“Vua“ sáng chế người Việt

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nặng lòng với quê hương, sau nhiều năm xa quê, tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn (Việt kiều Mỹ) thông qua những buổi hợp tác, trao đổi khoa học, giáo dục giữa hai chính phủ Việt - Mỹ, tìm cách giúp thế hệ trẻ Việt Nam tiếp cận với công nghệ nano giàu tiềm năng.
“Vua“ sáng chế người Việt
Tiến sĩ Sơn thăm và làm việc tại ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM.
Sang Mỹ du học từ năm 1974, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hóa học tại ĐH Brown, năm 1981, ông Sơn về đầu quân cho tập đoàn máy tính khổng lồ IBM. Hiện ông là chuyên gia nghiên cứu cao cấp về chế tạo chip máy tính, theo công nghệ nano tại Trung tâm Nghiên cứu IBM Watson thuộc ĐH New York, Mỹ.

Sở hữu… 100 bằng sáng chế

Sau 30 năm nghiên cứu khoa học, bảng vàng thành tích mà tiến sĩ người Mỹ gốc Việt Nguyễn Văn Sơn được cấp tới 100 bằng sáng chế ở Mỹ, giành hơn 40 giải thưởng phát minh sáng tạo do IBM trao, công bố gần 100 công trình khoa học trên nhiều tạp chí và hội thảo khoa học uy tín trên thế giới.

Nhưng những đóng góp của ông cho IBM không chỉ là giải thưởng mà quan trọng là những sáng chế về bộ nhớ của máy tính, đem về hàng chục triệu USD lợi nhuận cho hãng. Công việc nghiên cứu bận rộn nhưng tiến sĩ Sơn vẫn dành thời gian giảng dạy tại các ĐH và tham dự nhiều hội nghị chuyên ngành trên thế giới. Theo ông, công nghệ Nano là ngành học mới và phức tạp nhưng có thể mang đến nhiều thay đổi tích cực trong sản xuất. Công nghệ này bắt đầu thâm nhập mạnh mẽ vào đời sống trên nhiều lĩnh vực như y tế, nông nghiệp...

“Khi mới giới thiệu công nghệ nano ai cũng bỡ ngỡ nhưng đến nay nó đã trở thành một phần của cuộc sống. Tôi tin rằng 30 năm tới, công nghệ nano cũng được nhắc đến như công nghệ thông tin hiện nay”, tiến sĩ Sơn cho biết.

 

Tiến sĩ Sơn làm việc với ĐH Trà Vinh.

Nặng lòng với quê hương

Từ khi làm việc cho IBM, tiến sĩ Sơn đã tham gia một tổ chức phi lợi nhuận về hợp tác khoa học Việt - Mỹ. Ông luôn trăn trở: “Việt Nam mới có người đi học, chứ chưa phải là người làm việc”. Phải chăng vì thế mà mỗi khi nhận được lời mời từ trong nước, ông gắng hết sức mình đóng góp.

Từ năm 1982, ông hợp tác với một trung tâm nghiên cứu khoa học tại Nghĩa Đô, Hà Nội, đào tạo nhiều kỹ sư công nghệ cao. Ông cũng từng phỏng vấn và đưa hàng trăm sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học.

Theo ông, Việt Nam muốn trở thành nước có nền khoa học phát triển trong 20 - 30 năm tới, thì “chúng ta phải tìm hiểu về công nghệ nano để sử dụng nó như một bàn đạp phát triển khoa học kỹ thuật”. Tại Singapore hay Hàn Quốc, công nghệ này đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Ông tâm sự: “Tôi muốn giúp sinh Việt Nam nắm bắt những cái mới. Ngành này mới nên chúng ta có thể dễ bắt kịp với các nước hơn là tập trung vào ngành đã phát triển mà chúng ta bị bỏ lại quá xa”. Ông Sơn cũng cho rằng, mặc dù cơ sở hạ tầng nghiên cứu còn khiêm tốn nhưng Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để phát triển công nghệ nano. 

Dường như những kế hoạch có tầm cỡ luôn thôi thúc ông trong những chuyến về quê. Ông muốn ban đầu, sẽ đào tạo đội ngũ kỹ sư có trình độ, làm việc tại những tập đoàn khổng lồ nhưng về lâu dài lực lượng này sẽ là “đối trọng”, có khả năng cạnh tranh với những tập đoàn đó.

Hằng năm, ông về Việt Nam khoảng hai, ba lần để giới thiệu công nghệ nano tại các hội thảo và tham gia giảng dạy ở một số ĐH. Gần đây nhất, ông được mời làm cố vấn trong thời gian 5 năm cho ĐH Trà Vinh. Ông cũng làm việc với ĐH Khoa học Tự nhiên với mục tiêu phát triển khoa học nano. Đây là một chương trình khá lớn, bởi “chúng ta phải đào tạo cả trò lẫn thầy”.     

ĐV
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật