Từ cây gây hại trở thành đặc sản vùng đất Mũi

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Về vùng đất tận cùng Tổ quốc - Cà Mau, nơi xưa kia “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tự bánh canh” nay đã sản sinh nhiều món ngon nổi tiếng như cua Năm Căn, ba khía muối Rạch Gốc… Và không thể không nhắc đến món dưa bồn bồn.
Từ cây gây hại trở thành đặc sản vùng đất Mũi
Những năm gần đây cây bồn bồn trở thành một món đặc sản của vùng đất Mũi - Cà Mau

Cái nôi của đặc sản “Dưa bồn bồn” chính là vùng đất Cái Nước anh hùng. Bây giờ, dưa bồn bồn đã trở thành đặc sản ẩm thực của huyện Cái Nước nói riêng và Cà Mau nói chung. Tuy nhiên, ít du khách đến với miền đất Mũi thưởng thức dưa bồn bồn biết rằng, trước đây loại cây này là cây gây hại, người dân phải ra sức tiêu diệt.

Từ loài cây gây hại...

Theo lời kể của ông bà xưa, không biết bồn bồn có từ bao giờ, chỉ biết cách đây rất lâu từ thời đất nước còn chiến tranh, bồn bồn đã tồn tại trong tự nhiên và phát triển rất mạnh ở các huyện Cái Nước, Trần Văn Thời, Đầm Dơi.

Xuôi xe từ TP Cà Mau chạy khoảng gần 30km qua chợ Rau Dừa, đến xã Tân Hưng Tây là vùng bày bán đặc sản dưa bồn bồn.

Xưa kia cây bồn bồn chỉ là cây gây hại cho người bà con nông dân trồng lúa

Tôi dừng xe tại một chòi lá, lân la hỏi mua bồn bồn của một cụ bà tóc đã điểm bạc. Cụ là Nguyễn Mỹ Liên (70 tuổi) có nhiều năm kinh nghiệm trong việc làm dưa bồn bồn. Cụ cho biết: “Cái thời chống Mỹ, đồn bốt giặc còn đặt ở vùng đất Cái Nước mình, cây bồn bồn cùng với năn là những loài thực vật chủ yếu làm lên màu xanh bạt ngàn của lung đất thấp trũng”.

Trước năm 2.000, Cà Mau chưa thực hiện chuyển đất trồng lúa sang nuôi tôm, Cái Nước là vùng đất phèn, một năm người dân chỉ làm được một vụ lúa. Theo lời kể của bà cụ Tư, cứ vào khoảng tháng 4, tháng 5 (âm lịch) hàng năm, mùa mưa đến là lúc cây cỏ trỗi dậy, bồn bồn cũng không ngoại lệ, và còn tỏ ra mạnh mẽ hơn, lúc nào cũng đâm chồi trước hết và chỉ sau khoảng 2 tháng sẽ đầy ắp ruộng đồng.

Thời ấy, ở bất kỳ đâu chúng đều sống được, khi tập trung thành vùng rộng lớn trùng trùng lớp lớp, sát vào nhau như cố thủ không cho bất kỳ loài nào khác vươn lên trong cùng hệ sinh thái, khi lại đâm thẳng lên từ những đám năn bịt bùng, lúc lại trỗi dậy từ trong sự khắc nghiệt của đám cỏ chỉ, cỏ lau. Sức sống của bồn bồn mãnh liệt là thế, nhưng cũng chính sự dẻo dai, tham sống của loài cây này mà nó đã trở thành “cái gai” trong mắt của người dân.

Tới khoảng tháng 6, tháng 7 bà con tiến hành phát cỏ để tiến hành vụ lúa cấy. Đây là lúc người nông dân “uất hận” bồn bồn, đơn giản là họ phải phát dọn sạch đất ruộng, trong đó chủ yếu là bồn bồn và năn để cấy lúa.

Mốc đánh dấu sự thay đổi về mặt giá trị của bồn bồn là sau năm 2000, bắt đầu thực hiện chuyển dịch sang nuôi tôm. Cây bồn bồn mất đi lợi thế sinh trưởng khi nước bị nhiễm mặn. Sau đó vùng đất Cái Nước được khép kín, nguồn nước ngọt trở lại và cây bồn bồn chẳng biết ở đâu, như mũi lê, mũi mác lại từ đất lao lên.

... Trở thành đặc sản và cây kinh tế

Tiếp tục hành trình theo quốc lộ 1A hướng về huyện Năm Căn thêm vài cây số, khách thập phương không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh miền quê độc đáo. Bên sườn quốc lộ những ruộng bồn bồn xanh rì, trải dài chẳng khác gì ruộng lúa thẳng cánh cò bay. Còn dọc theo sát mé hai bên tuyến đường, hàng trăm, hàng ngàn cửa hàng mini bán dưa bồn bồn và mắm tôm nằm khoe sắc rực rỡ giữa trời nắng tran hòa…

Ban đầu chỉ có một hai hộ dân đưa bồn bồn tươi ra bán trước nhà với lời mời chào khách “Món ngon dân dã”. Ấy vậy mà làm ăn được, mô hình tự phát được nhân rộng. Đến thời điểm khoảng năm 2006, cây bồn không phải tự mọc nữa mà người dân bắt đầu nhân giống trồng để làm dưa và bán tươi cho khách qua đường.

Cà Mau có đặc sản dưa bồn bồn.

Cứ thế, một người bán, 10 người bán, 100 người bán,… Còn người mua thì rất nhiều, trong đó có người ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Sài Gòn, thậm chí cả ở Hà Nội… Tiếng lành đồn xa, và theo quy luật của tự nhiên “Món ngon dân dã” bằng những mùi vị đặc trưng đã khẳng định được vị thế, chuyển mình thành đặc sản “Dưa bồn bồn”.

Bà Nguyễn Thị Ti ở ấp Đông Hưng chia sẻ: “Vị đặc trưng của đặc sản dưa bồn bồn là chua chua, ngọt ngọt, giòn giòn. Cách làm dưa bồn bồn cũng không quá khó, chỉ cần chắt nước cơm đục (nước cơm nấu từ gạo), pha cùng với nước cơm trong (nước vo gạo). Sau đó thêm muối, đường vào theo nhiều công thức được người dân dùng khác nhau. Khâu pha nước và nêm muối và đường là khâu quan trọng, được cho là bí quyết làm lên hương vị thơm ngon của dưa bồn bồn. Đổ nước đã pha vào keo bồn bồn, để khoảng 2 ngày có thể ăn”.

Sau thời gian người dân bắt đầu trồng bồn bồn để bán, đến năm 2010, nhiều hộ đổ xô trồng và diện tích không ngừng tăng. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường lớn nên bồn bồn không bao giờ ế hàng. Năm 2011, Tổ hợp tác trồng bồn bồn ấp Đông Hưng được hình thành phát triển, hiện tổ có 24 thành viên, diện tích 18 ha. Trong năm 2014, tổng thu nhập của tổ khoảng 2 tỷ đồng.

Anh Chung Minh Đúng, Tổ trưởng cho biết: Trước tới nay bồn bồn luôn ổn định giá và tăng đều. Năm trước, 20.000 đồng/kg bồn bồn tươi, năm nay thương lái thu mua tại nhà giá 25.000 đồng/kg. Cá biệt vào những tháng mùa khô khi hàng hiếm giá tăng lên gấp đôi. Trung bình trên 1/ha chúng tôi có nguồn thu trên dưới 15 triệu đồng/tháng.

Cây bồn bồn trở thành cây kinh tế của người dân Cà Mau

Bồn bồn là loài cây dễ trồng, khi bắt đầu mùa mưa bà con bắt tay cấy trên ruộng. Khoảng cách để trồng một bụi từ 2 – 3 m, chưa đến 2 tháng sau sẽ đầy ruộng, vụ thu hoạch kéo dài đến qua Tết Nguyên đán năm sau.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đoàn Văn Chính, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cái Nước cho biết: “Diện tích bồn bồn trên địa bàn gần 100 ha, diện tích lớn thứ hai của huyện sau cây lúa. Nói về giá trị kinh tế, bồn bồn vượt trội hơn cây lúa nhiều, giúp đông đảo hộ dân vươn lên khá giả, có nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng, vì vậy được gọi là “Cây kinh tế”. Hướng đến, để phát triển bền vững và nâng tầm cây bồn bồn, chúng tôi đã hoàn tất hồ sơ, đề nghị Sở KH-CN công nhận thương hiệu dưa bồn bồn Cái Nước”.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật