Lý Hiển Long: ‘Cha truyền cảm hứng cho người Singapore và nước khác’

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bày tỏ sự tôn thờ với ông Lý Quang Diệu, người tạo dựng nên đất nước thịnh vượng, và chia sẻ cả những kỷ niệm giữa hai cha con, trong lễ truy điệu hôm nay.
Lý Hiển Long: ‘Cha truyền cảm hứng cho người Singapore và nước khác’
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong lễ truy điệu ông Lý Quang Diệu chiều nay. Ảnh: Straits Times

"Đây là một tuần u ám với Singapore. Ánh sáng dẫn dắt chúng ta suốt bao năm nay đã tắt. Chúng ta đã mất đi người cha lập quốc Lý Quang Diệu, người đã sống và thở cùng Singapore cả cuộc đời mình", Straits Times dẫn lời ông Lý Hiển Long mở đầu bài điếu văn trong lễ truy điệu cha ông sáng nay.

Ông Lý Quang Diệu không được định hướng làm một chính trị gia khi còn nhỏ, mà ông của ông muốn cháu mình trở thành một quý ông người Anh. Nhưng những trải nghiệm cuộc sống đã để lại dấu ấn sâu sắc với ông. "Ông đã sống sót sau những thử thách cam go, nguy hiểm và sợ hãi trong thời kỳ Chiếm đóng của Nhật. Những điều này đã khiến ông chiến đấu cho độc lập", ông Lý Hiển Long kể về cuộc đời ông Lý Quang Diệu.

Ông Lý Quang Diệu nỗ lực giành độc lập cho Singapore bằng việc thành lập Liên bang Malaysia mới. Sự thất bại khiến Singapore bị trục xuất khỏi Malaysia. Đó là "thời điểm đau đớn", nhưng cũng là bước ngoặt mang lại vận may cho Singapore. "Từ tro tàn ông đã xây dựng nên một quốc gia", ông Lý nói.

"Ông đem đến cho chúng ta lòng dũng cảm để đối diện với tương lai bất trắc. Ông là một người thẳng thắn, không bao giờ né tránh những sự thật khắc nghiệt, với bản thân hoặc với người Singapore", ông Lý Hiển Long nhấn mạnh.

Thủ tướng Singapore cho rằng cha mình trên hết là một chiến binh, trong những cuộc khủng hoảng, khi tất cả dường như rơi vào tuyệt vọng, thì ông Lý Quang Diệu vẫn rất hăng hái, xoay xở không ngừng, vững tâm và kiên định để giành lấy mục tiêu của mình.

Chỉ vài tuần sau khi bị trục xuất khỏi Malaysia, ông Lý Quang Diệu táo bạo tuyên bố 10 năm kể từ lúc này, nơi đây sẽ trở thành một đất nước giàu mạnh và không bao giờ e sợ về điều đó. Và thực sự ông đã biến điều đó thành hiện thực.

Ông Lý Quang Diệu áp dụng nguyên tắc và trật tự, bảo đảm rằng ở Singapore, mọi vấn đề đều được giải quyết. Ông đào tạo thế hệ trẻ, chuyển quan hệ lao động từ đình công và đối đầu sang hợp tác. Ông mở chiến dịch cải tiến kỹ năng và tăng năng suất lao động, gọi đó là cuộc chạy đua không có vạch cuối cùng.

Cựu thủ tướng cũng xây dựng một xã hội nơi tất cả mọi người đều được tận hưởng thành quả của quá trình phát triển, "ông Lý quan tâm đến người dân Singapore, những người mà ông phục vụ", ông Lý Hiển Long nói. Khi đại dịch SARS xảy ra vào năm 2003, Lý Quang Diệu lo lắng cho các tài xế lái taxi, những người bị ảnh hưởng vì khách du lịch không đến, và thúc giục chính phủ tìm cách để giúp họ.

"Một tối ông gọi cho tôi, hỏi rằng có biết cách làm sao giúp một trong những nhân viên an ninh nữ của mẹ tôi nhận nuôi một đứa trẻ không, vì cô ta gặp khó khăn trong việc sinh con. Ông ấy quan tâm đến mọi người không chỉ trên lý thuyết mà rất quan tâm đến cuộc sống cá nhân", thủ tướng Lý kể lại.

Ông Lý Quang Diệu giúp nâng cao vị thế của Singapore trên trường quốc tế. Ông xây dựng một mạng lưới rộng khắp bạn bè và người thân quen, những người còn đang tại vị và về hưu. Ông biết mọi lãnh đạo của Trung Quốc từ Mao Trạch Đông và mọi tổng thống Mỹ từ Lyndon Johnson. Các lãnh đạo khác như Đặng Tiểu Bình, Margaret Thatcher, Helmut Schmidt, George Shultz và cả Bill Clinton và Henry Kissinger, những người tới dự lễ truy điệu hôm nay. Ông Lý Hiển Long cũng ca ngợi các lãnh đạo Singapore đã gắn bó với cha ông, trong đó có các cựu phó thủ tướng Goh Keng Swee, S Rajaratnam.

"Tôi từng gặp một phụ nữ chủ hiệu cơm rang hồi năm 1996, bà ta nói: Hãy nói với ông Lý Quang Diệu là tôi luôn ủng hộ ông. Tôi sinh năm 1948 và tôi biết ông ấy làm việc vì tôi và vì Singapore", thủ tướng Lý kể.

Cố thủ tướng Lý cũng nỗ lực xây dựng Singapore trong sạch và không có tham nhũng. Ngôi nhà của ông rất đơn giản và ông có thói quen chi tiêu thanh đạm. Ông mặc một chiếc áo khoác trong nhiều năm, thậm chí còn vá lại khi bị rách chứ không mua chiếc mới.

Ông Lý Quang Diệu mặc dù rất rõ ràng trong những chiến lược muốn theo đuổi, nhưng cũng không ngại thay đổi khi một chính sách không còn phù hợp. Ông luôn nói rõ về chiến lược, nhưng cũng không bao giờ áp đặt cứng nhắc với một chiến lược cũ khi tình hình thế giới thay đổi.

"Ông vẫn còn tiếp tục học cái mới khi đã có tuổi. Ông bắt đầu học dùng máy tính khi đã 70 tuổi, để viết hồi ký. Mỗi khi ông gọi tôi nhờ giúp, tôi sẽ hướng dẫn cho ông  qua điện thoại các bước lưu lại tài liệu hoặc tìm một file nào đó", ông Lý nói.

Thủ tướng Lý Hiển Long nói mẹ ông là một phần quan trọng trong cuộc đời ông Lý Quang Diệu. "Họ yêu nhau sâu sắc. Bà là một người vợ trung thành và gần gũi, bà đi với ông tới khắp nơi, bà la rầy ông, bà giúp ông viết các bài phát biểu và giữ cho gia đình ấm cúng. Họ là bậc cha mẹ tuyệt vời".

"Năm nay là kỷ niệm 50 năm Singapore độc lập. Chúng tôi hy vọng ông Lý có thể hiện diện cùng chúng tôi vào ngày 9/8 tới để chào mừng, nhưng thật buồn là điều đó không thể xảy ra".

"Tôi lúc trước nói rằng ánh sáng dẫn dắt chúng ta bao năm nay đã tắt, nhưng không hoàn toàn như vậy. Những nguyên tắc và lý tưởng của ông Lý vẫn tiếp tục tiếp thêm sinh lực cho chính phủ này và dẫn dắt người dân chúng ta. Cuộc sống của ông sẽ truyền cảm hứng cho người Singapore, người dân nước khác và các thế hệ sau này", ông Lý Hiển Long nói.

"Chúng ta đau buồn vì cùng mất đi người cha, nhưng chúng ta phải cùng nhau thể hiện một Singapore tốt đẹp nhất của ông Lý Quang Diệu. Hãy cùng đưa đất nước trở thành một thủ phủ vĩ đại theo đúng lý tưởng mà ông đã đấu tranh vì nó, và xứng đáng với những người đưa Singapore trở thành quê hương và đất nước của chúng ta. "Xin cảm ơn ông Lý Quang Diệu, xin hãy yên nghỉ", Thủ tướng Lý kết thúc bài phát biểu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật