếu lên sàn là phổ biến, nhưng rất khó xử lý trách nhiệm pháp lý.

Dẫn chứng là đại hội cổ đông của một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội (vốn điều lệ trên 8.800 tỷ đồng) đã chấp thuận chủ trương niêm yết cổ phiếu từ năm 2011, nhưng 4 năm qua vẫn không lên sàn. Do ĐHCĐ đã ủy quyền toàn bộ cho HĐQT quyết định "thời điểm niêm yết" nên cổ đông không thể bắt bẻ HĐQT vi phạm Nghị quyết ĐHCĐ.

"Việc chậm niêm yết có thể ảnh hưởng tới cổ đông, nhưng ảnh hưởng như thế nào, gây thiệt hại ra sao và chứng minh thiệt hại lại rất khó. Ví dụ, cổ đông nói rằng niêm yết thì giá cổ phiếu sẽ tăng lên, nhưng căn cứ vào đâu để cân đo thiệt hại lại không có"- Luật sư Hà nói.

Theo Luật doanh nghiệp, cổ đông có quyền khởi kiện HĐQT ra tòa án nhưng có được tòa án chấp nhận hay không lại là chuyện khác. Và mục đích kiện để đòi được cái gì dường như lại là điều… viển vông!

Dù vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, nhóm cổ đông sở hữu tối thiểu 10% cổ phần (có quyền biểu quyết) có quyền kiến nghị bổ sung nội dung vào chương trình họp ĐHCĐ. Hoặc, kiến nghị triệu tập ĐHCĐ bất thường để bàn về việc niêm yết cổ phiếu này. Trong đó, có thể kiến nghị sửa đổi Nghị quyết hoặc thay thế bằng Nghị quyết mới xác định rõ phương án niêm yết cổ phiếu (gồm thời điểm, niêm yết ở sàn HNX hay HoSE, số lượng cổ phiếu niêm yết...).

Theo luật sư Hà, với những ngân hàng lớn, để tập trung được 10% cổ phần có quyền biểu quyết là điều khó khăn. Đôi khi, tỷ lệ sở hữu để cổ đông có quyền kiến nghị còn do Điều lệ của ngân hàng quy định.

Một cách khác là cổ đông có thể kiến nghị với NHNN và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố yêu cầu ngân hàng phải thực hiện niêm yết theo chỉ đạo chung, đề án của Chính phủ… đồng thời, kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp kiên quyết để xử lý, hối thúc ngân hàng phải niêm yết cổ phiếu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật