Doanh nghiệp Việt đối mặt với nguy cơ “lép vế” trong AEC

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự định được thành lập vào năm 2015 sẽ liên kết 10 quốc gia ASEAN thành một khu vực kinh tế lớn với quy mô dân số hơn 600 triệu người, mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức cho các DN Việt Nam.
Tuy nhiên, khảo sát mới đây của Bộ KH&ĐT cho thấy, 76% DN Việt không biết gì về AEC, 94% DN không hiểu rõ về nội dung đàm phán, 63% DN không hiểu về những cơ hội và thách thức khi tham gia AEC... Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, DN trong nước sẽ bị "lép vế" trong cuộc cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực nếu còn quá "lờ mờ" về AEC.

Cộng đồng kinh tế AEC sẽ được thành lập vào cuối năm 2015, song vẫn còn quá nhiều DN Việt Nam chưa hiểu rõ về AEC và các nội dung đàm phán... Thực trạng này sẽ dẫn tới những nguy cơ, thách thức gì cho các DN, thưa ông?

- Mặc dù việc thành lập AEC thực chất là liên kết 10 quốc gia ASEAN trở thành một khu vực kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta cần phải thẳng thắn với nhau rằng, cộng đồng kinh tế AEC chủ yếu là cơ hội cho 6 nước ASEAN xâm nhập vào 4 nước ASEAN còn lại gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myamar. Bởi vì 6 quốc gia trên đã cắt giảm thuế quan từ năm 1993 nên giờ họ đã biết nhau quá rõ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, 6 quốc gia cũ họ đã có chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho quá trình hội nhập sâu rộng này, đặc biệt là chiến lược xâm nhập vào 4 quốc gia mới, trong đó có Việt Nam. Do đó, khi AEC chính thức hoạt động với thuế suất giảm bằng 0 thì hàng công nghiệp và nông sản của các nước ASEAN, đặc biệt là 6 quốc gia trên sẽ tràn vào Việt Nam. Nếu Việt Nam cải cách và tái cấu trúc kinh tế mạnh mẽ hiệu quả, DN trong nước có sự chuẩn bị tốt để bước vào cuộc canh tranh gay gắt thì Việt Nam có thể hưởng lợi, nếu không Việt Nam sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà, thậm chí người Việt Nam sẽ có nguy cơ phải làm thuê cho các DN ASEAN khác.

Việc bãi bỏ một phần thuế nhập khẩu vào năm 2015 và tiến tới bãi bỏ hoàn toàn vào năm 2018 sẽ đưa Việt Nam bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt với các quốc gia trong AEC. Các quốc gia khác đã chuẩn bị như thế nào và chúng ta có thể học hỏi gì từ họ?

- Theo tôi được biết thì cả 6 quốc gia cũ trong cộng đồng kinh tế ASEAN đều đã có sự chuẩn bị rất kỹ, đặc biệt là Thái Lan. Quan chức Thái Lan tùy theo lĩnh vực sẽ học tiếng ASEAN, trong đó có tiếng Việt trong vòng 3 - 6 tháng. Ngoài việc học tiếng Việt, Thái Lan còn đẩy mạnh thành lập các trung tâm hợp tác với DN Việt Nam để tìm hiểu kỹ và thâm nhập sâu rộng vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt, bên cạnh việc chuẩn bị tìm đường cho DN Thái đưa hàng hóa vào các quốc gia khác, Thái Lan cũng rất tích cực đặt ra các rào cản để bảo vệ DN và người lao động trong nước. Đơn cử như khi cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức hoạt động, sẽ có 8 ngành nghề có chuyển dịch tự do từ nước này sang nước kia làm việc như kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ, y tá, hộ lý, kiểm toán, nhân viên du lịch... Do đó, Thái Lan đã đặt ra quy định yêu cầu người lao động các nước muốn hoạt động tại nước này thì phải thi tuyển bằng tiếng Thái...

Theo ông, Việt Nam cần chuẩn bị những gì để không bị "lép vế" trong quá trình hội nhập khu vực?

- Tại Việt Nam, mặc dù Chính phủ đã có một số nghị quyết về chuẩn bị gia nhập AEC nhưng việc triển khai trên thực tế còn quá chậm. Việt Nam cần xây dựng chương trình hành động cụ thể để mỗi ngành, mỗi cấp và DN có lộ trình thực hiện. Trong đó, các chính sách đưa ra một mặt vừa thúc đẩy xuất khẩu song cũng phải đặt ra những rào cản để bảo vệ DN, hàng hóa và người lao động trong nước. Các Hiệp hội DN cũng cần phải phổ biến cho DN hiểu những lợi thế và thách thức của DN. Đặc biệt là cơ hội để các DN Việt Nam có thể tiến sâu vào 3 nước ASEAN mới là Lào, Camphuchia, Myamar và cạnh tranh hàng hóa với các quốc gia phát triển còn lại ngay trên chính sân nhà của mình.

Vậy, DN Việt cần phải làm gì để tận dụng cơ hội từ sự hội nhập này?

- Trong những năm qua, Việt Nam đã bắt đầu có những công ty, tập đoàn lớn vươn ra thế giới, tuy nhiên những DN này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Còn lại đa số DN, đặc biệt là DNNVV Việt Nam vẫn "ốm yếu" nên năng lực cạnh tranh rất yếu. DN Việt Nam có lợi thế về sự năng động, sáng tạo nhưng kém hơn các quốc gia khác về tính chuyên nghiệp, năng lực tài chính. Việt Nam cũng có lợi thế nhất định về dệt may, da giày, chế biến nông, thủy sản, dịch vụ phần mềm, một số lĩnh vực trong y khoa (như bệnh nhi, ngoại khoa) và kết hợp du lịch với chữa bệnh, nghỉ dưỡng... Tuy nhiên, chúng ta lại chưa xây dựng được hệ thống bán lẻ vững mạnh và có quy mô lớn. Điều này khiến hàng hóa do Việt Nam sản xuất sẽ gặp khó khăn khi tiêu thụ trên sân nhà, nhất là trong bối cảnh các quốc gia ASEAN khác như Thái Lan đã có chiến lược tấn công vào hệ thống bán lẻ của Việt Nam như mua lại Metro và các DN bán lẻ trong nước khác.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt đó, các DN không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tăng cường xúc tiến thương mại để tìm hiểu các thị trường để xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế. Còn đối với thị trường trong nước, các DN không thể tồn tại bằng kinh doanh nhỏ lẻ mà phải tìm cách liên kết hợp tác với nhau trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của mình để tạo nên sức mạnh cạnh tranh của cả cộng đồng DN.

Xin cảm ơn ông!
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật