Chơi âm thanh hi-end

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau thời iPod, các sản phẩm nghe nhạc di động chuyên dụng tưởng chừng đã thoái trào, nhưng thực tế cuộc chơi âm thanh di động đang tiến lên một bước mới công phu và tốn kém hơn.
Chơi âm thanh hi-end
Astell & Kern AK240 có giá 58 triệu đồng - Ảnh: A.K

Hàng chục năm qua, các thiết bị nghe nhạc di động không ngừng phát triển, ngày càng tiện dụng hơn.

Từ Walkman đến iPod

Ngược dòng lịch sử, vào năm 1979, Hãng Sony gây chấn động thị trường toàn cầu bằng dòng sản phẩm Walkman là một máy cassette kích thước nhỏ, dễ dàng mang theo bên người, cùng chất lượng âm thanh stereo. Kể từ đó, Walkman trở thành một biểu tượng về thiết bị nghe nhạc di động, mở ra cuộc đua mới với sự tham gia của nhiều thương hiệu đình đám.

Năm tháng dần qua, băng từ dần thoái trào và CD lên ngôi, các hãng lại nhanh chóng tung ra dòng máy nghe CD cầm tay thường được gọi là CD Walkman (Discman), rồi máy dùng MiniDisc (loại đĩa có kích thước bằng 2/3 CD, dung lượng xấp xỉ) thường gọi là MiniDisc Walkman. Đến đầu thập niên 2000, nhạc nén số hóa phát triển mạnh với nhiều ưu thế. Đặc biệt, năm 2001, Apple tung ra máy nghe nhạc nén di động iPod và thiết bị này nhanh chóng trở thành biểu tượng mới. Tuy nhiên, nếu như Walkman và Discman làm mưa làm gió trên thị trường suốt 2 thập niên, thì “ngai vàng” của iPod chỉ kéo dài chưa đến 10 năm. Đó là vì tính năng nghe nhạc trên điện thoại di động thông minh (smartphone) ngày càng lấn lướt, khái niệm thiết bị di động đa phương tiện nhanh chóng chiếm lĩnh. Thiết bị nghe nhạc dần mất vị thế, thậm chí “tượng đài” iPod một thời, dù được bổ sung nhiều dòng sản phẩm khác nhau như iPod Touch, iPod Suffle, iPod Nano, cũng không thể tạo ra sức hút như trước.

Thiết bị nghe nhạc chuyên dụng tưởng chừng đã rơi vào quên lãng.

Sony Portable Headphone Amplifier PHA-3 - Ảnh: Sony

Đẳng cấp mới

Thế nhưng, thời gian gần đây, các thiết bị nghe nhạc chuyên dụng dần quay trở lại, khuấy động thị trường bởi chất lượng âm thanh tuyệt hảo. Giờ đây, chơi nhạc di động cũng công phu hơn, không chỉ gắn tai nghe vào máy phát, mà còn phải có sự phối hợp như một bộ dàn âm thanh chuyên dụng.

Theo đó, đầu tiên, người chơi vẫn cần trang bị cho mình một nguồn phát, có thể dùng các dòng smartphone cao cấp, nhưng chọn lựa tốt nhất vẫn là những thiết bị nghe nhạc chuyên dụng cao cấp với giá bán lên đến hàng chục triệu đồng. Điểm nổi bật của dòng máy này là chuyên chơi các định dạng lossless chất lượng cao như WAV, ALAC, FLAC... Tuy nhiên, vì chất lượng cao, nên dung lượng một bản nhạc của các định dạng như thế có thể lên đến 100 MB, nên đòi hỏi máy phải có bộ nhớ lớn, thông thường phải 128 GB, có thêm khe cắm thẻ nhớ. Hiện tại ở thị trường VN, thiết bị nghe nhạc di động hi-end có giá “rẻ rẻ” thì cũng trên 10 triệu đồng như Sony Walkman NWZ-ZX1 128 GB giá xấp xỉ 13 triệu, Sony Walkman NW-ZX2 giá 23 triệu đồng, TEAC HA-P90SD giá 15 triệu đồng. Xịn hơn phải kể đến: Astell & Kern AK240 giá khoảng 58 triệu đồng, Astell & Kern AK120 II khoảng 38 triệu đồng...

Bộ phát là chưa đủ mà nếu chơi chuyên nghiệp, khách hàng còn phải mua thêm bộ Headamp & DAC. Hiểu đơn giản, đây chính là một ampli cầm tay dùng để khuếch đại âm thanh từ các nguồn phát của máy nghe nhạc di động hoặc cả smartphone, máy tính bảng. Ngoài ra, nó còn có thể hỗ trợ chuyển đổi tín hiệu kỹ thuật số sang analog. Tất cả nhằm giúp thưởng thức trọn vẹn các bản nhạc trên những tai nghe công suất lớn, có độ trở kháng cao.

Mức giá của các thiết bị này, nếu thuộc nhóm cao cấp, thì không hề rẻ. Ví dụ, Sony Portable Headphone Amplifier PHA-3 giá xấp xỉ 20 triệu đồng, Lehmannaudio Traveller khoảng 13 triệu đồng... Cuối cùng, bộ tai nghe “xịn” là thứ bạn cần có và mức giá “rẻ rẻ” cũng gần 20 triệu đồng. Vì thế, để sở hữu một bộ thiết bị nghe nhạc di động cao cấp, người ta có thể phải tốn đến cả trăm triệu đồng, đắt hơn cả nhiều bộ dàn âm thanh cao cấp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật