Mỹ - Israel thủ thế

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Washington cam kết sẽ thực hiện bất kỳ bước đi cần thiết nào để ngăn Tehran có bom hạt nhân.
Mỹ - Israel thủ thế
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đọc diễn văn trước quốc hội Mỹ hôm 3-3 Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 3-3 đã đọc bài diễn văn trước lưỡng viện quốc hội Mỹ, trong đó thúc giục cơ quan này phản đối một thỏa thuận hạt nhân có thể giữa nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức) và Iran bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Tehran.

Lời kêu gọi này chắc chắn khiến Nhà Trắng tức giận giữa lúc các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Tehran bước vào giai đoạn sống còn. Một loạt thông điệp cảnh báo lẫn trấn an đã được Nhà Trắng gửi đến ông Netanyahu và quốc hội Mỹ nhằm giảm thiểu tác động của bài diễn văn.

Trả lời phỏng vấn Reuters hôm 2-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Iran phải cam kết đóng băng hoạt động hạt nhân trong ít nhất 10 năm nếu có bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào đạt được - đòi hỏi bị Tehran bác bỏ 1 ngày sau đó. Ông Obama cũng quả quyết những bất đồng về Iran không thể phá hủy quan hệ Mỹ - Israel. Dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ thừa nhận ông từng sai lầm khi phản đối thỏa thuận hạt nhân tạm thời đạt được vào năm ngoái.

Trước đó, ông Netanyahu bắt đầu chuyến thăm Mỹ bằng lời cảnh báo mạnh mẽ rằng thỏa thuận mà P5+1 và Iran đang thương thảo có thể “đe dọa sự tồn vong” của Israel. Trong bài diễn văn tại hội nghị thường niên của Ủy ban Các vấn đề chung Mỹ - Israel (AIPAC) hôm 2-3, nhà lãnh đạo Israel khẳng định ông có “nghĩa vụ đạo đức” phải lên tiếng cảnh báo về mối nguy này. Dù vậy, để tránh làm nước chủ nhà thêm phật lòng, ông Netanyahu xoa dịu rằng quan hệ Mỹ - Israel đang “mạnh mẽ hơn bao giờ hết” và Tel Aviv đánh giá cao sự ủng hộ về quân sự, ngoại giao của Washington.

Ở chiều ngược lại, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power cũng trấn an ông Netanyahu khi khẳng định cam kết mà Mỹ dành cho Israel không hề lung lay và Washington sẽ thực hiện bất kỳ bước đi cần thiết nào để ngăn Tehran có bom hạt nhân.

Không chỉ khiến quan hệ Mỹ - Israel căng thẳng, chuyến “du thuyết” của ông Netanyahu còn gây chia rẽ giữa Tel Aviv với các nghị sĩ Đảng Dân chủ. Phe Dân chủ giận dữ vì Chủ tịch Hạ viện John Beohner, một người Đảng Cộng hòa, mời nhà lãnh đạo Israel phát biểu mà không tham vấn Nhà Trắng, một hành động bị xem là vi phạm nghi thức ngoại giao.

Theo báo The Hill, ít nhất 55 nghị sĩ Dân chủ, cùng với Phó Tổng thống Joe Biden, không đến nghe những gì ông Netanyahu nói. Đã xuất hiện những cáo buộc rằng bài diễn văn của nhà lãnh đạo Israel là hành động có tính toán về chính trị - vừa tìm kiếm sự ủng hộ của phe Cộng hòa vừa là một phần của chiến dịch vận động tranh cử tại quê nhà. Israel sẽ bước vào tổng tuyển cử ngày 17-3 tới.

Trong khi đó, Mỹ - Iran đang chạy nước rút đàm phán tại thị trấn Montreaux - Thụy Sĩ. Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Javad Zarif hội đàm trong 90 phút hôm 2-3, ngày đầu tiên của cuộc gặp kéo dài 3 ngày. Tại đây, ông Kerry một lần nữa nhắc khéo Israel không được phá hoại quá trình đàm phán với Iran. Tương tự, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice kêu gọi quốc hội không nên áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Iran trong thời gian đàm phán để tránh phá hoại các nỗ lực ngoại giao. Ngày 31-3 là hạn chót để Iran và P5+1 đạt được một thỏa thuận khung trước khi hướng đến mục tiêu đạt được thỏa thuận cuối cùng vào “giờ G” 30-6.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật