Phương Tây lo chiến tranh lan khắp châu Âu trước sức mạnh của Nga

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước mối lo chiến tranh có thể lan khắp châu Âu, phương Tây đã khẩn trương đào tạo cho quân đội Ukraine và tổ chức tập trận quy mô lớn khi mà năng lực quân sự của Nga không ngừng lớn mạnh.
Phương Tây lo chiến tranh lan khắp châu Âu trước sức mạnh của Nga
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (trái) gặp gỡ Đại sứ Mỹ tại Ukraine, Geoffrey Pyatt hôm 20/4.

Quân đội và vũ khí Nga ở Ukraine?

Hồi tháng trước, giới chức Mỹ, NATO và Ukraine đã lên tiếng cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 khi điều động gần 60.000 quân nhân tới khu vực biên giới gần Ukraine.

Thậm chí, các quan chức này còn tuyên bố nhiều sĩ quan Nga đang tiến hành đào tạo cho lực lượng phe ly khai tại vùng Donbass, miền đông Ukraine và hàng loạt hệ thống phòng không hiện đại cũng như vũ khí hạng nặng của Moscow vẫn đang hiện diện gần khu vực chiến sự.

"Kể từ hồi tháng 10/2014, đây là lần Nga triển khai số lượng binh sĩ tới gần biên giới Ukraine đông nhất. Nga còn tổ chức chương trình huấn luyện nâng cao năng lực chiến đấu cho quân ly khai. Tính từ tháng Tám năm ngoái, số lượng thiết bị phòng không của Nga tại miền đông Ukraine đang đạt con số kỷ lục", Kyiv Post dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Ukraine, Geoffrey Pyatt tuyên bố hôm 23/4.

Trong khi đó, giới chức Kiev cũng không ngừng lo ngại về khả năng quân ly khai sẽ tổ chức một cuộc tấn công tổng lực.

Chia sẻ với kênh 5 TV hôm 28/3, Phó Chủ tịch quốc hội Ukraine Andriy Parubiy cho rằng quân đội Nga sẽ hỗ trợ phe ly khai miền đông Ukraine để triển khai một cuộc tấn công nhằm vào quân đội chính phủ Kiev ngay trong mùa xuân năm nay. Còn hôm 30/3, trong một tuyên bố của cựu Tổng tư lệnh NATO, Tướng Wesley Clark nhấn mạnh lực lượng ly khai thân Nga có thể tiến hành một đợt phản công "trong vòng 60 ngày tới".

Trong khi đó, theo bản thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 được ký kết hồi tháng Hai, cả quân chính phủ Kiev và phe ly khai đã đồng thuận rút lui nhiều loại vũ khí hạng nặng khỏi khu vực chiến tuyến. Ngoài ra, hai bên cũng tiến hành trao đổi tù binh cho nhau.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf lại cho rằng: "Nga đã đưa nhiều loại vũ khí hạng nặng tới khu vực chiến sự ở miền đông Ukraine. Đây là hành động vi phạm thỏa thuận ngừng bắn Minsk. Nga có các đơn vị chỉ huy và kiểm soát để điều phối hoạt động quân sự. Đây là bằng chứng rõ ràng cho việc Nga can thiệp vào cuộc chiến tại Ukraine".

Về phần mình, dù liên tục bị phương Tây cáo buộc liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, Nga đã lên tiếng bác bỏ những lập luận trên. Tổng thống Putin nhấn mạnh cho tới nay, chưa có bằng chứng xác thực nào được đưa ra để chứng minh binh sĩ và vũ khí của Nga có mặt tại miền đông Ukraine.

Còn theo Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, các cuộc giao tranh quy mô nhỏ và sử dụng vũ khí hạng nặng vẫn xảy ra hàng ngày. Điển hình, chính quyền Ukraine cáo buộc phe ly khai đã sử dụng súng cối 120 mm 18 lần, 2 lần bắn súng cối 122 mm và 3 lần sử dụng xe tăng để tấn công các vị trí của quân đội Kiev hôm 22/4. Cùng ngày, quân chính phủ Kiev còn phát hiện 17 chiếc máy bay không người lái và một trực thăng Mi-8 của Nga trên không phận Ukraine.

Quân đội Kiev tuyên bố phát hiện trực thăng Mi-8 của Nga trên không phận Ukraine hôm 22/4.

Trước đó, hôm 20/4, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine cáo buộc 40 toa hàng của Nga chở theo vũ khí đã tới Sverdlovsk thuộc vùng Luhansk. Ngoài ra, cùng ngày, 50 chiếc xe tải và 20 xe chiến đấu bộ binh cùng binh sĩ Nga đã vượt qua khu vực biên giới sang lãnh thổ Ukraine.

Trong khi đó, thủ lĩnh Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng Aleksandr Zakharchenko cũng ra tuyên bố: "Chúng tôi không muốn là một phần của Ukraine. Chúng tôi muốn làm bạn với Nga".

Thủ lĩnh Zakharchenko tiết lộ không ít công dân Mỹ đang sát cánh chiến đấu với phe ly khai. Những người này là các tay súng bắn tỉa. "Hiện giờ, chúng tôi chưa có tên lửa đất đối không để bắn hạ máy bay", ông Zakharchenko nhấn mạnh.

Hồi tháng Ba, Tướng Philip Breedlove, Chỉ huy trưởng lực lượng NATO ở châu Âu cho rằng khoảng 100.000 binh sĩ Nga đang đóng quân tại Crimea, bán đảo thuộc Ukraine nhưng đã sáp nhập vào Liên bang Nga hồi tháng 3/2014. Không chỉ có quân đội, Tướng Breedlove khẳng định các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa của Nga cũng đã có mặt trên bán đảo Crimea.

Chính quyền Kiev nhấn mạnh có một khu huấn luyện của Nga nằm cách biên giới Ukraine chỉ 10 km được trang bị 50 xe thiết giáp và 2.000 quân nhân. Ngoài ra, giới chức Kiev còn cáo buộc Nga đang điều hành ít nhất 3 trung tâm huấn luyện quân sự bên trong lãnh thổ Ukraine. Trong đó, 2 căn cứ ở gần thành phố Krasnyi Luch và Oleksandrivsk thuộc vùng Luhansk và một căn cứ ở Horlivka thuộc Donetsk.

Hỗ trợ huấn luyện, tăng cường tập trận

Ngoài việc hỗ trợ các thiết bị vũ khí phi sát thương, một số quốc gia thành viên NATO đang triển khai chương trình huấn luyện cho quân chính phủ Ukraine. Điển hình, Anh là quốc gia đầu tiên cử 35 cố vấn quân sự tới Mykolayiv, miền nam Ukraine để huấn luyện cho quân chính phủ Kiev trong vòng 2 tháng kể từ tháng Ba.

Lính Mỹ tham gia cuộc tập trận bên ngoài thị trấn Yavoriv gần Lviv, phía tây Ukraine hồi tháng 9/2014.

Hồi tuần này, 290 lính dù Mỹ cũng đã bắt đầu đào tạo cho lực lượng Vệ binh quốc gia Ukraine tại Lviv. Giới chức Kiev hy vọng 900 binh sĩ Ukraine sẽ được đào tạo trong vòng 6 tháng tới về các kỹ năng phối hợp hành động quân sự - dân sự, quân y, sơ tán khẩn cấp, v.v...

Trong khi đó, Canada hứa sẽ đưa 200 binh sĩ nước này tới huấn luyện cho binh sĩ chính phủ Kiev vào mùa hè này. Ba Lan cũng sẽ tham gia đào tạo cho binh lính Ukraine nhưng không công bố cụ thể về thời gian tiến hành.

Theo Nga, sự xuất hiện của các cố vấn quân sự phương Tây càng làm gia tăng thêm căng thẳng chiến sự tại miền đông Ukraine.

Lo ngại khả năng chiến tranh lan rộng tại châu Âu, NATO đã tiến hành hàng loạt cuộc tập trận quân sự và hỗ trợ huấn luyện với các quốc gia trong khối và ngoài khối liên minh này. Theo đó, NATO đã tăng cường năng lực quốc phòng tại khu vực Đông Âu bằng việc huy động 5.000 binh sĩ và thành lập các trung tâm chỉ huy ở Bulgari, Ba Lan và Romani. Còn các cuộc tập trận được tổ chức ở Estonia, Lithuania, Latvia và Đức.

Thậm chí, Na Uy, một quốc gia không thuộc khối NATO cũng đã tổ chức cuộc tập trận chung mang tên "Joint Viking" hồi tháng Ba khi mà Nga tiến hành diễn tập quân sự quy mô lớn gần biên giới Na Uy.

Ngay cả, Thụy Điển cũng là nước không thuộc NATO, nhưng đã đưa 150 binh sĩ tới đảo Gotland trên vùng biển Baltic chiến lược. Theo Thụy Điển, đây là phản ứng trước mối đe dọa từ Nga.

Nội dung được hoàn thành qua tham khảo nguồn tin từ Kyiv Post, một tờ báo tiếng Anh của Ukraine. Kyiv Post được cho là tờ báo ủng hộ Ukraine hội nhập với phương Tây.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật