Kiểm tra việc tiếp dân của các Tỉnh ủy, Thành ủy

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Đề nghị Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thanh tra Chính phủ tổ chức các đoàn kiểm tra các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban cán sự Đảng một số bộ, ngành Trung ương trong việc thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác tiếp dân“.
Kiểm tra việc tiếp dân của các Tỉnh ủy, Thành ủy
Ông Nguyễn Đức Hạnh - Phó tổng thanh tra Chính phủ - phát biểu tại hội nghị.

Ngày 31/3, tại tỉnh Hà Nam, thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị triển khai công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2015 với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ tỉnh Quảng Bình trở ra phía Bắc.

Khiếu nại, tố cáo đông người tăng lên

Theo ông Nguyễn Đức Hạnh - Phó tổng thanh tra Chính phủ, mặc dù tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2014 tiếp tục có xu hướng giảm so với năm 2013 nhưng số lượt đoàn đông người lại tiếp tục tăng.

“Các đoàn công dân khiếu nại đông người lên Trung ương có sự tổ chức chặt chẽ, tính chất bức xúc, manh động gia tăng rõ rệt, có sự ủng hộ của các phần tử cơ hội chính trị. Trụ sở tiếp công dân của Trung ương thường xuyên bị rơi vào tình trạng quá tải. Nhiều đoàn khiếu kiện đã kết nối với nhau mặc dù đã được Trụ sở phối hợp với tổ công tác của địa phương tiếp nhận, vận động nhiều lần nhưng không trở về địa phương mà tiếp tục ở lại và yêu cầu được giải quyết tại Hà Nội. Phần lớn các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp là những vụ việc phát sinh từ những năm trước, chưa được giải quyết dứt điểm”- ông Hạnh nói.

Nội dung các vụ khiếu nại, tố cáo về đất đai chủ yếu là về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội; trong đó nổi lên việc thu hồi xây dựng chợ, trung tâm thương mại, điển hình như ở Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), Quảng Chính (Hải Hà, Quảng Ninh), Bắc Sơn (Bỉm Sơn, Thanh Hóa), 3 chợ Vĩnh Tân, Tân Hiệp, Long Khánh (Đồng Nai), chợ An Đông (TPHCM)…

“Qua báo cáo và phân tích từ kết quả giải quyết cho thấy có khoảng 66,6% trường hợp khiếu nại sai và 31,9% tố cáo sai. Điều này cho thấy nhận thức và hiểu biết pháp luật của công dân còn có hạn chế nhất định”- ông Hạnh nói.

Ông Hạnh cho rằng năm 2015 sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là năm tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có thể tăng, diễn biến phức tạp; khiếu nại đông người tại một số địa phương tiềm ẩn nhiều điểm nóng.

Hòa Bình và Thừa Thiên-Huế không có số liệu về việc lãnh đạo tiếp dân

thanh tra Chính phủ cho biết năm 2014, lãnh đạo của 12 bộ, ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải, Bảo hiểm Xã hội) và 61 tỉnh, thành phố đã trực tiếp tiếp công dân theo đúng quy định.

Hai tỉnh Hòa Bình và Thừa Thiên - Huế không có số liệu báo cáo việc lãnh đạo tiếp công dân. Ngoài ra, một số bộ, ngành, thủ trưởng không tiếp công dân có nguyên nhân do số lượng công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh rất ít.

Theo thanh tra Chính phủ, năm 2014 các cơ quan nhà nước đã tiếp 392.655 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (tăng 3,2% so với năm 2013), với 4.876 đoàn đông người (tăng 8,8% so với năm 2013). Trong đó, các địa phương đã tiếp 324.121 lượt người, 3.991 lượt đoàn đông người.

Các tỉnh có số lượt người khiếu nại, tố cáo nhiều gồm: TPHCM (49.546 lượt người), Hà Nội (30.446 lượt người), An Giang (13.241 lượt người), Quảng Nam (11.866 lượt người), Đà Nẵng (10.878 lượt người)…. Các Bộ tiếp nhiều công dân gồm: Bộ Công an (20.137 lượt người), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (2.455 lượt người), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (1.617 lượt người), Bộ Tài chính (1.354 lượt người)…

Ông Nguyễn Đức Hạnh cho biết thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 2.021 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại 3.894 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua thanh tra phát hiện 647 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 545 tổ chức, 590 cá nhân; xử lý hành chính 17 tổ chức với 55 cá nhân

“Việc triển khai Luật Tiếp công dân ở một số địa phương còn chậm, lúng túng; chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân chưa cao. Vẫn còn một số địa phương, bộ ngành, lãnh đạo chưa quan tâm thỏa đáng đến công tác tiếp công dân; xử lý đơn thư còn vi phạm về trình tự, thủ tục, thời gian, hiện tượng chồng chéo, sai sót trong công tác xử lý đơn thư vẫn còn”- ông Hạnh nhận định.

Ông Hạnh cho rằng nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay do cơ chế, chính sách, pháp luật còn những bất cập, nhất là các quy định về đất đai, nhà ở, khiếu nại, tố cáo,… “Trong lĩnh vực đất đai, bất cập và vướng mắc nhiều nhất là các quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Trong khi đó, trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đạt yêu cầu, chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ và thiếu khách quan, công tâm trong thực thi công vụ”- ông Hạnh nói.

“Sai sót trong thực thi pháp luật của chúng ta còn lớn lắm”

Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết 98% số vụ khiếu nại tố cáo mà Bộ này giải quyết liên quan tới đất đai. Khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung ở chính sách đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.

“Chính sách pháp luật về đất đai bao giờ cũng bất cập, bởi phải hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nhà nước thì có xu hướng muốn bảo vệ lợi ích của người dân, nhưng trong thực thi thì đây là vấn đề vô cùng khó. Làm sao để hài hòa lợi ích khi người dân lúc nào cũng muốn nhiều hơn, không ai muốn ít hơn. Các địa phương thì muốn tranh thủ thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế. Luật Đất đai 2013 đã hạn chế rất nhiều trường hợp Nhà nước thu hồi đất, các doanh nghiệp muốn có đất phải thỏa thuận, đấu giá, nhưng vẫn còn rất nhiều tồn tại. Nếu được cho người dân thì doanh nghiệp không đầu tư được, được cho doanh nghiệp thì người dân không để cho chúng ta làm một cách thuận lợi nên phải chú ý”- ông Hiển phân tích.

Ông Chu Phạm Ngọc Hiển đề nghị thanh tra Chính phủ tăng cường thanh tra trách nhiệm nhiều hơn nữa trong thời gian tới. “Sai sót trong quản lý Nhà nước, trong thực thi pháp luật của chúng ta lớn lắm, không nhỏ đâu. Ngay cả Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có những sai sót dù quản lý nhà nước trong lĩnh vực này”- ông Hiển dẫn chứng.

Ông Nguyễn Hồng Điệp khẳng định năm 2015 các đoàn khiếu nại, tố cáo đông người sẽ tăng mạnh.

Ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng ban tiếp công dân Trung ương của thanh tra Chính phủ - khẳng định: “Các đoàn khiếu nại, tố cáo đông người năm nay sẽ gia tăng mạnh mẽ. Trong đó rất nhiều người dân có tính cực đoan rất cao, sẵn sàng tự thiêu. Tại các trụ sở tiếp dân Trung ương và thành phố, nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại sứ quán,… luôn có người dân khiếu nại, tố cáo. Đáng chú ý, có nhiều đoàn khiếu nại tố cáo của đồng bào dân tộc thiểu số nên rất dễ bị kích động và khó kiểm soát nhất”- ông Điệp lo lắng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hạnh đề nghị thành lập các Tổ công tác tiếp công dân phục vụ Đại hội XII của Đảng, khi có yêu cầu của trụ sở Tiếp công dân Trung ương thì cử ngay cán bộ có thẩm quyền phối hợp để tiếp và vận động công dân trở về địa phương.

“Đề nghị Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thanh tra Chính phủ tổ chức các đoàn kiểm tra các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban cán sự Đảng một số bộ, ngành Trung ương trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”- ông Hạnh nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật