Mỹ có thể ngăn Trung Quốc lộng hành ở châu Á?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỹ không thể ngăn Trung Quốc xây dựng trái phép các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông nhưng Washigton có thể khiến Bắc Kinh phải dần dần trả giá đắt vì hành động lộng hành ở vùng biển chiến lược này.
Mỹ có thể ngăn Trung Quốc lộng hành ở châu Á?
Cuối năm 2013, Trung Quốc tuyên bố thiết lập “vùng phòng không“ trên biển Hoa Đông đúng thời điểm Mỹ - Nhật tiến hành một cuộc tập trận chung gần đảo Okinawa.

Theo tạp chí National Interest, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã âm mưu thay đổi trật tự thế giới tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi tăng tốc xây dựng các hòn đảo trái phép trên Biển Đông. Trong đó, mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh là dần thay thế vị trí của Mỹ để trở thành lực lượng chiếm thế thượng phong tại đây.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã rất khôn khéo trong việc tránh để các hành động bành trướng kích động một cuộc chiến tranh hay vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Những việc làm giúp Bắc Kinh chiếm lợi thế cả về mặt chính trị, kinh tế và quân sự đã khiến các quốc gia láng giềng vô cùng quan ngại và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Song, hành động bành trướng của Bắc Kinh lại dường như vắng bóng trên các tờ báo lớn của Mỹ hoặc bị chính phủ của Tổng thống Barack Obama đưa vào danh mục báo động nguy hiểm giống như tình hình tại Ukraine và cuộc chiến chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS ở Trung Đông.

Về phần mình, trong 20 năm qua, Trung Quốc đã chú trọng tập trung phát triển năng lực quân sự quy mô lớn với sự góp mặt của các loại vũ khí "chống tiếp cận, ngăn chặn khu vực" và cả các chiến thuật đối phó với Mỹ.

Liên quan tới hành động bành trướng xâm chiếm chủ quyền tại khu vực châu Á, trong năm 2013, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố thiết lập "vùng nhận diện phòng không" trên biển Hoa Đông bao trùm không phận quần đảo tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo: Senkaku/Điếu Ngư.

Trong đó, mục đích của Trung Quốc là ngăn chặn mọi sự can thiệp từ lực lượng bên ngoài tiếp cận tới khu vực mà quốc gia này gọi là "đường chín đoạn" trên Biển Đông. Trong vùng phòng không này, Bắc Kinh đang cố gắng giành chủ quyền với những vùng biển kéo dài tới "Chuỗi đảo thứ hai" bắt đầu từ phía bắc quần đảo Nhật Bản cho đến đảo Halmahera của Indonesia. Còn trên khu vực Biển Đông, Trung Quốc đang ngang nhiên xâm chiếm nhiều bãi đá xảy ra tranh chấp chủ quyền như bãi cạn Scarborough.

Trung Quốc xây cảng và sân bay trên một hòn đảo đang xảy ra tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Đặc biệt, Bắc Kinh còn hung hăng thách thức cả lực lượng máy bay tình báo và tàu thuyền của hải quân Mỹ, gây nguy hiểm cho tính mạng của quân nhân hai nước. Trung Quốc còn tài trợ nhiên liệu cho ngư dân nước nhà tới đánh bắt tại vùng biển nằm trong khu vực "đường chín đoạn" và trợ giá lắp đặt hệ thống GPS để hiện thực hóa dần dần âm mưu xâm chiếm chủ quyền.

Việc lắp đặt hệ thống GPS cho các tàu cá là nhằm giúp ngư dân có thể nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc trong trường hợp vấp phải sự ngăn cản từ lực lượng chấp pháp của các nước láng giềng.

Hồi tháng 5/2014, Trung Quốc còn cho hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả những hành động ngang ngược của Trung Quốc đều chưa đạt tới ngưỡng khấy động một cuộc chiến trong khu vực hoặc tạo ra một cuộc khủng hoảng quy mô lớn buộc các nước láng giềng liên thủ để đối phó với Bắc Kinh. Và đây chính là âm mưu của chính quyền Trung Quốc.

Mỹ làm gì để ngăn Trung Quốc?

Mặc dù, trong vài năm qua, một số nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cũng triển khai các dự án xây đảo nhân tạo trái phép những rõ ràng, quy mô và tần suất của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều. Nguy hiểm hơn, Bắc Kinh còn có thể tận dụng các đảo nhân tạo này để xây dựng căn cứ hải quân, sân bay, kho chứa radar và vũ khí chống hạm, cũng như kho tiếp nhiên liệu cho các tàu cá và lực lượng bảo vệ bờ biển. Nói cách khác, Trung Quốc đang âm mưu dần biến khu vực Biển Đông thành "cái hồ của Bắc Kinh" và giành quyền bá chủ.

Ngay cả trong một cuộc họp báo gần đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi vẫn rất xảo ngôn khi cho rằng: "Trung Quốc đang có những hành động kiềm chế và trách nhiệm. Các nước bên ngoài không có quyền đưa ra những cáo buộc vô căn cứ. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ tôn trọng những cam kết, và thận trọng với cách phát ngôn cũng như hành động, đồng thời tăng cường cải thiện mối quan hệ Trung – Mỹ và nền hòa bình, ổn định trong khu vực".

Tàu hải cảnh Trung Quốc tới bảo vệ cho giàn khoan Hải Dương-981 hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5/2014.

Do đó, theo National Interest để đối phó với việc Bắc Kinh ngang nhiên thay đổi trật tự quốc tế trên Biển Đông, Mỹ và các nước trong khu vực cần cho Trung Quốc thấy cái giá phải trả cho hành động này.

Cách tốt nhất là chính quyền của Tổng thống Obama cần thay đổi giọng điệu trong các cuộc đối thoại với Trung Quốc. Theo đó, Washington không nên trông chờ vào những lời hứa hẹn về việc Bắc Kinh sẽ trở thành một đối tác tốt hay theo đuổi "một mô hình mới quan hệ giữa các cường quốc". Thay vào đó, ông Obama cần thay đổi mạnh mẽ chiến lược hiện tại và cho Trung Quốc thấy rằng họ đang vượt qua giới hạn cho phép.

Chia sẻ trên tạp chí Wall Street Journal, ông Richard Fontaine, Chủ tịch Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) nhận định: "Mỹ và các đối tác châu Á nên tận dụng những hành động ngang nhiên của Bắc Kinh trong thời gian gần đây tại khu vực Biển Đông để tăng cường mối quan hệ hợp tác an ninh. Đây không chỉ là phương pháp kiềm chế Trung Quốc mà quan trọng hơn là tạo thế cân bằng trước thái độ hung hăng của Bắc Kinh".

Nói cách khác, Tổng thống Obama nên giải thích với các quốc gia rằng bất cứ ai muốn tìm cách thay đổi trật tự thế giới sẽ không còn được coi là đối tác của Mỹ và Washington sẽ hợp tác với các nước khác trong khu vực để "cân bằng" những hành động sai trái.

Tàu cá Trung Quốc được chính phủ nước này hỗ trợ lắp đặt hệ thống GPS.

Còn theo Giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Chicago tại Mỹ, ông John J. Mearsheimer, Trung Quốc nên biết rằng họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả khôn lường nếu tiếp tục bành trướng trên Biển Đông.

Các bằng chứng lịch sử là minh chứng rõ nhất cho thấy giới chính trị gia Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu như Trung Quốc cố gắng giành thế thượng phong tại châu Á. Kể từ khi trở thành cường quốc số 1 trên thế giới, Mỹ không bao giờ chấp nhận việc để một đối thủ cạnh tranh tồn tại. Do đó, trong tương lai, Mỹ sẽ có những bước tiến dài trên hành trình kiềm chế Trung Quốc và loại bỏ hoàn toàn khả năng thống lĩnh khu vực châu Á của Bắc Kinh. Nói cách khác, Mỹ sẽ cư xử với Trung Quốc theo như cách nước này đã làm với Liên Xô cũ trong giai đoạn chiến tranh Lạnh.

Trong khi đó, hoạt động mở rộng bành trướng của Trung Quốc cũng đang khiến các nước châu Á vô cùng quan ngại và họ có thể liên thủ cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài để ngăn Bắc Kinh hiện thực hóa âm mưu bá chủ khu vực. Giờ đây, không chỉ các nước lớn như Ấn Độ, Nhật Bản và Nga mà cả Singapore, Hàn Quốc cũng đang theo dõi sát sao từng động thái của Trung Quốc và tìm cách kiềm chế sức mạnh của nước này. Do đó, không loại trừ khả năng các nước trên sẽ tham gia liên minh cân bằng sức mạnh do Mỹ dẫn đầu để hạn chế sự trỗi dậy của Trung Quốc như cách mà Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và cả Trung Quốc gia nhập lực lượng của Mỹ để kiềm chế Liên Xô cũ trong giai đoạn chiến tranh Lạnh.

Mỹ có thể tài trợ vũ khí và phương tiện quân sự cho các nước đồng minh châu Á trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc.

Một khi triển khai chiến lược "cân bằng", Mỹ sẽ có những hành động can thiệp và hỗ trợ sức mạnh quân sự cho các nước trong khu vực để chống lại Trung Quốc. Điển hình, Washington có thể quyết định đây chính là thời điểm để bán cho Đài Loan các chiến đấu cơ F-16 C/D mà Đài Bắc đã đề xuất hàng năm qua. Washington còn có thể giúp Đài Loan hiện đại hóa chương trình tàu ngầm nội địa và để ngỏ khả năng chuyển các tiêm kích F-35 cho Đài Bắc. Nói cách khác, Mỹ cần cho Trung Quốc thấy rằng nếu Bắc Kinh có những động thái củng cố vị trí trong khu vực, họ sẽ vấp phải sự đối đầu mạnh mẽ của liên minh mà Washington dẫn đầu.

Nói tóm lại, National Interest nhận định nếu muốn kiềm chế được Trung Quốc, Washington cần xây dựng một chiến lược tổng thể không chỉ cho nhằm tới lợi ích kinh tế mà còn phải nhắc nhở Bắc Kinh về cái giá mà nước này phải trả khi triển khai những hành động bắt nạt láng giềng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật