Trên 100 cây lộc vừng trồng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Khu vực quảng trường của phố đi bộ Nguyễn Huệ (nằm ở đoạn từ Lê Lợi đến công viên Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM) sẽ được trồng 106 cây Lộc vừng” - chủ đầu tư dự án nâng cấp, cảo tạo đường Nguyễn Huệ là Khu quản lý Giao thông Đô thị số 1 cho biết hôm 6-3.
Trên 100 cây lộc vừng trồng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ
Hoa Lộc vừng xum xuê, buông xuống như bức mành màu đỏ rất đẹp.

Trước đó, TP.HCM đã chọn cây Lộc vừng thay thế cho cây Lim sét, trồng trên hai dãy phân cách trước quảng trường của phố đi bộ, đoạn từ Lê Lợi đến công viên Bạch Đằng. Theo Khu 1, các cây được trồng có dáng thẳng, không sâu bệnh và cao từ 4,5-7,5m, đường kính tán từ 2-3,7m và phân cành không làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Cây Lộc vừng được cho hội đủ các tiêu chí về cây cảnh đô thị hiện đại, có thể trở thành biểu tượng hiện đại giữa trung tâm thành phố.

Một số quan niệm còn xếp Lộc vừng vào danh sách “tứ quý”, gồm Sanh, Sung, Tùng, Lộc. Trong đó, Lộc vừng là biểu tượng của sự may mắn, sung túc, bởi chữ “Lộc” ứng với Tài lộc, còn chữ “Vừng” ngụ ý là nhỏ nhưng nhiều, thêm vào sự xum xuê buông xuống của hoa như bức mành màu đỏ rất đẹp, mang ý nghĩa về sự thịnh vượng. Đặc biệt, Lộc vừng hoa đỏ sống lâu năm, hoa không có mùi hôi, nở rộ vào sáng sớm và chiều tối, có mùa ra hoa rõ rệt. Hoa nở khoe sắc đem lại nét đẹp lãng mạn, yên bình cho phố thị vốn ồn ào náo nhiệt.

Cây Lộc vừng thay lá cũng tạo sự thích thú cho nhiều người.

Loài cây này được nhiều người ưa chuộng, trồng trong vườn nhà, các công trình khách sạn, dinh thự, khu đô thị…

Tuy nhiên, nhược điểm loại cây này là lá to, khi rụng xuống gặp trời mưa cuốn trôi ra cống rãnh dễ gây tắc nghẽn. Ngoài ra, lá cây này cũng rất “hút” côn trùng, nếu không được chăm sóc cẩn thận và trừ sâu đúng cách thì cây sẽ bị côn trùng ăn lá ảnh hưởng đến tuổi thọ và khả năng ra hoa.

Cây Sứ, cây Dầu đã được trồng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, đoạn từ Lê Thánh Tôn đến Lê Lợi. Ảnh: MP

Cũng ở dự án phố đi bộ, trên vỉa hè của đường Nguyễn Huệ đoạn từ Lê Lợi đến công viên Bạch Đằng, TP.HCM cũng quyết định thay thế cây Giáng hương trồng trên vỉa hè thay vì dự định trồng cây Dầu.

Còn ở đoạn từ Lê Thánh Tôn đến Lê Lợi của phố đi bộ có gần 20 cây Dầu được trồng hai bên vỉa hè đường Nguyễn Huệ; đồng thời xung quanh tượng đài Bác Hồ được trồng các cây Sứ.

Dự án nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ đầu tiên của TP.HCM, có điểm nhấn là công trình tượng đài Bác Hồ được xây dựng mới được thực hiện để chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015).

Dự án có các hạng mục xây dựng chính gồm nâng cấp, cải tạo mặt đường và vỉa hè hiện hữu bằng đá tự nhiên thành quảng trường đi bộ; xây lại hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, cây xanh và mảng xanh, hệ thống chiếu sáng công cộng và chiếu sáng nghệ thuật…, đài phun nước; xây ngầm trung tâm điều khiển ánh sáng, nhạc nước, âm thanh, camera, nhà vệ sinh công cộng... Toàn bộ dự án sẽ hoàn thành trong dịp 30-4 tới đây.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật