Nepal sống nhờ kiều hối

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỗi năm lượng kiều hối gửi về Nepal đóng góp tới 29% GDP của quốc gia này. Theo số liệu của World Bank, hơn 30 tỷ USD đã được dùng để xây dựng nhà cửa, tạo chút vốn liếng kinh doanh và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Nepal.
Nepal sống nhờ kiều hối
Ảnh minh họa

Nội dung nổi bật:

- Từ nhiều năm nay, Nepal – một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới – đã “xuất khẩu” người trẻ ra nước ngoài nhằm tìm kiếm việc làm. Họ trở thành các công nhân xây dựng, người giúp việc gia đình, bảo vệ và các v‌ú em ở Ấn Độ, các nước thuộc vùng vịnh Ba Tư hay bất cứ nơi nào trên thế giới.

- Trước động đất, mỗi ngày có khoảng 1.500 người rời Nepal để tìm kiếm một công việc ở nước ngoài. Theo Tổ chức di cư quốc tế IOM, thảm họa này có thể khiến người Nepal ra nước ngoài lao động nhiều hơn vì nền kinh tế kiệt quệ.


Ramesh Bharati đang làm công việc giám sát xây dựng tại một ngôi biệt thự ở  Ritz-Carlton (Abu Dhabi) khi anh bật tivi lên và nhìn thấy quang cảnh đổ nát sau khi trận động đất tàn phá quê hương Nepal.

Bharati nhanh chóng gọi điện cho anh trai Dinesh, người đang đi qua những đường phố ngổn ngang những mảnh vỡ của thủ đô Katmandu. Cha của anh cho biết người em họ 16 tuổi đã thiệt mạng. Bharati cố gắng tiếp tục làm việc, nhưng khi nhìn vào chiếc gương trong nhà tắm, anh bật khóc.

Ngay sau đó, Bharati cùng hai người anh trai cũng đang làm việc ở nước ngoài trở về ngôi làng nhỏ bé ở miền Đông Bắc Katmandu, nơi hai người đã lớn lên. Nhiều ngôi nhà, trong đó có căn nhà được xây lên bằng số tiền anh gửi về, giờ đây chỉ còn là đống ngổn ngang gạch, đá, gỗ và những thanh kim loại bị bẻ cong. Bharati đã mất đi 17 người thân trong trận động đất vừa qua.

Ba người phân phát tiền mặt và số nhu yếu phẩm họ đã mua trên đường đi dọc thị trấn đổ nát. “Dù đang ở đâu trên thế giới này, tôi cũng sẽ quay trở về”, Bharati nói với những người sống sót.

Tuy nhiên, một trong những bà dì của Bharati nói rằng sau khi cơn động đất tàn phá nơi này, đáng lẽ sẽ có nhiều người được cứu hơn nếu như có nhiều nam thanh niên. “Lúc đó chỉ có phụ nữ và trẻ em mà thôi”, bà nói.

Câu chuyện kể trên phản ánh chính xác thực trạng diễn ra ở quốc gia nhỏ bé nằm dưới dãy núi Himalaya này trong suốt hơn 8 thập kỷ qua.

Từ nhiều năm nay, Nepal – một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới – đã “xuất khẩu” người trẻ ra nước ngoài nhằm tìm kiếm việc làm. Họ trở thành các công nhân xây dựng, người giúp việc gia đình, bảo vệ và các v‌ú em ở Ấn Độ, các nước thuộc vùng vịnh Ba Tư hay bất cứ nơi nào trên thế giới.

Mỗi năm lượng kiều hối gửi về Nepal đóng góp tới 29% GDP của quốc gia này. Theo số liệu của World Bank, hơn 30 tỷ USD đã được dùng để xây dựng nhà cửa, tạo chút vốn liếng kinh doanh và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Nepal. Trên thế giới chỉ có 2 quốc gia là Tajikistan và Cộng hòa Kyrgyz phụ thuộc nhiều hơn vào kiều hối.

Trận động đất khủng khiếp tuần trước đã khiến hơn 7.000 người thiệt mạng và xóa tan bao công sức trong tích tắc. Thành quả sau nhiều năm lao động xa xứ của nhiều người trẻ tuổi bỗng chốc bị phá hủy.

Một lượng lớn người lao động ở nước ngoài cũng có nghĩa là trong những giờ phút cần kíp nhất, nhiều người đã không thể ở bên cạnh người thân. Đây là lần đầu tiên Bharati về nhà sau khi ra đi từ năm 2005. Bharati tìm được công việc tại một khách sạn ở Malaysia năm 17 tuổi. Anh nhanh chóng trở thành trụ cột trong gia đình, bỏ ra 5.000 USD mua nhà cho gia đình sinh sống. Năm ngoái, bố mẹ anh chuyển tới một ngôi nhà ở thủ đô Katmandu được xây dựng nhờ tiền đi vay mượn. Họ hàng của anh vẫn sống trong ngôi làng ở quê.

Bharati đã dùng hết số tiền lương tháng vào khoảng 1.000 USD, cùng với số tiền 235 USD vay từ ông chủ, để mua vé máy bay trở về Katmandu. Hai người anh cũng trở về từ Dubai, nơi họ đang làm việc trong một khách sạn cao cấp.

Sau khi chắc chắn rằng cha mẹ đã an toàn ở Katmandu, ba người về Bharatigaun để giúp đỡ những người họ hàng đang gặp nạn. Họ mua lượng lớn gạo, mì ăn liền, dầu ăn, muối và những thứ cần thiết để phân phát. Trên chặng đường dài 50 dặm dẫn tới Bharatigaun, họ nhìn thấy những ngôi nhà ở hai bên đường bị sập hoàn toàn, một chiếc xe tải bị rơi xuống sông và nhiều tòa nhà đổ nát.

Khi ba người dừng chân ở ngôi làng Harre, rất nhiều người vội vã chạy tới để nhận gạo. Họ gập vạt áo trước để tạo thành túi chứa gạo. Thậm chí lũ trẻ ngay lập tức nhai những hạt gạo còn sống.

Ba người tới Bharatigaun vào buổi chiều. Ngôi làng này mất đi 13 người, trong đó có em dâu 23 tuổi của Bharati. Không có bất kỳ hoạt động cứu trợ chính thức nào. Bharati nhận được sự chào đón đẫm nước mắt, anh đưa tiền cho người lớn và phát kẹo cho trẻ nhỏ.

Làng Bharatigaun có thể gượng dậy sau động đất nhanh chóng hơn nếu như có nhiều trai tráng hơn. Tuy nhiên, những người đi xuất khẩu lao động như Bharati là “chiếc phao cứu sinh” duy nhất từ thế giới bên ngoài đối với ngôi làng này.

Trước động đất, mỗi ngày có khoảng 1.500 người rời Nepal để tìm kiếm một công việc ở nước ngoài. Theo Tổ chức di cư quốc tế IOM, thảm họa này có thể khiến người Nepal ra nước ngoài lao động nhiều hơn vì nền kinh tế kiệt quệ. Nepal đang mất đi những người lao động sung sức nhất.

Bharati cho rằng hiện nay cách tốt nhất để giúp ích cho quê hương là ra nước ngoài làm việc. Thời gian trở về Nepal đã tiêu tốn hai tháng lương của anh. Trong khi đó Bharati  đang được cân nhắc vào vị trí trợ lý và với mức lương có thể tăng gấp đôi.

“Nước, thực phẩm, giáo dục – bạn cần tiền để có được những thứ này”, Bharati nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật