Nữ bác sĩ chạy đua với tử thần giành mạng sống trẻ sơ sinh

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhìn bác sĩ Thu Hà nâng niu bàn tay nhỏ xíu huơ lên, cứ ngỡ chị là người mẹ của bé chứ không chỉ bác sĩ hồi sức sơ sinh.
Nữ bác sĩ chạy đua với tử thần giành mạng sống trẻ sơ sinh
Bác sĩ Lê Thị Thu Hà. Ảnh: Lê Mai.

Một ngày 24 giờ trở nên quá ít ỏi với bác sĩ Lê Thị Thu Hà ở khoa Hồi sức sơ sinh, bệnh viện Nhi trung ương. Chị Hà thường bắt đầu ngày mới lúc 4h sáng để đọc sách, nghiên cứu tài liệu, học tập. Đó là khoảng thời gian ít ỏi chị dành cho bản thân, còn lại tâm trí của chị hầu như dồn cả cho những em bé mới chào đời được vài ngày, mang đủ thứ trọng bệnh cần bàn tay chăm sóc của bác sĩ.

Bác sĩ Hà sinh trưởng trong gia đình có cha là bác sĩ khoa Hồi sức bệnh viện Trung Ương quân đội 108. Ngay từ nhỏ, chứng kiến công việc cứu chữa người bệnh của cha, chị đã nuôi ước mơ trở thành bác sĩ để cứu người, giúp ích cho đời. Ước mơ ấy được nuôi dưỡng bằng những tháng ngày học tập miệt mài và cuối cùng đã cho quả ngọt khi chị trở thành sinh viên Đại học Y Hà Nội. Vốn rất yêu trẻ, chị chọn theo học chuyên ngành nhi. Ra trường, bác sĩ Hà về làm việc tại bệnh viện viện Nhi trung ương.

Như các bác sĩ trẻ mới ra trường, chị Hà thường xuyên luân khoa để có thêm kinh nghiệm. Chị cảm nhận thật rõ tình yêu đặc biệt dành cho các bé sơ sinh. Dù biết công việc tại khoa sơ sinh sẽ đặc biệt vất vả, chị vẫn quyết tâm theo đuổi. Với chị, được chăm sóc các thiên thần bé nhỏ là niềm hạnh phúc vô giá. 14 năm làm việc tại khoa sơ sinh đong đầy những kỷ niệm trong chị. Giây phút được nhìn ngắm các bé sơ sinh thay đổi mỗi ngày: từ lúc vào viện nhỏ xíu trong 2 bàn tay đến khi ra viện phổng phao khỏe mạnh khiến người bác sĩ như chị càng vững tâm bám trụ với nghề.

Trường hợp bệnh nhi Lê Thanh Tú, bé trai sinh non, mắc nhiều trọng bệnh để lại trong bác sĩ Hà nhiều xúc động. Chào đời mới được 4 ngày tuổi, bé Tú đã phải lên bàn mổ vì hoại tử ruột non và dạ dày. Sau ca phẫu thuật, sức đề kháng kém nên bé mắc liên tiếp nhiều vấn đề nghiêm trọng: nhiễm trùng vết mổ, tràn dịch màng phổi, có huyết khối tĩnh mạch và phải điều trị tích cực tại khoa Hồi sức sơ sinh hơn 2 tháng. Các bác sĩ và cán bộ điều dưỡng phải chạy đua với thời gian để giành lại sự sống cho Tú. Nhiều lúc họ thót tim theo từng tiếng tít tít từ máy thở của bé. Sau chuỗi ngày căng thẳng như dây đàn, nhiều đêm thức trắng bên giường bệnh nhi, sự vất vả của bác sĩ Hà và đồng nghiệp cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng. Sự hồi sinh của bé sau những khoảnh khắc chỉ cách tử thần trong gang tấc là một điều kỳ diệu với gia đình em và cả đội ngũ thầy thuốc khoa Hồi sức sơ sinh.

Bác sĩ Hà cho biết, việc cứu chữa những cháu bé như Thanh Tú là công việc thường ngày của chị và các đồng nghiệp. Trung bình mỗi ngày, khoa chăm sóc cho khoảng 150-160 bé sơ sinh, trong đó gần một nửa là trẻ sinh non chuyển từ các tỉnh xa về trong tình trạng rất nguy kịch.

“Nhìn những cháu bé mới chỉ mấy ngày tuổi thiêm thiếp trong lồng ấp với đủ các thứ dây dợ, máy móc xung quanh, không ai khỏi xót xa. Có những gia đình mà người cha, người mẹ liên tiếp trải qua 2 lần mất con từ lúc mới lọt lòng. Những lúc như vậy, tôi hiểu nhiệm vụ của mình không chỉ là cứu một đứa trẻ, mà còn cứu cả những niềm hy vọng chỉ còn le lói của gia đình các bé”, bác sĩ Hà thổ lộ.

Bác sĩ Hà đang thăm khám cho bệnh nhi sơ sinh. Ảnh: Lê Mai.

Trong những năm gắn bó với chuyên ngành hồi sức sơ sinh, cũng có những lần chị Hà và đồng nghiệp phải bó tay với các trường hợp bệnh nhi quá nặng. Với chị, mỗi trẻ t‌ử von‌g là một nhát cắt khó phai trong lòng. Đằng sau chiếc khẩu trang trắng, những giọt nước mắt rơi. “ Mỗi lần như vậy, chúng tôi đều tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn, phải làm thế nào để những tình huống như thế không còn lặp lại nữa”, chị Hà trầm giọng, mắt ngân ngấn nước, chia sẻ. Tình yêu của chị dành cho các bé sơ sinh không đơn thuần chỉ là niềm đam mê và trách nhiệm vì người bệnh của một bác sĩ giỏi mà đó còn là cảm xúc từ trái tim của một người mẹ luôn đau đáu vì con, có sự đồng cảm và thấu hiểu với những gia đình thấp thỏm trước bệnh tình của con.

Nói về người đồng nghiệp, tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó giám đốc bệnh viện Nhi trung ương cho biết: “Ở bác sĩ Thu Hà, tôi luôn cảm nhận được sự tin cậy, tôn trọng, quý mến. Không chỉ tận tình giúp đỡ về chuyên môn cho các bác sĩ trẻ tại bệnh viện Nhi, chị Hà còn tham gia giảng dạy và đào tạo cho các bác sĩ tuyến dưới, góp phần xây dựng mạng lưới các bác sĩ về sơ sinh trong khu vực miền Bắc.”

Trong mắt những ông bố, bà mẹ đang có con điều trị tại khoa Hồi sức sơ sinh, hình ảnh bác sĩ Lê Thị Thu Hà luôn gắn liền với sự tin tưởng, trìu mến. Chị Nguyễn Thị Hương (Bắc Giang) sinh đôi hai bé đã ở nằm ở khoa gần 3 tháng nay cho biết: “Suốt thời gian con nằm ở đây, tôi lúc nào cũng thấy các bác sĩ luôn chân luôn tay với bệnh nhân, đến mức như không còn thời gian để bình tâm mà thở nữa. Bác sĩ Hà cũng vậy. Thời gian nhẹ nhàng nhất của chị ấy có lẽ là lúc lên thăm bé và hướng dẫn các mẹ chăm sóc con”.

Chị Trần Thị Thanh, một người mẹ có con vừa may mắn thoát khỏi cửa tử xúc động cho biết, ngày con chị phải nhập viện rồi điều trị cách ly, gia đình có lúc sợ hãi tưởng mất con. "Quãng thời gian bé phải nằm viện quá nhiều, nhiều khi bố mẹ cảm thấy mệt mỏi, mất hy vọng... Nhưng thấy các bác sĩ rất tận tình, nhất là bác sĩ Hà - người trực tiếp điều trị cho bé - hay ân cần động viên, mình lại thấy ấm lòng, có thêm niềm tin để cùng con chiến đấu tiếp với bệnh tật", chị Thanh nói.

Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh bây giờ đã trở thành mái nhà thân yêu thứ hai của bác sĩ Hà. Nơi đây, chị có người thân là các bệnh nhi và gia đình người bệnh, những con người làm cho từng giây phút của cuộc đời chị đều trở nên ý nghĩa hơn.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật