Trải qua mất mát, tình người ở ngôi nhà hai người đàn bà

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hai chị em dưới mái nhà này đều hy sinh tuổi thanh xuân cho những năm kháng chiến. Cô em mất hẳn một bên chân trong khi làm giao liên. Sau ngày giải phóng, chị gái lành lặn đi làm nuôi đứa em tàn tật. Đến gần cuối đời, người em gái tàn tật phải làm việc với từng chiếc lá thắt để nuôi chị nằm một chỗ sau tai biến.
Trải qua mất mát, tình người ở ngôi nhà hai người đàn bà
Bà Nguyễn Thị Xí (trái) và bà Nguyễn Thị Nào

Những vết thương lòng


Nhắc đến gia cảnh của hai chị em bà Nguyễn Thị Xí (71 tuổi) và Nguyễn Thị Nào (69 tuổi) trú tại thôn Phú Hòa, xã Ninh Quang, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa người dân quanh vùng ai ai cũng biết. Bởi lẽ, cái khổ của họ ai cũng nhìn thấy được, đặc biệt là những năm trở lại đây. Hơn 10 năm trước, bà Xí trong một lần đi làm đồng về đến nhà bỗng xây xẩm mặt mày rồi ngã lăn ra đất. Sau cơn tai biến mạch máu não đó, bà chỉ lê lết được quanh chiếc giường của mình. Còn bà Nào thì từ thời con gái đã mất đi chiếc chân phải bởi dẫm phải mình của địch.


Sinh ra trong gia đình có 10 người con, nhưng 5 người qua đời khi chiến tranh loạn lạc. Cả hai chị em bà Xí, bà Nào đều là giao liên nuôi giấu và dẫn đường cho các chiến sĩ cách mạng đi qua vùng này. Tuy nhiên, công việc tuyệt mật, ai biết cơ sở của người đó chứ tuyệt đối không biết đến công việc của nhau. Bà Xí sau cơn tai biến, lúc nhớ lúc quên kể về cuộc đời khổ hạnh của mình. Bà có may mắn hơn người em là mang thân thể lành lặn khi chiến tranh kết thúc.


Trong nhà có anh Ba, cậu em thứ mười, và cậu em út với hai bà là theo cách mạng và còn sống. Hoạt động của 5 anh em ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình vì đây là địa bàn do quân lính chiếm đóng. Đầu tiên chịu liên lụy là bố của hai bà, bọn địch phát hiện những đứa con của ông có tham gia cách mạng nên đã bắt ông để tra hỏi thông tin. Chúng đánh đập, tra tấn ông dã man nhưng ông không nói gì. Sau những trận đòn roi, ông về nhà ôm tấm thân tàn tạ, gia đình không có điều kiện chăm sóc, chữa trị nên sức khỏe ông yếu dần rồi qua đời.


Tiếp đó là đến anh cả trong gia đình, tuy không tham gia hoạt động cách mạng nhưng cũng bị địch bắt tra khảo để hỏi thông tin của những người em. Chúng đánh đập thế nào ông cũng không chịu hé nửa lời, chúng đã nghĩ ra trò tr‌a tấ‌n dã man đó là tẩm xăng và hai tai ông rồi dùng lửa đốt. Sau những đòn tr‌a tấ‌n dã man ấy mà vẫn không khai thác được thông tìn gì từ ông nên chúng thả ông về. Một thời gian sau do không có điều kiện chữa trị nên người anh cả của hai bà cũng theo cha.


Trong nhà đông con nhưng lại theo cách mạng phân nửa, lúc này bọn địch mở chiến dịch bắt người đi lính. Người anh thứ sáu trong gia đình bà bị bắt sang Campuchia rồi chết trong chiến trận. Những nỗi đau thương mất mát cứ đến liên hồi khi những người thân trong gia đình hai bà lần lượt qua đời lúc chiến tranh loạn lạc. Lúc ấy đang mưa bom, bão đạn, người ta không cảm nhận hết được những mất mát từ cái chết. Đến khi hòa bình, nỗi đau mất người thân, mất một phần thân thể dồn nén mới vỡ òa…


Khi trẻ chị nuôi em…


Bà Xí kể, khi còn trẻ, tuy không thuộc hàng xinh đẹp nhưng hai chị em bà cũng được nhiều người để ý. Tuy nhiên, trong nhà có nhiều người đi theo cách mạng nên hai bà cũng dấn thân vào con đường này mà bỏ mặc tuổi thanh xuân. Những năm làm giao liên tại cơ sở, bà Xí đã nuôi giấu không biết bao nhiêu chiến sĩ bị thương khi qua nơi này, trong đó có một người bà đem lòng yêu mến. “Con gái thời đó khờ lắm, yêu là yêu thôi, không cả kịp hỏi quê quán người ta ở đâu nhưng cũng đã thề non hẹn biển. Nhận lời yêu nhau một thời gian thì anh ấy lên đường tiếp tục vào chiến trường miền Nam”, bà Xí kể lại. Theo chế độ, người ta bồi dưỡng những thượng bệnh binh từng ở cơ sở của bà những vật phẩm đường sữa. Nhiều người đã ghé qua để lấy sau đó nhưng người bà thương yêu thì vẫn bặt vô âm tín. Sau này bà chết lặng khi nghe người quen nói: “Anh ấy đã hy sinh tại chiến trường”.

Tình yêu đầu đời và cũng là duy nhất bà đã trao cho người con trai đất Bắc mà bà không biết cả quê hương của anh. Đến khi giải phóng, bà đã ngoài ba mươi tuổi, hồi đó là đã quá lứa lỡ thì bà đành ở vậy tham gia làm kinh tế hợp tác xã và nuôi đứa em tàn tật. Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, trong vùng có một người phụ nữ hoàn cảnh khốn khó, lại một thân một mình mang bầu. Người phụ nữ này sinh được một bé gái những tính bỏ đứa con mình vì cuộc sống quá khó khăn. Biết được việc đó, bà đã nhặt đứa bé về nuôi từ khi còn đỏ hỏn.


Anh và em bà còn sống đều có gia đình riêng và họ phải chăm lo cho gia đình của mình, hai chị em gái bà sống nương tựa vào nhau cùng nuôi một đứa con gái khôn lớn trưởng thành. Cuộc sống vất vả, khó khăn vì trong nhà không có một bóng đàn ông đỡ đần việc nặng. May mắn là cô con gái nuôi học hết lớp 7 cũng ở nhà đỡ đần 2 bà công việc thường ngày. Tuy nhiên, đến năm cô 24 tuổi, cô lập gia đình với một người ở Phú Yên và qua đó sinh sống, thi thoảng mới về thăm hai bà. “Nó lấy chồng nó còn phải chăm lo cho chồng, cho gia đình nhà chồng, con cái nên cũng không trách được”, bà Xí tâm sự.


… Về già em nuôi chị


Ngôi nhà của bà Xí và bà Nào hầu như không có vật dụng gì, mái ngói lợp chịu nắng chịu mưa cũng phải hứng bằng nilon vì bị dột. Nước dùng trong nhà trước đây cũng phải thuê người đi gánh vì khoảnh đất đào giếng (vốn trước là đất làng) đã bị người hàng xóm đòi lại cách đây vài năm. Lúc chúng tôi vào nhà, bà Nào đang đi qua nhà người quen trong xã để học cách đan tấm tranh bán cho người ta kiếm tiền sinh hoạt. Bà về đến nhà cũng đã trưa, di chuyển bằng nạng gỗ trong nhà, bà ngồi xuống đất, trán lấm tấm mồ hôi kể lại chuyện đời mình.


Hồi còn làm giao liên, bà phải vận động xóm làng quyên góp thức ăn, thuốc men để nuôi cán bộ. Cơ sở bà quản lý liên tục bị địch càn quấy, sợ địch phát hiện ra những chiến sỹ cách mạng, bà phải thường xuyên qua chỗ khác đóng giả người dân đi làm ruộng (dùng chân dẫm gốc lúa dúi xuống bùn) để đánh lạc hướng quân địch. Ai ngờ, một ngày lính gài bom ngoài cơ sở, bà vừa ra khỏi đã dẫm trúng mìn. Tuy nhiên, các cán bộ chiến sỹ không ai bị lộ, lính phải đưa bà đi chữa trị vì chúng chỉ biết đến bà là một thường dân. Bà bị cưa mất chân phải khi vừa tròn 23 tuổi.


Khoảng hơn 10 năm trở lại đây người ta thấy hai bà lão lủi thủi trong căn nhà lụp sụp bạc màu vôi ve ngày ngày chăm nhau. Bà Nào cho biết, chị bà được hưởng chế độ người tàn tật; còn lương thương binh của bà Nào thì được hơn 1 triệu đồng. Thuốc men ăn uống vào vẫn còn thiếu, thế nên hàng ngày bà Nào còn phải nhận đan thêm việc thắt lá cho người ta làm vành mũ kiếm thêm đồng ra đồng vào. Dù vất vả kiếm những đồng tiền ít ỏi nhưng chẳng làm được việc gì nên bà đành làm vậy. Mới đây có người chỉ cách đan tấm tranh để bán, bà hồ hởi đi học mong kiếm thêm.


Vài năm trở lại đây, người con gái nuôi của hai bà là chị Nguyễn Thị Thu Sang đã về ở với hai bà. Do chuyện gia đình nên chị dắt cả con gái về đây ở. Bây giờ có thêm đứa con gái đỡ đần nên cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng đỡ khó khăn. Chị Nguyễn Thị Thu Sang ngày ngày lo cơm nước sinh hoạt của hai mẹ. Chị cho biết, vì con còn nhỏ nên thời gian này chị ở nhà thắt lá phụ giúp 2 mẹ, thời gian tới chị sẽ xin đi làm để đỡ đần hai cụ lúc về già. Nhìn đứa cháu gái chạy nhảy trong căn nhà ba thế hệ nhưng toàn phụ nữ, hai đôi mắt mờ đục vì thời gian của hai bà lão chịu quá nhiều mất mát như ánh lên niềm vui vì như thấy chỗ dựa lúc về già.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật