Ăn gì để lấy may ngày Tết?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sự may mắn trong niềm cầu ước ngày Tết luôn thường trực trong tâm lý dân chúng sau thời khắc giao thừa, năm cũ chuyển sang năm mới.
Ăn gì để lấy may ngày Tết?
Bánh chưng và bánh dày. Ảnh minh họa từ internet

Ở đó, trong những giờ phút đầu tiên của sự khởi đầu cho một năm, các công việc như xuất hành, xông đất, trang phục, lời nói, miếng ăn thức uống… đều được chọn lựa kỹ càng với hy vọng đem lại mọi điều tốt đẹp nhất trong một năm, bên cạnh đó phải kiêng kỵ những thứ mà quan niệm cộng đồng cho là xui rủi, “dông cả năm” vì “Tết thế nào, cả năm thế ấy”.

Với món ăn, đầu năm, dường như nhân loại đều có chung ý tưởng chọn lựa, về mầu sắc tươi vui, về âm thanh rộn ràng, về hình dáng vuông tròn đầy đặn, về kích thước to dài, về hương vị thơm ngọt, về ý nghĩa tên gọi lạc quan, phồn thịnh...

Một lời chúc tụng mang đầy phương ngữ quê nhà cũng là món ăn tinh thần tha thiết khi người phương xa về ăn Tết ở làng, xung quanh là ông bà cha mẹ bà con cô bác, càng ngẫm càng thơm tho nơi đầu lưỡi người nói, càng ngẫm càng bùi ngọt nơi đôi tai người nghe, há chẳng phải là thực đơn khai vị đầu năm may mắn?

Với người Việt ta, món truyền thống là bánh dày, bánh chưng, trầu cau, dưa hấu…đã tồn tại cùng văn hiến bốn nghìn năm, từ thời các vua Hùng đến giờ chưa hề phai nhạt. Có thay đổi chăng là ở biến tấu của nó, chẳng hạn bánh dày nhiều nơi chuyển thành bánh tét.

Đó là những món mang lại ý nghĩa kính trọng trời đất, tưởng nhớ nguồn cội công đức ông bà tổ tiên, sự gắn bó thấm đượm chung thủy lứa đôi và ghi lòng tạc dạ niềm trung trinh son sắt.

Ngoài ra, sự may mắn theo quan niệm Việt, hy vọng trong các loại thịt cũng không ngoài ý nghĩa viên mãn, hưng phát. Về gia cầm, đầu năm một số nơi trên thế giới thích xơi ngỗng thì ở ta quen thuộc với thịt gà với quan niệm siêng năng và chính xác, một tiếng gáy báo hiệu cho bình minh.

Cá được nhiều nước trên thế giới cho là sự đoàn kết và tiến lên vì cá thường sống thành đàn và không bơi lùi. Ở ta, do đặc điểm sinh thái của văn minh lúa nước và là đất nước có ba phần tư diện tích biển nên thủy hải sản hết sức đa dạng phong phú, do vậy, mâm cỗ Tết bên cạnh thịt gia súc gia cầm, thường sinh động những loại cá.

Cá quả nướng riềng mẻ, cá mú hấp xì dầu, cá thu sốt cà chua, cá ngừ kho thơm, cá cá diêu hồng chưng tương, cá chua nấu đọt rau rừng … đặc sản các vùng miền, làm tưng bừng hóa bữa ăn đầu xuân, giảm sức ngán của mỡ động vật nên được xem là đem lại may mắn trực tiếp cho cái…dạ dày.

Trong danh mục tiến vua, còn có loài cá chiên "ngũ quý hà thủy”, loài cá hình thù cổ quái, khi trưởng thành lên đến hơn nửa tạ, tính cách dữ tợn, hung bạo, được mệnh danh chúa tể của lòng sông.

Cơm gạo tám thơm Mễ Trì dẻo thơm phưng phức để làm gì, nếu không có những lá rau cải Mơ mở hội trong bát canh nghi ngút khói với vị đại biểu vừa trẻ trung vừa kỳ cựu là cá rô Đầm Sét!

Nó có mặt trong bảng phong thần liệt hạng: “Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm – Cá rô Đầm Sét, sâm cầm hồ Tây”, có thứ giờ chỉ còn trong ký ức, nhưng đã may mắn có được, nó lại làm đậm đà hóa niềm may mắn những ngày đầu xuân!

Ở miền Trung, đặc biệt là vùng quê xứ Nẫu Bình Định Phú Yên, sự may mắn còn được bà con tìm đến trong một thứ thực phẩm không thể thiếu là mắm. Mắm nơi này rất phong phú, mắm cái, mắm nêm, mắm nhỉ, mắm ngừ, mắm thu, mắm cơm , mắm nục, mắm mòi...

Mắm ngoài việc làm món chấm, còn là ngai vàng cho các loài khác đến ngự như bắp bò ngâm mắm, thịt thủ heo ngâm mắm, chân giò ngâm mắm, cánh gà chiên mắm, cà dĩa mắm ruột, cà chua xanh mắm ruốc, khế ngọt mắm tép… Hoặc chỉ đơn giản, mắm cái rau lang là món không thể thiếu trong lễ cúng Tá Thổ từ Huế đến Nam Kỳ xưa, đối với ngày Tết nó còn là sự cứu tinh khi miệng lưỡi đã “no xôi chán chè”.

Các vị cứu tinh đi cùng với mắm là các loại chua ngọt, dưa ngâm, gỏi nộm, rau sống, rau luộc, rau xào…Hũ mắm “khai vị” trong ngày Tết phải đảm bảo các điều kiện mùi thơm tho, vị dịu ngọt, mầu sắc tươi sáng của chất liệu và gia vị.

Thực đơn may mắn cho ngày Tết, đương nhiên phong phú và đa dạng không thể kể hết, nếu khảo tả sâu vào từng vùng miền qua phong vị ẩm thực độc đáo theo hệ thống trà, rượu, chè xôi, bánh trái, rau dưa, thịt cá, hoa quả…

Nó không dừng lại ở truyền thống mà sinh sôi thêm từng năm, khi văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật giao lưu và phát triển, khí hậu môi sinh thay đổi.

Cái món mứt thì thiên hình vạn trạng, trăm hồng nghìn tía không dừng ở củ quả phương Đông mà còn thu nạp phía trời Tây.

Món giò không chỉ loanh quanh con lợn mà tiến tới giò đà điểu, kangaroo… Hay cái mâm ngũ quả, cầu (na - tức mãng cầu), vừa (dừa) đủ (đu đủ) xài (xoài) sung cũng là một biến tấu vui nhộn của phương ngữ. Có nhà lại tưng tửng sắp lên cỗ bồng chà là, v‌ú sữa, dừa, đu đủ, sung như một biểu tượng phồn thực!

Năm Ất Mùi, có người đoán món Dê nhiều nơi sẽ lên ngôi chủ vị cho Thần May Mắn. Nó đâu phải chỉ là nướng mẻ, là hầm, là ủ trấu, là tái chanh, là ngọc dương tiềm thuốc Bắc hay ngầu pín dê ngâm rượu làng Vân, rượu làng Chuồn, rượu Bàu Đá…

Đó chỉ là những món ăn bằng miệng, lưỡi, dạ dày, tất nhiên có huy động ngũ quan nhưng chủ yếu tập trung vị giác.

Còn những thưởng thức giành cho thị giác, xúc giác, khứu giác, thính giác…như ngắm một bông hoa, ngửi một làn hương, nghe một tiếng người thân yêu thấm thía, ngắm nhan sắc của hạt mưa hay cơn gió thoảng ngân rung…đó chẳng phải là thực đơn trùng trùng duyên khởi của mùa xuân?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật