Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: ‘Tôi choáng váng’

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vẫn thấy “choáng váng“ trước danh mục dự án đầu tư được các Bộ, ngành, địa phương đưa lên và khẳng định giai đoạn 2016-2020 “sẽ không có nhiều dự án mới được thực hiện“.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: ‘Tôi choáng váng’
Ngân sách không ưu tiên cho các dự án mới mà ưu tiên cho các dự án đang dang dở. Ảnh: Lương Bằng

Đưa nhu cầu vốn lên gấp 20-30 lần

Tại Hội nghị hướng dẫn kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 tổ chức ngày 2-2, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kể: Năm 2014 Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị Bộ KHĐT hỗ trợ tối thiểu 20.000 tỷ đồng vốn đối ứng cho các dự án ODA, nhưng Bộ KHĐT chỉ bố trí được 2.000 tỷ đồng thôi. Còn lại Bộ phải đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội phát hành Trái phiếu Chính phủ để bù đắp cho Bộ GTVT.

Nhấn mạnh việc bố trí vốn đầu tư là "áp lực kinh khủng", ông Bùi Quang Vinh bộc bạch: Vừa qua tôi tiếp cận sơ bộ kế hoạch đầu tư được các Bộ ngành địa phương đưa lên, tôi choáng váng, cảm thấy không làm được. Vì có Bộ đưa lên nhu cầu vốn gấp 20-30 lần khả năng cân đối cho Bộ đó. Các địa phương cũng gấp ít nhất 10 lần.

Luật Đầu tư công có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 nhằm chặn tình trạng đầu tư dàn trải, yếu kém. Lãnh đạo Bộ KHĐT cho rằng đây là "quyết tâm rất lớn" dù sự thay đổi nào cũng "rất đau, rất khó".

Thủ tướng cũng đã ra Chỉ thị ưu tiên sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách cho những nhóm dự án cụ thể. Trước hết, làm "vốn mồi" để đối ứng cho các dự án hợp tác công tư (PPP). Thứ hai là vốn đối ứng cho dự án ODA. Ưu tiên thứ ba là dùng tiền ngân sách để chi cho trả nợ. Ưu tiên thứ tư là bố trí cho các công trình dở dang, chuyển tiếp.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lưu ý: Lần này, chúng ta phải làm rõ đang có bao nhiêu dự án ODA triển khai trên khắp đất nước với giá trị tổng vốn của các dự án là bao nhiêu, trong đó phần vốn của nước ngoài, vốn đối ứng của Việt Nam là bao nhiêu, khả năng cân đối như thế nào. Những dự án mới đang chuẩn bị ký thì ngừng lại cũng được vì áp lực vốn đối ứng nhiều quá.

Ông Vinh cũng không quên nhắc nhở các địa phương phải báo cáo đúng số nợ xây dựng cơ bản của địa phương, tránh tình trạng chi trả nợ không đúng. Nếu địa phương nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước Pháp Luật.

"Thế thì tôi hỏi các đồng chí còn tiền đâu để bố trí cho dự án mới? Làm gì còn!" - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trăn trở - "Cho nên chúng ta phải thay đổi toàn bộ tư duy và cách làm, không thể tiếp tục làm như trước nữa, Sở Kế hoạch và Đầu tư mà tham mưu làm như cũ sẽ bị xử lý".

Nếu trả được nợ thì có thể đề xuất nới trần nợ công

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: Về nguyên tắc, Quốc hội không đồng ý phát hành Trái phiếu Chính phủ (TPCP) của giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên chúng tôi thấy ngân sách nhà nước rất bé, vốn đó chỉ làm việc nhỏ thôi, còn những dự án lớn mà đất nước ta làm được chủ yếu là nguồn TPCP và nguồn ODA.

Quốc hội đã bổ sung 170 nghìn tỷ đồng vốn TPCP cho giai đoạn 2014-2016. Như vậy hết năm 2016 nguồn tiền từ TPCP sẽ không còn.

Lãnh đạo Bộ KHĐT chia sẻ: Đến năm 2016 trần nợ công của Việt Nam đã đến tới hạn. Luật Nợ công quy định trần nợ công Việt Nam không quá 65% GDP, nhưng theo tính toán của Bộ Tài chính trình trước Quốc hội, đến năm 2015 nợ công của chúng ta là 64% GDP, đến năm 2016 nợ công Việt Nam đạt ngưỡng trần là 64,9% GDP. Quan trọng không phải trần nợ công là 65% hay 70%, vấn đề đặt ra ở đây là khả năng trả nợ.

"Tôi vay nhiều nhưng tôi trả nợ được thì tôi vẫn vay được. Còn anh vay có 10 triệu mà không trả được thì cũng thành con nợ. Cho nên nếu chúng ta tăng cường sử dụng vốn đầu tư hiệu quả thì chúng ta vẫn có thể đề xuất tăng trần nợ công lên, để phát hành TPCP" - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Bộ trưởng Bộ KHĐT cho rằng: Chúng ta cũng phải xem xét khả năng trả nợ. Nếu có thể tăng thu ngân sách, đáp ứng khả năng trả nợ, thì chúng ta vẫn có thể thuyết phục Quốc hội nới trần nợ công.

"Nếu phát hành TPCP thì chúng ta mới làm được dự án lớn, còn trông vào đồng ngân sách còm cõi không thể làm được" - ông Vinh nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật