Thú chơi chim ‘vua’

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khát vọng thuần phục được loài chim đại bàng nổi tiếng hung hăng và hiếu thắng như một “ma lực” hấp dẫn người chơi.
Thú chơi chim ‘vua’
Anh Nguyễn Văn Ân và con đại bàng ưng thường “sát cánh” cùng anh trong các buổi gặp gỡ khách hàng

Không chỉ là thú vui đơn thuần, người chơi chim đại bàng còn rút ra cho mình những kinh nghiệm sống bổ ích thông qua cách chăm sóc và dạy dỗ chim “vua”, bởi đại bàng được mệnh danh là “vua” của các loài chim.

Ham muốn thuần phục được loài chim “vua”

Trên thế giới, thú chơi chim đại bàng phổ biến từ rất lâu, ở một số quốc gia thú chơi này còn là một môn thể thao bổ ích. Thế nhưng, thú chơi chim “vua” chỉ mới du nhập vào Việt Nam vài năm trở lại đây. Không chuyên nghiệp, bài bản như các nước bạn nhưng ở Việt Nam cũng thu hút nhiều người muốn thử sức huấn luyện loài chim khó tính này.

Chim đại bàng là loài động vật hoang dã ăn thịt sống nên bản chất rất hung hăng. Sở hữu bộ móng vuốt và chiếc mỏ sắc như dao nhọn với tốc độ di chuyển nhanh như một viên đạn nên chim đại bàng là nỗi ám ảnh của nhiều loài động vật như chuột, rắn, chồn và các loài chim trời khác… Cộng với phong thái uy dũng và lạnh lùng, loài chim này đã khơi dậy lòng kiêu hãnh nơi những người “mê chơi chim”. Họ mong muốn được huấn luyện và dạy dỗ cho loài chim “vua” nghe theo sự chỉ bảo của mình. Đây là “ma lực” rất lớn khiến nhiều người tìm đến thú chơi chim đại bàng. Niềm vui của người chơi chim đại bàng chính là khi đã thuần phục được chúng.

Anh Nguyễn Văn Tứ (22 tuổi, Q.7, TP.HCM), một người chơi chim đại bàng, chia sẻ: “Khi thả chim đại bàng ở ngoài đồng là lúc nó được trở về với thiên nhiên. Giống như “cá gặp nước”, nó tung cánh chao lượng trên bầu trời làm “vua” một cõi. Nó rượt đuổi các con mồi đầy sức mạnh và quyền lực nhưng chỉ cần một tiếng còi của tôi là nó quay trở về. Vừa lúc nãy nó còn làm vua một cõi giờ lại nghe lời mình, nhìn cách nó xà xuống theo trục thẳng từ bầu trời cao đáp vào cánh tay mình mới “sướng” làm sao”.

Để sở hữu một con chim đại bàng dưới 6 tháng tuổi chỉ cần bỏ ra từ 1 - 2 triệu đồng. Giá cả không quá cao so với các thú vui khác, đặc biệt có thể chơi lâu vì tuổi thọ của loài chim này khá cao, từ 25 - 35 năm. Cách chăm sóc không quá công phu và tốn nhiều thời gian, cộng với chi phí thức ăn thấp nên giới bình dân vẫn có thể chơi được.

Chơi chim đại bàng gần với cuộc sống

Anh Nguyễn Văn Ân (58 tuổi, Q.Bình Thạnh), là người có thâm niên chơi chim đại bàng, trước đây anh chỉ lầm lũi chơi một mình nhưng thời gian gần đây, phong trào nở rộ anh tham gia vào các nhóm và thu nhận “đệ tử” cho mình. Anh Ân chia sẻ: “Hàng xóm ở gần nhà cho biết, gần đây có cậu thanh niên nuôi chim đại bàng giống tôi. Thế là tôi chủ động tìm đến nhà để giao lưu. Cũng nhờ con chim mà tôi quen thêm một hàng xóm, ở cạnh nhà mà từ trước đến giờ chúng tôi đâu có biết mặt nhau. Tôi chơi trước nhiều kinh nghiệm nên cậu ta nhận tôi làm sư phụ, còn tôi cũng sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm bao nhiêu năm qua cho cậu ấy”.

Thú chơi chim của hai thầy trò này khá thú vị, vì họ xem chim như một con người để dạy dỗ và cũng từ cách chăm sóc chim họ rút ra cho mình những kinh nghiệm bổ ích trong cuộc sống.

Anh Nguyễn Quốc Cường (28 tuổi, Q.Bình Thạnh), “đệ tử” của anh Ân, cho biết: “Chim đại bàng là loài không thân thiện với người, nếu không biết cách rất khó tiếp cận. Phải xem chim cũng giống như con người, khi gặp người lạ con người thường e dè, đề phòng thì con chim cũng thế. Nên tiếp cận từ từ, cho nó ăn và thể hiện sự thân thiện để nó hiểu mình không hại mà đang giúp đỡ nó”.

Anh Cường cũng cho biết thêm, thời gian nuôi chim đại bàng, tính tình của anh thay đổi rất nhiều: “Trước đây tôi nóng tính lắm, nhiều khi gặp những mâu thuẫn nhỏ cũng có thể đánh nhau. Lúc mới huấn luyện tôi bị con đại bàng của mình dùng móng vuốt tấn công đến chảy máu. Khi đó tôi bực lắm, muốn “đánh” trả lại nó, nhưng nghĩ lại, tôi mà đánh nó có được gì đâu, càng khó huấn luyện hơn nên phải nhẫn nhịn. Dần dần “máu nóng” trong người tôi hạ nhiệt. Nhiều khi gặp những mâu thuẫn mà lúc trước tôi có thể đánh nhau nhưng nghĩ lại: “Con chim mình còn nhịn được không lẽ mấy chuyện này mình nhịn không được nên tôi bỏ qua".

Anh Ân lại thường mang theo con đại bàng ưng của mình mỗi khi đi làm việc với đối tác để tự tin và thể hiện phong thái hùng dũng của bản thân. Trong một lần thỏa thuận hợp đồng với đối tác gặp bế tắc, chính con đại bàng đã giúp đỡ anh giải quyết vấn đề. Anh kể: “Khi đó, chúng tôi trao đổi ở một quán cà phê sân vườn. Tôi đưa bản hợp đồng nhưng đối tác không chịu ký và nêu lên nhiều lý do. Tính tôi lại không thích “cò kè” với đối tác nên tôi bảo: “Anh cứ nói đi tôi nghe”, cùng lúc tôi gọi con đại bàng ưng của mình xuống và cho nó ăn mồi. Thông điệp mà tôi muốn gửi đến đối tác là: “Con đại bàng khó thuần phục như thế tôi còn có thể hiểu rõ bản tính nó để thuần phục, biết nó thích ăn mồi nào thì tôi cũng có thể hiểu anh mong muốn điều gì trong bản hợp đồng này. Tất cả những gì anh mong muốn đều đã có trong bản hợp đồng nên anh đừng đòi hỏi thêm nữa”.

Giữa chim đại bàng và người chơi không có mối quan hệ “chủ - tớ” như các loài chim cảnh hay chó, mèo mà đó là mối quan hệ tương tác lẫn nhau. Hai bên cần hiểu nhau hoặc phải có một sự đồng điệu nhất định nào đấy, vì thế, nhiều người xemchim đại bàng giống như một người bạn tri kỷ có thể thấu hiểu và chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống.
Chim đại bàng là loài động vật thuộc Sách đỏ cần được bảo vệ. Ở Việt Nam có ba loài đại bàng sinh sống: hai loài sống ở Tây Nguyên, còn một loài ở Phú Quốc và Côn Đảo. Hai loài ở Tây Nguyên gồm đại bàng đen và đại bàng xanh. Loài ở Phú Quốc và Côn Đảo là đại bàng biển bụng trắng. Mặc dù hành vi tàng trữ cũng như buôn bán, nuôi nhốt các giống đại bàng này đều trái Pháp Luật, nhưng theo những người nuôi đại bàng, hầu hết họ mua đều là chim nhập cảnh từ Úc, Indonesia… không phải đại bàng ở Việt Nam và lại có giấy phép nhập khẩu rõ ràng nên hoàn toàn hợp pháp(?).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật