Tiền polymer giòn... như bánh tráng

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo phản ánh của một số người dân tại TP HCM, tờ tiền polymer mệnh giá 500.000 trong số lương mà họ vừa nhận giòn đến độ vừa vò nhẹ đã rách. Điều này càng làm tăng thêm sự lo ngại của dư luận về chất lượng đồng tiền polymer.
Tiền polymer giòn... như bánh tráng
Quá nhiều lỗi xung quanh tờ tiền polymer.

Anh Phạm Duy Khương (ngụ tại nhà S2, Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, TP HCM) với vẻ mặt lo lắng chìa ra tờ tiền polymer mệnh giá 500.000 gần như rách làm ba. Anh Khương là một sinh viên ở tỉnh lên thành phố học, phải đi làm thêm, thu nhập mỗi tháng khoảng 1-1,2 triệu đồng. Sau khi nhận lương vào ngày 5/10, anh trả tiền thuê nhà và tiền nợ mua các vật dụng sinh hoạt.

Khi chị Nguyễn Thị Thanh, chủ tiệm tạp hóa nơi anh Khương mua hàng kiểm tra tiền giả hay thật bằng cách vò nhẹ thì tờ 500.000 đồng polymer lập tức rách làm đôi. Quá ngạc nhiên, anh Khương và người chủ tiệm tiếp tục vò thử lần nữa, kết quả là tờ 500.000 đồng tiếp tục rách.

Tờ tiền bị rách của anh Khương được phát hành năm 2005, có đủ các yếu tố bảo an như in nổi, cửa sổ có dòng số 500.000, hoa văn... So sánh với các tờ tiền cùng mệnh giá khác thì tờ tiền này chẳng có điểm gì khác biệt, ngoại trừ việc nó... giòn như bánh tráng.

Anh Khương cũng đã mang tờ 500.000 đồng này đến một tiệm vàng nhờ soi thử, kết quả được tiệm vàng xác định là tiền thật. Chị Nguyễn Thị Thanh cho biết: "Trước nay khi nhận tiền polymer 500.000 đồng, tôi đều vò để phân biệt tiền thật hay giả theo hướng dẫn của ngân hàng mà tôi đọc được trên báo. Chưa gặp trường hợp thế này bao giờ. Trước khi vò tiền, tôi thấy nó không hề bị rách, dù là vết nhỏ. Tội nghiệp thằng nhỏ, mất hết nửa tháng lương vì tờ polymer kia".

Màu sắc không đồng nhất

Cũng tại TP HCM, một người dân khác còn nhận được một tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng với màu sắc không đồng nhất. Có một vài tờ tiền theo họ có màu xanh đậm, nhạt khác nhau dù có cùng năm phát hành.

Trưởng phòng kho quỹ một ngân hàng thương mại cổ phần nhận xét: Chất lượng in giữa các tờ tiền polymer không đồng đều. Khi gặp nước, tờ tiền polymer hay bị lem làm cho bề mặt của tờ tiền không được sạch lắm. Độ mềm, dai của các tờ tiền polymer cũng khác nhau. Về màu sắc cũng không được nét, mịn. Thêm vào đó, màu của một số đồng tiền polymer mệnh giá khác nhau nhưng rất giống nhau nên khó phân biệt.

Serier là dãy số 0

Gần đây, một ngân hàng thương mại trên địa bàn TP HCM cũng phát hiện ra chuyện hy hữu. Khi khách hàng đến gửi tiết kiệm, nhân viên ngân hàng phát hiện trong đó có một tờ tiền polymer mệnh giá 500.000 có hàng số serier toàn là số 0.

Lý giải về vấn đề này, ông Hồ Hữu Hạnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, khi có một mẫu tiền mới được đưa ra lưu thông, Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển cho các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, Kho bạc những đặc điểm nhận biết và có kèm theo một vài tờ tiền mẫu. Tờ tiền mẫu thường có số serier là dãy số không (0) và 2 mặt của tờ tiền mẫu sẽ có chữ "tiền mẫu" hoặc "SPECIMEN".

"Tờ tiền có dãy số serier toàn là số 0 mà ngân hàng thương mại nộp lên cho Ngân hàng Nhà nước có chữ "SPECIMEN" nên đây không phải lỗi kỹ thuật mà do một đơn vị nào đó đã đem tờ tiền mẫu ra lưu thông. Ngân hàng Nhà nước cũng khó biết được tờ tiền mẫu này từ đâu ra", ông nói.

Về trường hợp người dân nhận tiền từ ngân hàng, một số "tép" tiền mới dù vẫn còn nguyên giấy niêm phong nhưng lại có các số serier trên các tờ tiền không liên tục, chẳng hạn, từ 2 số serier cuối là 14 rồi nhảy sang 16, ông Hạnh cho rằng có thể trong khâu in, tờ tiền có 2 số serier sau cùng là 15 bị lỗi nên được nhân viên kỹ thuật thay bằng một tờ khác, đặt ở vị trí khác".

Một nhân viên ngân hàng thì tiết lộ, theo tiêu chuẩn, 1 tép tiền từ Ngân hàng Nhà nước đưa ra phải đủ 100 tờ nhưng trên thực tế có tép chỉ có 99 tờ, có tép lên đến 101 tờ. Điều này cho thấy rõ ràng có vấn đề trong khâu in và bó tiền.

(Theo Thanh Niên)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật